Hôm 29/7, Thủ tướng Anh David Cameron đã hoàn thành chuyến thăm 2 ngày tới Ấn Độ sau cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Ấn Độ Manmohan Singh.
TTg Anh đã tham dự diễn đàn kinh doanh Anh - Ấn với các doanh nhân hàng đầu của hai nước, đồng thời, ông cũng tham dự lễ ký kết dự án trị giá 1,1 tỷ USD phối hợp chế tạo máy bay huấn luyện Hawk cho quân đội Ấn Độ tại phía Nam thành phố Bangalore.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của TTg Anh Cameron tới một quốc gia đang phát triển kể từ khi ông nhậm chức và là chuyến thăm đầu tiên của một TTg Anh tới Ấn Độ từ năm 2005. Phái đoàn của TTg Anh cũng là phái đoàn lớn nhất đến Ấn Độ kể từ khi quốc gia này dành được độc lập vào năm 1947.
Trước chuyến thăm tới Ấn Độ, TTg Cameron đã có bài viết về quan hệ Anh - Ấn trên nhật báo Ấn Độ The Hindu kêu gọi “mối quan hệ mạnh mẽ, sâu rộng hơn” giữa hai quốc gia, đồng thời ông nhấn mạnh các tiềm năng lớn giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực hợp tác như kinh tế, thương mại và an ninh.
Một trong những trọng tâm trong thỏa thuận giữa Anh và Ấn Độ trong chuyến thăm của TTg Cameron là hợp tác kinh tế và thương mại trong quan hệ song phương. Những đặc điểm mới trong quan hệ Anh - Ấn có thể được tóm tắt như sau:
Anh muốn khôi phục hợp tác kinh tế với Ấn Độ
Mặc dù trên thực tế, Anh là nước thực dân cũ của Ấn Độ, song ảnh hưởng của quốc gia này trên trường quốc tế đã giảm rất nhiều kể từ Thế chiến thứ II, đồng thời ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của Anh tại Ấn Độ cũng đã giảm mạnh trong vài thập kỷ qua.
TTg Anh cho rằng, những ảnh hưởng trong lịch sử không thể xây dựng được mối quan hệ mới giữa hai quốc gia và Anh phải tạo dựng được vị trí của mình tại Ấn Độ trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế khốc liệt.
TTg Anh cũng chỉ ra rằng, mục đích của Anh là lại trở thành một trong 5 đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ. Năm ngoái, thương mại Anh - Ấn đã giảm 4,5 tỷ USD và Anh là đối tác thương mại lớn thứ 18 của Ấn Độ.
Sự thay đổi gần đây của chính phủ Anh chủ yếu là do suy thoái kinh tế bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sau khi nhậm chức, TTg Cameron đã thực hiện cắt giảm thâm hụt lớn nhất và kế hoạch thắt chặt chi tiêu từ thời TTg Thatcher.
London đã nhận ra rằng, nếu Anh muốn khôi phục từ suy thoái kinh tế, quốc gia này cần phải tìm kiếm thị trường nước ngoài rộng lớn hơn, đặc biệt tại các nước châu Á.
Do đó, TTg Cameron đã chọn Ấn Độ là quốc gia đang phát triển để đến thăm đầu tiên. Trong cuộc hội đàm, chính phủ hai nước đã thống nhất thực hiện một loạt các hợp tác trên nhiều lĩnh vực, tăng cường đầu tư trong nước và thành lập đội ngũ giám đốc điều hành để thực hiện những nỗ lực này.
Anh quan tâm tới thị trường vũ khí Ấn Độ
Ấn Độ nổi tiếng với việc dựa vào nước ngoài, đặc biệt là trang thiết bị và công nghệ quân sự của Nga để hiện đại hóa lực lượng quân sự của nước mình do những hạn chế trong khả năng tự phát triển trang bị vũ khí. Trong nhiều năm qua, Ấn Độ đã đẩy mạnh việc mua vũ khí của nước ngoài.
Anh là quốc gia sở hữu công nghệ quân sự cao và muốn chia sẻ thị trường vũ khí với Ấn Độ. Dự án “Hawk” là một trong những ví dụ điển hình. Bên cạnh dự án này, Anh cũng hợp tác với Ấn Độ sản xuất máy bay quân sự Jaguar và dự định sẽ lắp ráp tàu cho lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ.
Mặt khác, với những hạn chế trong nhập khẩu công nghệ từ Mỹ, Ấn Độ hy vọng có được công nghệ quân sự và hạt nhân tiên tiến từ Anh, một trong những thành viên quan trọng của NATO.
Ngoài ra, hai nước cũng đặc biệt quan tâm mật thiết tới hợp tác trên các lĩnh vực như giáo dục, hàn lâm, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật, thể thao và các lĩnh vực khác nhằm phát triển quan hệ song phương giữa hai nước.
(vitinfo)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com