Thứ bảy vừa qua, chiếc lồng thoát hiểm đầu tiên do Hải quân Chile thiết kế và chế tạo đã được chở tới vùng mỏ San Jose trong sự hân hoan của gia đình 33 thợ mỏ mắc kẹt ở độ sâu 700 m gần 2 tháng nay. Hai chiếc lồng tương tự sẽ được chở đến trong vài ngày tới cùng với hệ thống ròng rọc và cần trục, sản phẩm của Úc.
Lồng sắt và thang dây
Chiếc lồng “phượng hoàng” có chiều cao 2,5 m, nặng 420 kg, chiều ngang 53 cm lọt lòng. Dưới đáy lồng có 3 thùng chứa khí nén 40% ôxy và 60% nitrogen, cung cấp khí thở cho người đứng trong lồng đến 90 phút mặc dù cuộc hành trình từ dưới “địa ngục” lên mặt đất được dự trù từ 15 đến 20 phút.
Trong lồng có micro không dây giúp thợ mỏ liên lạc thường xuyên với đội cứu hộ trên mặt đất và các đồng nghiệp ở dưới hầm mỏ. Jaime Manalich, Bộ trưởng Y tế Chile, cho biết trong trường hợp khẩn cấp (ví dụ bị mắc kẹt giữa chừng), đáy lồng sẽ tự động mở, người thợ có thể tuột xuống điểm xuất phát theo đường dây cáp.
Bộ trưởng Bộ Mỏ Laurence Golborne là người đầu tiên chui vào lồng để kiểm tra các thông số kỹ thuật. Sau đó, hàng chục thân nhân các nạn nhân cũng vào đứng thử.
Carolina Lobos, 25 tuổi, con gái của thợ mỏ Franklin Lobos, nói nhìn từ xa, cô cảm thấy chiếc lồng hơi nhỏ nhưng sau khi chui vào lồng, cô nói rất dễ chịu và thú vị.
Chị Elizabeth Segovia, có chồng mắc nạn, nói chị rất hạnh phúc vì đã chờ đợi nó từ 50 ngày rồi. “Chi, Chi, Chi, le, le, le, Chile muôn năm”- cả trại Hy vọng đồng thanh la to khi chiếc xe tải được cảnh sát hộ tống chở lồng sắt tới.
Trên bờ, hai tuần qua, Jean Christophe Romagnoli, vận động viên thể thao chuyên nghiệp và cố vấn của quân đội Chile, đã tập huấn - qua máy bộ đàm - các thợ mỏ cách tập đứng bất động một giờ trong chiếc lồng giả định, mặc dù lộ trình cứu hộ bằng lồng sắt chỉ có khoảng 20 phút trong cuộc giải cứu phức tạp này.
Theo nhật báo Anh The Guardian, Romagnoli đã đánh giá tốt tình trạng thể lực của các thợ mỏ. “Họ lao động và rèn luyện thể lực mỗi ngày chứ không ngồi không chờ ngày được giải cứu. Tôi nghĩ họ đã sẵn sàng” – Romagnoli giải thích.
|
Kiểm tra lồng “phượng hoàng”. Bên phải là bộ trưởng Bộ Mỏ Laurence Golborne. Ảnh: AFP |
Ông Manalich cho biết thêm sau khi thông giếng, sẽ có 2 nhân viên cứu hộ - bao gồm một chuyên gia về cứu hộ và một trợ y lão luyện - xuống chỗ thợ mỏ. Họ sẽ hướng dẫn từng người cách thoát hiểm một cách chi tiết.
Nhân viên trợ y sẽ kiểm tra sức khỏe thợ mỏ, cho thuốc an thần để họ bình tâm khi được kéo lên mặt đất.
Theo hãng tin AFP, nếu phương án cứu hộ bằng lồng sắt không thể thực hiện được do lỗ khoan không vừa chẳng hạn, một phương án khác đã được chuẩn bị một cách nghiêm túc. Theo đó, một thang dây sẽ được thả xuống để thợ mỏ leo lên.
Vẫn còn bất trắc
Trong khi chuẩn bị lồng “phượng hoàng”, 3 máy khoan lỗ giếng vẫn tiếp tục hoạt động. Bộ trưởng Golborne tỏ ra lạc quan: “Máy móc hoạt động bình thường. Không có vấn đề gì đáng lo”.
Thế nhưng sự cố kỹ thuật đầu tiên đã xảy ra. Sáng 22-9, kỹ sư Andre Sougarret, chỉ huy trưởng chiến dịch giải cứu thợ mỏ, cho biết một lưỡi khoan của cỗ máy khoan Schramm T-130 đã sút khỏi đầu mũi khoan ở độ sâu 147 m và rơi xuống tầng hầm nhưng không làm thợ mỏ nào bị thương.
Schramm T-130 là cỗ máy thuộc kế hoạch B được cho là có cơ hội đạt đích sớm nhất. Nhiệm vụ của nó là mở rộng một lỗ giếng hẹp đang dùng để tiếp tế thực phẩm, đồ dùng cho thợ mỏ, đủ để chiếc lồng chở người hoạt động thoải mái. AFP cho biết ngày 25-9, nó đã khoan được 175 m.
|
Giàn khoan Schramm T-130 đã gặp sự cố kỹ thuật hôm 22-9. Ảnh: REUTERS |
Máy khoan Strata 950 thuộc kế hoạch A hoạt động sớm nhất đã khoan được 350 m hôm 22-9. Riêng máy giàn khoan dầu thô khổng lồ của kế hoạch C vừa đưa vào hoạt động hôm thứ tư tuần rồi đã khoan thẳng đứng được 40 m, trước khi dừng lại để đổi góc khoan.
Trong khi phía chính quyền tỏ ra dè dặt thì một vài tờ báo địa phương có vẻ lạc quan hơn. Họ nói mũi khoan đầu tiên sẽ đạt đích vào khoảng trung tuần tháng 10.
Tuy nhiên, ông Golborne đã sớm chấn chỉnh dư luận báo chí. Ngày 21-9, ông tuyên bố: “Cho tới nay, tôi chưa hề nghe thông tin chính thức nào từ phía chính quyền. Vì vậy, tôi khuyên các báo nên cẩn trọng.
Chính tôi là người hoạch định chương trình giải cứu thợ mỏ. Chương trình này sẽ kết thúc sớm nhất vào ngày 1-11 nhưng cũng có thể muộn hơn. Đồng ý rằng tôi có điều chỉnh trước vài ngày so với kế hoạch ban đầu nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi có thể cứu họ ngay trong tuần tới”.
Theo ông bộ trưởng Bộ Mỏ, kế hoạch giải cứu có độ phức tạp nhất định chứ không đơn giản là khoan giếng. Sau khi khoan phải gia cố thành giếng để tránh sụp lở.
Hơn nữa, việc khoan giếng chậm hay mau tùy thuộc vào độ cứng của các vỉa đá mà việc này không thể biết trước.
Chưa hết, kỹ sư Sougarret còn lưu ý rằng sau khi hoàn tất các giếng khoan, cần thêm một tuần lễ để lắp ống bao ròng rọc bằng thép để bảo đảm an toàn khi đưa các thợ mỏ lên mặt đất.
Nói chung, theo tiến độ hiện nay và nếu không gặp sự cố nào nghiêm trọng, đầu tháng 11 có thể bắt đầu giai đoạn đưa thợ mỏ lên mặt đất. Như vậy cũng đã thỏa mãn yêu cầu của Tổng thống Chile là giải cứu thợ mỏ trước ngày lễ Giáng sinh.