Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cười thật một lần nhờ World Cup

Lãnh đạo Pháp và Đức gặp riêng hôm qua để tìm sự đồng thuận, nhằm giảm bớt sóng gió cho hội nghị thượng đỉnh khối châu Âu, diễn ra hôm nay. Kết quả cuộc gặp về hình thức xem ra khả quan, nhưng thực chất cuộc gặp vẫn bị cho là “phấn và phó mát”.


“Phấn và phó mát” trong buổi họp báo chung. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh khối châu Âu (EU) đáng lẽ diễn ra hôm 7.6, nhưng bị hoãn vì lý do “lịch trình”. Nhưng các nhà quan sát cho rằng nguyên nhân của sự trì hoãn là bất đồng giữa Pháp và Đức có thể khiến hội nghị thất bại, phải có thời gian để Đức và Pháp tranh thủ san bằng khoảng cách.

Mục đích của hội nghị là thuyết phục giới tài chính thế giới rằng châu Âu sẽ vững vàng trước khủng hoảng nợ của Hy Lạp có nguy cơ lan khắp nơi. Trong khi đó Đức và Pháp, hai nước lớn trong khối, lại có quan điểm khác nhau trong việc xử lý cuộc khủng hoảng này.

Tờ Spiegel nhận định thực chất quan hệ của Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Đức vẫn là “phấn và phó mát” (“chalk and cheese”, giống nhau bên ngoài, nhưng bản chất khác hẳn), và nụ cười của hai người trong buổi họp báo chung gượng gạo hơn bao giờ hết. Dường như hai bên chỉ cười thật một lần khi Tổng thống Sarkozy khen đội tuyển Đức thắng đội tuyển Úc 4–0 ở vòng đấu bảng World Cup vừa qua. Đó là lúc ông Sarkozy mở đầu: “Lời đầu tiên tôi chúc mừng những người bạn Đức đã mở màn một cách ấn tượng ở World Cup. Chúng tôi chia vui với các bạn. Trận đấu quá ngoạn mục”.

Giống ngoài

Sau cuộc gặp, hai bên phần nào hàn gắn được bất đồng khi ông Sarkozy phát biểu trong cuộc họp báo chung rằng: “Cả hai chúng tôi đã đạt được một bước tiến cùng nhau”. Theo đó, bà Merkel và ông Sarkozy đồng ý với nhau rằng nên có một chính sách tổng thể từ cả 27 thành viên thuộc nhóm EU chứ không chỉ là một nhóm gói gọn với 16 thành viên của khu vực sử dụng đồng euro như Pháp từng mong muốn trước đó.

Trước đó, Pháp và một số nước châu Âu phản đối Đức khi cho rằng Đức chủ động thực hiện một số chính sách đơn phương. Thế nên, khi Đức tỏ ý “hợp tác” hơn có thể xem như một bước tiến bộ quan trọng trong việc nối kết EU. Bà Merkel nói rằng: “Chúng tôi không muốn phân chia châu Âu. Chúng tôi không muốn có thành viên hạng nhất và thành viên hạng hai”.

Châu Âu hạn chế “hành động đơn phương”

Thứ hai vừa rồi, Liên minh châu Âu cho biết sẽ hạn chế các nước thành viên thực hiện các biện pháp cấm giao dịch hoán đổi tín dụng nhằm giúp cả khối có thể phối hợp tốt hơn trong các biện pháp đối phó khủng hoảng. Tất cả lệnh cấm phải phối hợp với cơ quan giám sát thị trường do EU thành lập vào cuối năm nay. EU cho rằng chính việc các thành viên tự thực hiện các lệnh cấm làm phát sinh vấn đề. Tháng trước, Đức cấm các giao dịch mua bán khống các loại chứng khoán, trái phiếu và nợ chính phủ. Lệnh cấm trên của Đức đã gặp phải phản đối của không ít thành viên trong khối.

