Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bài học Katrina vẫn nguyên vẹn

5 năm trước, cơn bão Katrina đã nhận chìm thành phố New Orleans của bang Louisiana, Mỹ khiến hơn 1.800 người thiệt mạng, thiệt hại khoảng 80 tỷ USD. Đây không chỉ được xem là vụ thiên tai tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ mà còn được chính giới truyền thông nước này đưa ra như là trường hợp khủng hoảng... đồng bộ! Tại Viện Bảo tàng báo chí Newseum ở thủ đô Washington, chủ biên và phóng viên của nhiều tờ báo của Mỹ đã có mặt để chia sẻ về những bài học từ sự kiện Katrina năm 2005.

Cuộc chiến của người làm báo

Sun Herald và Times-Picayune, hai tờ báo của thành phố New Orleans đã vinh dự nhận được giải thưởng Pulitzer năm 2006, giải thưởng danh giá nhất của làng báo vì đã nỗ lực tường thuật tình hình ngay tại khu vực lũ lụt tồi tệ nhất.

Những thông điệp hai tờ báo này gửi đi trong những ngày cơn bão Katrina hoành hành người dân tại thành phố New Orleans, bang Louisiana và Biloxo, bang Mississippi là lời kêu gọi chính quyền nhanh chóng triển khai cứu hộ và trợ giúp khẩn cấp. Những cái tít ấn tượng đã được hai tờ báo này thay phiên giật lên ở trang chính: Hãy cứu chúng tôi!, Chìm trong biển nước!, Ranh giới sống chết, Sóng thần! Chia sẻ trong buổi thảo luận tại Viện bảo tàng Newseum, Chủ biên Stan Tiner của tờ Sun Herald nhắc lại có đến 1/4 phóng viên của báo này đã mất nhà trong cơn lũ. Đau lòng hơn, nhiều phóng viên đã mất đi người thân và bạn bè trong vụ thiên tai này. Thế nhưng, họ và đồng nghiệp của mình vẫn nỗ lực liên tục cập nhật thông tin. Và câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền một lần nữa lại được nhắc đến.

Những bức ảnh và bài viết về hậu quả bão Katrina được trưng bày ở Viện Bảo tàng báo chí Newseum. Ảnh: AFP

Ở những nơi khó khăn ở khu vực vùng vịnh Mexico thuộc bang Louisiana, Mississippi, Alabama, người dân nghèo đã bị bỏ rơi hàng tuần liền. Chính quyền địa phương đã không có một động thái kịp thời nào. Trong khi phóng viên của Sun Herald và Times-Picayune có mặt tại hiện trường thì 4 ngày sau đó, những nhân viên của liên bang mới có mặt tại khu vực tập trung đông dân cư ở thành phố New Orleans.

Một trong những đặc điểm của vụ thiên tai này được giới truyền thông Mỹ rút ra, nghe buồn cười nhưng phản ánh đúng tình hình lúc bấy giờ: Chính quyền Bush điềm tĩnh đến không chấp nhận được, họ chỉ biết chạy theo sau thông tin của báo chí, thậm chí chạy chậm hơn rất nhiều! Ý kiến của một nhà báo đưa ra trong buổi thảo luận thật ấn tượng: “Về công tác hậu cần, việc triển khai đội cứu hộ còn dễ thực hiện hơn việc triển khai quân đến thủ đô Baghdad của Iraq lúc bấy giờ. Thế mà trong khi binh sĩ đến Iraq được lên kế hoạch chu đáo thì ở New Orleans, Biloxo lại chẳng thể tìm được đội cứu hộ vào lúc khẩn cấp như vậy”.

Tờ Daily News chuyên khai thác những tin tức của những người nổi tiếng, những tin giải trí thông thường cũng phải nghiêm túc chạy dòng tít Thật đáng xấu hổ! để hòa cùng lời phản đối của báo chí Mỹ đối chính quyền trong sự kiện này.

Mong ngày trở về

Thành phố New Orleans nơi chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất trong cơn bão Katrina. 80% lãnh thổ New Orleans bị ngập nước. Theo ước tính, phải mất hàng chục năm để tái thiết và khôi phục hoàn toàn điều kiện của thành phố này. Hơn 1 triệu người dân đã rời thành phố để bắt đầu cuộc sống mới ở các bang khác như Houston, Texas.

Nhiều người đã bỏ nhà đi lánh nạn đến nay vẫn chưa trở về. 50.000 căn nhà hiện vẫn trong các điều kiện không thể ở được hoặc chỉ còn là những lô đất trống. Ngày nay, khu vực bầu cử số 9, một khu xóm của người Mỹ gốc Phi, đã trở thành một biểu tượng cho sức tàn phá của bão Katrina vì hầu hết nhà cửa nơi này vẫn còn bị bỏ phế. Phó Giáo sư Marla Nelson thuộc Khoa Phát triển Đô thị Đại học New Orleans cho biết: “Đối với nhiều người dân, trở về là điều khó khăn.” Các khoản tiền ít ỏi được giải ngân cho việc tái thiết thành phố này lại được đầu tư khôi phục các sòng bài hạng sang, với lý do các sòng bài sẽ giúp thu hút khách du lịch trở lại. Trong khi đó, các điều kiện sinh sống tại những khu vực cần được tái thiết vẫn chưa được đảm bảo.

Trả lời AFP, cô Erika Clark, 29 tuổi, hiện đang sống ở Houston nói rằng: “5 năm trước, tôi cùng 2 con tìm đến Houston chỉ với ý định sống tạm, chờ ngày quay về New Orleans. Thế nhưng, ở quê hương mới này, tôi đã tìm được công việc ổn định, so với tình hình tái thiết ở quê nhà vẫn còn ì ạch, tôi không còn ý định quay về sinh sống nữa”.

Dù khẳng định chưa phải lúc quay về New Orleans nhưng nhiều người dân khi được phỏng vấn đã trả lời họ vẫn mong muốn ít nhất là những ngày cuối đời, họ có thể trở về quê nhà, khi công cuộc tái thiết hoàn thiện. Hiện tại, một trong những điều mà chính quyền Tổng thống Obama nói chung và bang New Orleans nói riêng là phải xây dựng hệ thông đê điều vững chắc. Vụ Katrina được xem là một dấu trừ trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống G.Bush. Tổng thống Obama sẽ phải hoàn thành tiếp những kế hoạch tái thiết Katrina vẫn còn dang dở trong khi người dân New Orleans vẫn mong ngày được quay về. 

(Theo NHƯ QUỲNH // SGGP Online)

  • Obama đề xuất hoãn thuế cho các doanh nghiệp
  • Nguy cơ suy thoái kép gia tăng ở Mỹ và châu Âu
  • Mỹ tăng cường các biện pháp thúc đẩy thương mại
  • Bra-xin cần mở cửa hơn trong việc giao thương với các nước Mỹ La tinh
  • Nhìn lại cuộc chiến 7 năm của Mỹ ở Iraq
  • Kinh tế Mỹ đang bị “nội thương” trầm trọng
  • Rao bán bản sao Nhà Trắng với diện tích 1.200m2
  • Kinh tế Mỹ mất thêm 54.000 việc làm trong tháng Tám