![]() |
Thủ tướng Anh David Cameron (bìa phải) và Phó thủ tướng Nick Clegg chen qua đám đông du khách để đi bộ từ văn phòng thủ tướng tới tòa nhà quốc hội, thay vì ngồi lên xe công - Ảnh: Getty Images. |
Khủng hoảng tài chính, thâm hụt ngân sách, mong muốn các lãnh đạo làm gương để ủng hộ lối sống xanh và khôi phục niềm tin với người dân vào chính quyền... Tất cả điều này đã khiến Thủ tướng Anh David Cameron đi đến quyết định: chấm dứt thời kỳ các bộ trưởng đi xe “chùa”!
Thống kê của báo Independent cho biết năm 2009, chi phí vận hành hệ thống xe công cho chính quyền tiêu tốn của ngân sách 6,3 triệu bảng (10 triệu USD), tăng so với mức 5,9 triệu bảng (9,4 triệu USD) của năm trước, bao gồm tiền lương và phụ cấp cho hơn 90 tài xế túc trực suốt ngày để chở các bộ trưởng.
Bộ trưởng, xin mời đi xe buýt
Tính tổng cộng có khoảng 80 xe công luôn được dành sẵn cho các bộ trưởng vào bất cứ lúc nào. Văn phòng nội các đứng đầu bảng sử dụng nhiều xe nhất với bảy xe cùng tổng chi phí 426.200 bảng (677.000 USD). Sáu bộ khác cũng dùng tới sáu xe. Theo quy định mới, có hiệu lực từ tháng 5, các bộ trưởng vẫn được tiếp tục dùng xe công nhưng sẽ bị kiểm soát rất ngặt nghèo.
Bộ quy chuẩn mới dành cho các bộ trưởng quy định rõ: “Các bộ trưởng được phép sử dụng xe công cho công vụ chính thức hoặc để đi làm, trong một quãng đường hợp lý ở nội ô London khi họ phải mang theo các tài liệu cần bảo mật mà họ đang làm việc. Còn ở những chỗ khác, họ được khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng”.
Thủ tướng Cameron nêu gương đầu bằng cách đi bộ từ văn phòng thủ tướng ở đường Downing tới tòa nhà quốc hội trong một số dịp. Phó thủ tướng Nick Clegg đã có lần đi công tác bằng xe lửa. Một số bộ trưởng khác như Andrew Lansley của Bộ Y tế, Jeremy Hunt của Bộ Văn hóa cũng đổi sang dùng loại xe khác ít tiền và thân thiện với môi trường hơn.
“Trong tương lai, sẽ không còn có chuyện bộ trưởng xài xe hay tài xế công tùy thích nữa, trừ những trường hợp đặc biệt. Chính phủ khuyến khích các bộ trưởng đi bộ hoặc dùng phương tiện công cộng nếu có thể. Nếu không thì họ phải tự lo lấy xe” - Bộ trưởng Tài chính David Laws khẳng định.
Nói chung, quyết định này là một phần trong kế hoạch của chính quyền mới nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách đã lên tới 155 tỉ bảng (246 tỉ USD). Ngoài ra, Thủ tướng Cameron còn muốn giữ lời hứa của ông năm 2009: chấm dứt tình trạng “các chính trị gia lượn lờ trên xe công như thể họ là hoàng thân quốc thích”.
Báo The Guardian còn cho biết ông Cameron đã hạ quyết tâm sau khi đọc những đoạn hồi ký đầy mỉa mai về tình trạng sử dụng xe công của cố bộ trưởng Chris Mullin. Trong nhật ký của mình, A view from the foothills, ông Mullin đã viết về sự lãng phí đầy nghịch lý trong sử dụng xe công mà ông cho là khó chấp nhận.
