Quan chức ngành tư pháp Pháp đang xem xét áp dụng dạng nhà tù mở để giam giữ phạm nhân, loại hình trại giam đã được áp dụng tại một số nước châu Âu
Hồi cuối tháng trước, Quốc vụ khanh phụ trách tư pháp của Pháp Jean-Marie Bockel trình bày một báo cáo nghiên cứu về nhà tù mở - một loại hình trại giam được Bộ Luật Hình sự Pháp cho phép. Theo ông Bockel, dạng nhà tù này đã chứng minh được tính hiệu quả trong định hướng cho phạm nhân tái hòa nhập với cộng đồng và chống tái phạm tội tốt hơn, cũng như có thể tiết giảm chi phí cho nhà nước.
Nhà tù Casabianda ở đảo Corse của Pháp, nơi giam giữ khoảng 194 phạm nhân.
Ảnh: AFP
Hiệu quả tốt
Nhật báo Pháp Le Figaro dẫn tuyên bố của ông Bockel: “Tôi thực sự nhận thấy những lợi ích do dạng trại giam khác thường này mang lại”. Kế hoạch này đang được ông Bockel thảo luận với Bộ trưởng Tư pháp Michèle Alliot-Marie và các quan chức quản lý trại giam, với hy vọng sẽ đưa vào thực hiện trong khoảng từ năm 2012 đến 2017, để giam giữ khoảng 10% trong tổng số 61.363 phạm nhân ở Pháp tính tới đầu tháng 2.
Trên thực tế, loại hình trại giam này đã được áp dụng tại một số nước châu Âu và tại đảo Corse của Pháp. Trại giam Casabianda nằm sát bờ biển phía Đông đảo Corse không có song sắt, tường rào và không có cả tháp canh. Chế độ giam giữ thoáng này đã được thực hiện từ 60 năm qua và hiện đang giam giữ 194 phạm nhân. Cách làm này cho thấy hiệu quả nhân đạo trong việc chấp hành luật pháp vì rất ít tù nhân tự sát, trốn trại và tỉlệ tái phạm tội rất thấp. Chuyên gia luật hình sự Paul-Roger Gontard nhận xét: “Tại Casabianda, các song sắt nằm trong nhận thức. Nơi đây có quan hệ tin cậy giữa tù nhân với ban quản lý và có một điểm tích cực khác là phạm nhân có nghĩa vụ phải làm việc – điều này không chỉ giúp họ có thêm thu nhập trong lúc ở tù mà còn tạo điều kiện cho họ chuẩn bị trở về cuộc sống bình thường”.
Tiết kiệm chi phí
Điều kiện giam giữ này đã được áp dụng tại một số nước, nhất là ở Bắc Âu. Tại Đan Mạch, khoảng 34% tù nhân được giam giữ trong các nhà tù mở. Tại Phần Lan, 32% tù nhân cũng được hưởng chế độ quản thúc thoáng như vậy. Tỉlệ tương tự tại Thụy Điển là 24%. Vài nước khác đã bắt đầu thử nghiệm loại hình nhà tù không song sắt như Thụy Sĩ (với 10% tù nhân) và Áo (với 8%). Chính những điển hình trên đây đã khuyến khích ông Bockel muốn phát triển mô hình này ở Pháp. Quan chức Bộ Tư pháp đang nghĩ cách thực hiện dự án trại giam mở này một cách cụ thể. Ông Bockel giải thích: “Chúng tôi nghĩ đến hai hướng: Hoặc xây dựng khu trại giam mở hoàn toàn mới hoặc cải tạo lại các nhà giam hiện có”.
Mặt khác, việc áp dụng nhà tù mở cũng tiết kiệm đáng kể cho ngân sách. Pháp mỗi năm chi khoảng 2, 4 tỉ euro cho việc quản lý tù nhân. Chi phí hằng ngày cho một phạm nhân bị giam trong khoảng từ 90 euro đến 120 euro, tính cả tiền cơ sở vật chất. Bộ Tư pháp cho rằng chi phí này sẽ giảm đáng kể nếu hệ thống nhà tù mở được thực hiện. Khoản tiền xây dựng và bảo dưỡng phòng giam không còn nữa. Lực lượng an ninh canh giữ phạm nhân cũng giảm bớt. Tại Thụy Sĩ, ngân sách nhà nước tiêu tốn cho một tù nhân theo cách bình thường là 211 euro mỗi ngày nhưng nếu họ bị quản thúc ở trại giam mở, số tiền này giảm xuống chỉ còn 70 euro.
(Theo Trúc Lâm // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com