Trung Quốc ư? 33 năm chẵn không rơi vào suy thoái, một mức tăng trưởng GDP 10% mỗi năm và liên tục kể từ hai thập niên nay, một đất nước đã đẩy lùi được tình trạng thất nghiệp, với kho dự trữ ngoại hối vượt quá 3.000 tỉ USD.
Châu Âu ư? Nhiều thập niên thất nghiệp ở mức hai con số, một mức độ tăng trưởng gần như bằng không, nhiều ngân hàng trên bờ vực phá sản, nợ công phình ra hằng ngày và một đồng tiền chung euro đang "mê ngủ". Một châu Âu đang "tóp" lại thấy rõ, trong khi một Trung Quốc đang không ngừng lớn mạnh. Và đây, hiệu ứng của nguyên lý "bình thông nhau" hẳn sẽ đến!
Kiểm soát đường biển nối liền Bắc cực
Ánh mặt trời ban đêm trên vùng trời Bắc cực không khiến người dân nơi đây ấm áp cho lắm. Lúc này đang là mùa hè tại xứ Iceland, năm 2011.
Một tỉ phú người Trung Quốc có tên là Hoàng Nộ Ba, người được xếp hạng 161 trên thế giới do tạp chí Mỹ Forbes bình chọn, đã chính thức đệ trình "giấc mơ miền cực" của mình.
Nhân vật ngoại ngũ tuần này đang hối hả để có thể tậu được 300 km2 diện tích đất không trồng trọt và đồng cỏ bị bỏ hoang tại vùng Đông-Bắc Iceland nhằm vào mục đích xây dựng tại đây một khu phức hợp du lịch.
Ông hoàng về ngành kinh doanh các dịch vụ giải trí này của Trung Quốc, người đã đặt chân lên đỉnh Everest, người đã từng làm thơ, đang muốn đầu tư 200 triệu USD vào vùng đất mênh mông phương Bắc này để mở ra một câu lạc bộ chuyên về du lịch sinh thái với các tour dã ngoại, sân golf, sân quần vợt, xe đạp địa hình, v.v...
Đây quả thật là một ý tưởng hay, nếu không nói là quá tuyệt vời, ngoại trừ rằng mảnh đất này thật sự không phải là bình thường. Bởi lẽ, diện tích mà ông Hoàng muốn có chiếm đến 0,3% lãnh thổ của nước Iceland!
Ông Hoàng nuôi hy vọng đưa đến Grimsstadir a Fjöllum 300.000 con người, trong đó có đến 150.000 người Trung Quốc.
Mà việc này hẳn sẽ làm "chao đảo" xứ Iceland từ nền móng, bởi đất nước lạnh giá này chỉ có dân số 320.000 người mà thôi!
Thế là người ta nghi ngờ ông Hoàng Nộ Ba đang toan tính "đặt dấu chân Trung Quốc" đến gần sát bên tuyến đường hàng hải nối liền châu Âu và châu Á tại Bắc cực. Mà chính ông Hoàng cũng thừa nhận: "Nước Trung Quốc hiện đã có tàu sân bay, điều đó thôi thúc mọi người nghĩ đến việc tàu sân bay sẽ chạy được đến tận nước Iceland".
Ông ấy đã luôn nhấn mạnh về tính chất thuần túy về kinh doanh thương mại qua vụ việc này và về tình yêu mà ông dành cho đất nước Iceland, một đất nước mới gượng dậy sau khủng hoảng về hệ thống ngân hàng.
Ông không kiêng cữ gì cả và người ta có thể hình dung ra ở ông ấy 150 lý lẽ với nhiều ẩn ý chính trị đằng sau đó. Và người ta càng nghi ngờ hơn nữa khi biết rằng ông Hoàng Nộ Ba, ngoài phẩm chất là một nhà thơ, vừa là một tỉ phú có cả một trang trại du lịch rộng lớn gần Nashville (thủ phủ bang Tennessee, Hoa Kỳ) và cũng vừa là một cựu quan chức của Bộ Tuyên truyền Trung Quốc tại Bắc Kinh... Chính quyền Iceland vì thế đã phải có quyết định về việc này, muộn nhất là cho đến tháng 2-2012.