Tất nhiên, việc thống nhất về chính sách của cả 27 thành viên khối EU sẽ giúp Đức có nhiều đồng minh hơn trong việc thảo luận các vấn đề của nhóm. Trong khi đó, khi chỉ giới hạn trong 16 thành viên sử dụng đồng euro, thì nước này liên tục bị gặp phải những chỉ trích. Pháp cũng mong muốn việc thống nhất cả 27 thành viên về chính sách cũng phần nào dẹp bỏ được những chia rẻ từng có giữa những thành viên sử dụng đồng euro với các thành viên ngoài nhóm này nhưng thuộc cộng đồng EU như Anh và các quốc gia Đông Âu.

Khác trong

Trong suốt cuộc khủng hoảng hiện tại, Đức và Pháp liên tục xảy ra những bất đồng giữa hai bên, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình thống nhất các kế hoạch ứng phó cơn khủng hoảng đang hoành hành nền kinh tế Âu châu và thế giới. Hai bên luôn bất đồng trong vấn đề làm thế nào để cải tổ khu vực sử dụng đồng euro nhằm phòng ngừa cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp có thể gây đổ vỡ đồng tiền chung của cả khối.

Cách đây chưa lâu, Đức và Pháp đụng chạm nhau gay gắt trong quá trình thảo luận các chính sách chung cho cả nhóm, căng thẳng đến mức ông Sarkozy tỏ ý sẵn sàng đưa nước Pháp ra khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung euro.

Đức cho rằng các nước cần có những biện pháp cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là thắt lưng buộc bụng triệt để nhằm giảm nợ công và thâm hụt ngân sách. Ngược lại, Pháp cho rằng Đức nên cởi mở hơn đối với nền kinh tế của mình bằng cách không giới hạn các biện pháp kềm chế nhằm giúp các nước khác trong khối tăng trưởng khi Đức là thị trường lớn nhất trong khối.

Sở dĩ có những bất đồng như thế vì Pháp từng cho rằng chính thặng dư thương mại quá lớn từ Đức và nhu cầu trong nước của Đức giảm sút trở thành một phần của cuộc khủng hoảng ở châu Âu. Theo Pháp, Đức đã ép các nước châu Âu nhập khẩu quá nhiều từ Đức đến nỗi các nước mắc nợ. Pháp còn cho rằng việc Đức giới hạn mức lương nhằm tăng tính cạnh tranh cũng góp phần làm giảm năng lực cạnh tranh của các quốc khác trong khối. Trong khi đó, Đức vẫn khăng khăng cuộc khủng hoảng chỉ đơn thuần là do việc chi tiêu quá mức và lo ngại việc “cởi mở” hơn về chính sách có thể làm mất năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của nước này.

( Theo Ngô Minh Trí // SGTT Online)

  • Nga trấn an dư luận trước cảnh báo nguy cơ kinh tế
  • Giới tỷ phú Nga run sợ sau vụ MH17
  • Ứng viên ôn hòa đắc cử Tổng thống, hạt nhân Iran về đâu?
  • Châu Âu: Khủng hoảng nợ công đã qua ?
  • Điểm danh vũ khí tối tân của Nga tại lễ diễu binh
  • Châu Âu: Chông chênh gánh nợ
  • Đức nghiên cứu xây khu chứa chất thải vĩnh viễn
  • Ông Putin lo xung đột ở Triều Tiên hủy diệt hơn Chernobyl
  • Điều ít biết về một hạm đội của Nga
  • Pháp: tăng tuổi hưu – nhẹ gánh công, nặng gánh tư
  • “Virut nợ” Hy Lạp lan rộng: Italy “nhập viện”
  • NATO cắt giảm chi tiêu do khủng hoảng kinh tế
  • Thấp thoáng bóng hồng Việt Nam
  • Thổ Nhĩ Kỳ muốn hạn chế tàu chở dầu Nga qua biển Đen?
  • Nga sẽ chi 4 tỷ USD mua máy bay Boeing
  • Hy Lạp có nguy cơ tăng lạm phát và suy thoái lâu dài