“Tôi được quyền sử dụng xe và tài xế, một điều hoàn toàn vô nghĩa bởi hai tuyến xe buýt số 159 và số 3 đều dừng ngay trước cửa nhà tôi, ngay cả khi tôi là bộ trưởng. Jessica (thư ký riêng của ông)... giải thích rằng sở dĩ có chuyện này là vì chính phủ muốn tăng tối đa thời gian sử dụng xe.
Các tài xế có mức lương cơ bản rất thấp và thu nhập của họ phụ thuộc nhiều vào thời gian làm thêm. Vậy nên nếu tôi không đi xe công, anh ta sẽ chạy loanh quanh suốt ngày, chẳng làm gì ngoài việc... căm ghét tôi” - ông Mullin viết khi mới được bổ nhiệm vào nội các năm 1999.
Để chấm dứt tình trạng lãng phí này, quy định mới nêu rõ: “Chính phủ sẽ hạn chế số bộ trưởng đi xe công và tài xế xuống mức tối thiểu, tùy theo tình hình an ninh và các đòi hỏi cụ thể”. Các bộ trưởng cũng được khuyến cáo nên hoàn tất những công việc cần giữ bí mật ở văn phòng và hạn chế mang theo tài liệu nhạy cảm lên xe.
Mất chức thì trả lại xe
Cũng liên quan tới việc xài xe “chùa”, báo The Sunday Times giữa tháng 6-2010 phát hiện các cựu bộ trưởng của chính quyền cũ, bao gồm Jack Straw, Shaun Woodward, Alan Johnson và David Miliband, vẫn còn sử dụng xe công suốt hơn một tháng rưỡi sau khi họ mất chức do Công Đảng và cựu thủ tướng Gordon Brown thất cử.
Báo này cho biết một ủy ban của quốc hội, bao gồm cả các chuyên gia an ninh, đã được thành lập để xem xét việc các cựu bộ trưởng “quên” trả lại xe cho nhà nước. Và ủy ban này đã đi đến kết luận: nhiều vị cựu bộ trưởng, trong số đó nhiều vị đã không còn bị đe dọa khủng bố tấn công và không cần xe công hoặc sự bảo vệ đặc biệt, vẫn cứ tỏ ra miễn cưỡng không chịu trả lại xe.
Điều này làm công luận bất bình, điển hình như trường hợp của Woodward. Ông ta không chỉ là cựu bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland, mà còn là một triệu phú sau khi kết hôn với Camilla Sainsbury, người thừa kế tập đoàn siêu thị lớn thứ ba nước Anh!
Tài sản của Woodward ước tính vào khoảng 40 triệu bảng, với các bất động sản trải dài từ Anh đến Mỹ sang Caribê. Thế nhưng sau khi mất ghế, ông ta vẫn không chịu trả lại xe, cho dù có làm tiêu tốn 286.200 bảng (455.000 USD) tiền ngân sách cho xe công trong giai đoạn 2008-2009.
Một người phát ngôn của Woodward biện bạch với báo chí là do công việc đặc thù, ông vẫn cần được đảm bảo an ninh bằng xe công. Thế nhưng, báo The Sunday Times vặc lại bằng cách dẫn chứng: đến như cựu bộ trưởng phụ trách vấn đề Bắc Ireland Peter Mandelson và cựu bộ trưởng an ninh nội địa Charles Clarke trước đó còn vui vẻ trả lại xe, chứ nào có than phiền gì về chuyện an ninh như ông Woodward đâu!
Không có quy định cụ thể, nhưng Chính phủ Anh chỉ chi tiền xe công cho một số chính khách đã không còn tại vị thuộc diện đặc biệt nhạy cảm, như cựu thủ tướng Tony Blair (chi phí bảo vệ và xe công cho ông vào khoảng 6 triệu bảng mỗi năm), cựu thủ tướng Margaret Thatcher và các cựu bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland trong thời kỳ còn nhiều bất ổn cuối những năm 1960-1989.
( Theo Hải Minh // Tuổi trẻ)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com