Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Canada trong cuộc khủng hoảng kép

Nhằm tránh một đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm có nguy cơ dẫn đến việc lật đổ Chính phủ thiểu số của đảng Bảo thủ, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã đề nghị Toàn quyền Michaelle tạm ngừng hoạt động của Quốc hội trong hai tháng để dàn xếp bất đồng. Chính trường tạm yên thì cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế bùng nổ, tạo ra sóng gió mới đối với đảng Bảo thủ cầm quyền.

Quốc hội Canada đã khôi phục hoạt động ngày 26-1 sau  hai tháng  ngừng hoạt động. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Stephen Harper trình bày chính sách  và hoạt động của Chính phủ, nêu rõ tình trạng suy thoái kinh tế ở Canada đang ngày càng sâu rộng và "phải hành động một cách nhanh chóng, khôn ngoan để ngăn chặn thảm họa". Chính phủ của đảng Bảo thủ thiểu số đã đưa ra một kế hoạch kích thích kinh tế gồm sáu  điểm nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay và hy vọng kế hoạch trên sẽ kích thích kinh tế Canada tăng trưởng thông qua các dự án đầu tư cho khu vực công cộng và tư nhân như xây dựng cơ sở hạ tầng, trợ cấp cho người nghèo, người thất nghiệp, thổ dân cũng như hỗ trợ các ngành công nghiệp gặp khó khăn như ngành sản xuất ô-tô và ngành lâm nghiệp.

 

Ngay ngày hôm sau, 27-1, Chính phủ Canada công bố chương trình kích thích kinh tế trị giá 40 tỷ đô-la Canada (CAD), tương đương 33 tỷ USD, trong hai năm tới nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Trong số 40 tỷ CAD, Chính phủ Canada dự chi có 12 tỷ CAD dành cho nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông; 1,5 tỷ CAD cho chương trình đào tạo lại nghề cho những người mất việc làm; 7,8 tỷ CAD cho chương trình xây nhà ở; 2,7 tỷ CAD trợ cấp ngành công nghiệp ô-tô. Chương trình này cũng chủ trương trong sáu năm, giảm 20 tỷ CAD thuế thu nhập cá nhân, hai tỷ CAD thuế thu nhập doanh nghiệp. Với chương trình kích thích kinh tế cả gói này, mức thâm hụt ngân sách có thể lên đến 85 tỷ CAD trong  năm năm tới nhưng kinh tế dự kiến tăng 1,4% trong năm nay, đồng thời tạo 190 nghìn việc làm mới từ nay đến năm 2011. Ngày 7-2, Thủ tướng Stephen Harper tuyên bố, Chính phủ Canada đề ra kế hoạch kinh tế vĩ mô và gói chi tiêu kích thích kinh tế 40 tỷ đô-la Canada là  "việc làm đúng và  cần làm".

 

Những thống kê cho thấy, nền kinh tế Canada bắt đầu suy thoái từ tháng 10-2008, đã có 213 nghìn việc làm bị cắt giảm, tương đương 1,2% lực lượng lao động của toàn liên bang. Suy thoái kinh tế đã có những tác động nặng nề đối với ngành công nghiệp Canada. Chỉ riêng trong tháng 1-2009, đã có 5% số nhân công làm việc trong ngành chế tạo bị sa thải. Tỉnh Ontario, trung tâm công nghiệp của Canada, có tới 71 nghìn người mất việc làm. Cơ quan Thống kê Canada ngày 11-2 thông báo, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Canada trong tháng 12-2008 đều giảm, thâm hụt thương mại trong tháng này đã lên tới 367 triệu USD. Ðây cũng là lần đầu  Canada bị thâm hụt thương mại trong 33 năm qua, kể từ tháng 3-1976. Nguyên nhân là do "bão tài chính"  khiến giá và nhu cầu các mặt hàng xuất khẩu tại các thị trường lớn như Mỹ đều giảm mạnh.  Canada là bạn hàng buôn bán lớn nhất của Mỹ. Khoảng 75% lượng hàng xuất khẩu của Canada, trong đó có sắt thép, được xuất khẩu sang thị trường nước láng giềng Bắc Mỹ này. Tháng 12-2008, tổng kim ngạch thương mại giữa Canada và Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của nước này, ở mức thấp nhất kể từ tháng 12-1998. Xuất khẩu của Canada sang Mỹ trong tháng này chỉ đạt 20,7 tỷ USD, giảm 10% và kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này cũng giảm 8,4%. Cơ quan Thống kê Canada cho biết, giá bán các ngôi nhà mới tại Canada trong tháng 12-2008 giảm 0,1%, mức giảm liên tiếp trong ba tháng. Trong khi đó, nước này đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong ba thập kỷ qua với việc thêm 129 nghìn việc làm bị cắt giảm trong tháng 1-2009, nâng tỷ lệ thất nghiệp lên 7,2% so với mức 6,6% của tháng trước.

 

Tuy nhiên, dự thảo ngân sách năm tài chính 2009-2010 vẫn gây tranh cãi quyết liệt trong Quốc hội, do Chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper dự kiến mức thâm hụt ngân sách lên tới 86 tỷ CAD trong năm năm tới. Lần đầu trong 13 năm qua, Chính phủ Canada chấp nhận thâm hụt ngân sách để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. Ðể dự thảo ngân sách này được thông qua tại Hạ viện, Chính phủ Bảo thủ đã phải chờ đợi sự ủng hộ của đảng Tự do đối lập. Ðây là một hy vọng nhỏ nhoi, vì đảng Tự do cũng đang tìm cách để trở lại nắm quyền. Trước đó, ba đảng đối lập tại Canada là đảng Tự do, đảng Dân chủ Mới (NDP) và khối Quebec đã ký thỏa thuận sẽ  phủ quyết bản dự thảo ngân sách này nhằm hạ bệ chính phủ thiểu số của Thủ tướng Harper trong cuộc bỏ phiếu sắp tới tại Hạ viện. Dự thảo ngân sách sẽ quyết định số phận chính phủ hiện nay, vì nếu văn bản này không được thông qua tại Hạ viện, chính phủ có thể phải đứng trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc Canada sẽ bầu cử lại quốc hội. Trong khi đó, hai đảng đối lập lớn nhất gồm đảng Tự do và đảng Dân chủ Mới đã đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh  sẵn sàng lên nắm quyền.

(Theo báo Nhân dân )

  • Quốc hội Mỹ thông qua lần chót kế hoạch kích thích kinh tế
  • Tình tiết mới về vụ “mua quan bán tước” tại Mỹ
  • ASEAN+3 tìm giải pháp vực dậy nền kinh tế khu vực
  • Mỹ đối mặt vụ phá sản doanh nghiệp lớn nhất từ đầu năm
  • Chính quyền mới của Mỹ hướng về châu Á
  • Mỹ lún sâu vào khủng hoảng
  • Mỹ công bố kế hoạch 2.000 tỷ USD cứu ngành tài chính
  • Hơn 1.000 ngân hàng Mỹ có nguy cơ bị phá sản