Tầm nhìn dầu mỏ, khí đốt dưới lớp băng thiên niên
Tuy nhiên, vào cuối tháng 11-2011, phía Iceland đã có câu trả lời. Bộ trưởng Nội vụ Iceland Oegmundur Jonasson phát biểu với báo giới: "Không thể nói CÓ với lời đề nghị của phía Trung Quốc mua lại mảnh đất này. Chúng ta không thể chấp nhận đề nghị này. Chúng ta đang nói đến việc mua đất trên quy mô lớn. Nếu như chúng ta đồng ý, ai đó có thể nói pháp luật bị vô hiệu hóa và sau này sẽ có nhiều người muốn mua nữa. Chúng ta không thể tạo một tiền lệ như vậy".
Thế là ông Halldor Johansson, đại diện của ông Hoàng tại Iceland, đã bày tỏ thất vọng và ngạc nhiên trước quyết định trên. Ông cho biết pháp luật Iceland không có bất kỳ hạn chế nào về diện tích đất có thể được mua.
Tuy nhiên, bộ trưởng Nội vụ Iceland vẫn khẳng định rằng quyết định được đưa ra vào ngày 25-11-2011 là "quyết định cuối cùng và không thể thay đổi".
Các nhà quan sát Iceland cho rằng việc tỉ phú Hoàng Nộ Ba "hỏi" mua đất tại Iceland có thể sẽ giúp Bắc Kinh có được chỗ đứng vững chắc trên khu vực Bắc cực, bởi hiện tượng băng tan tại đây đồng nghĩa với việc con người sẽ sớm tiếp cận được khối trữ lượng dầu mỏ và khí đốt béo bở dưới đáy biển, song song với việc sẽ mở ra các tuyến đường vận chuyển biển có hải trình ngắn hơn.
Ép châu Âu vào "bệnh viện"
Cuộc khủng hoảng hiện nay không giúp ngăn cản được gì cả, khi mà Trung Quốc đã chuyển mình để trở thành vừa là "kẻ cứu rỗi", vừa là "con nợ", mà cũng vừa là "lãnh chúa" của toàn cõi châu Âu. Trung Quốc
Trung Quốc đã mua lại một phần khoản nợ của Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Giữa tháng 9-2011 tại Diễn đàn Davos,
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phát biểu rằng: "Châu Âu sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện nay và Trung Quốc đã sẵn sàng để tiếp tục đầu tư vào đây. (...) Tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của các quốc gia chính tại châu Âu hãy dũng cảm phác thảo các kế hoạch hợp tác với Trung Quốc".
Và thủ tướng Trung Quốc cũng đã nhắc lại trước cử tọa lời đề nghị của nước ông muốn được Cộng đồng châu Âu công nhận có nền kinh tế thị trường (điều này sẽ giúp hàng hóa Trung Quốc tiếp cận với thị trường châu Âu dễ dàng và trên quy mô lớn hơn).
Trong khi đó, kinh tế gia người Pháp chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và là giám đốc Công ty AB Marchés, tác giả quyển Mưu đồ bá chủ của Trung Quốc (La visée hégémonique de la Chine), dự đoán như sau: "Trung Quốc sẽ chữa lành bệnh cho chúng ta chứ họ không cứu chúng ta đâu. Bởi Trung Quốc sẽ được lợi khi ép chúng ta phải "nằm viện" để thúc chúng ta chấp nhận càng nhiều nhượng bộ càng tốt. Họ không phải là một chú gấu bông mà là một ông kẹ".
Từ lâu, Trung Quốc được coi là nắm giữ quá nhiều đôla sau khi đã mua nhiều khoản nợ của Mỹ. Do đó, họ muốn thay đổi chiến lược đầu tư xoay quanh hai trục chính: Nắm lấy những khoản nợ bằng đồng euro như họ vừa đề nghị với Ý và các loại tài sản hữu hình dưới hình thức bất động sản, động sản hay chủ quyền doanh nghiệp.
(Theo PL TP.HCM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com