Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chiến lược an ninh thông tin của Mỹ: Kiểm soát thế giới qua Internet

Kiểm soát thế giới thông qua kiểm soát mạng Internet hướng tới mục đích cuối cùng là thiết lập khả năng “mở – đóng” một hoặc nhiều phần mạng Internet theo ý muốn đã trở thành một chiến lược chủ đạo của Mỹ.

Từ việc bảo vệ cơ sở hạ tầng mạng dưới thời Tổng thống Bill Clinton đến hoạt động chống khủng bố trên mạng dưới thời Tổng thống George Bush và “chặn trước trên mạng” dưới thời Tổng thống Barack Obama hiện nay, chiến lược an ninh thông tin quốc gia của Mỹ đã phát triển từ chiến lược phòng vệ sang chặn trước.

Phương pháp áp dụng cũng đã chuyển từ việc kiểm soát phần cứng sang kiểm soát nội dung Internet. Mục đích cuối cùng của Chính phủ Mỹ là thiết lập khả năng “mở và đóng” một hoặc nhiều phần mạng Internet theo ý muốn.

Chiến lược phòng vệ: kiểm soát phần cứng, phần mềm

Năm 1993, chính quyền Tổng thống Clinton đề nghị xây dựng “cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia” và liệt kê những “kẻ thù tiềm năng” có thể tấn công vào cơ sở hạ tầng của Mỹ, bao gồm các quốc gia có chủ quyền, đối thủ cạnh tranh kinh tế, các loại hình tội phạm, hacker, khủng bố và nội gián. Đó là chiến lược phòng vệ.

Sau vụ khủng bố 11/9/2001, chính quyền của Tổng thống G. Bush chính thức nâng cấp an ninh mạng thành đỉnh cao chiến lược an ninh quốc gia. Năm 2004, Mỹ dùng máy chủ gốc chặn tên miền dot.ly khiến các tên miền của Libya biến mất trên Internet trong 3 ngày. Việc này tạo ra làn sóng chỉ trích trên thế giới về sự bá chủ của Mỹ trên Internet và sự lo ngại về an ninh mạng.

Năm 2009, theo đánh giá của Tổng thống Obama về an ninh mạng, nguy cơ từ mạng Internet đã trở thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất về kinh tế và quân sự mà Mỹ đang phải đương đầu. Tổng thống B. Obama đã đưa ra 2 quyết định quan trọng, đó là cắt giảm vũ khí truyền thống, bao gồm những chiến đấu cơ F22 và thiết lập Bộ Tư lệnh về mạng Internet đồng thời tăng mạnh đầu tư cho các loại vũ khí tấn công trên mạng.

Tới nay chiến lược an ninh mạng của chính quyền Mỹ tập trung vào việc tấn công và hỗ trợ chặn trước.

Hiện tại, 5 lĩnh vực cơ bản của hạ tầng Internet đều do các tập đoàn công nghệ thông tin (IT) của Mỹ độc quyền, gồm: siêu máy tính, hệ điều hành, công nghệ cơ sở dữ liệu, công nghệ chuyển mạng và thư viện nguồn thông tin.

Trên khắp thế giới, khoảng 92,3% máy tính cá nhân và 80,4% siêu máy tính sử dụng chip xử lý của Intel; 91,8% máy tính cá nhân sử dụng hệ điều hành của Microsoft; 98% công nghệ máy chủ lõi nằm trong tay của IBM và HP; 89,7% phần mềm cơ sở dữ liệu là do Oracle và Microsoft kiểm soát, và 93,5% bằng sáng chế về công nghệ chuyển mạng là do các tập đoàn Mỹ nắm giữ.

Kiểm soát nội dung Internet

Sau khi kiểm soát cơ sở hạ tầng Internet và phần cứng, phầm mềm, Mỹ đang chuyển hướng kiểm soát nội dung Internet.

Chính phủ Mỹ đã sử dụng các chiến thuật kiểm soát vĩ mô và tài trợ tập trung nhằm chủ động sử dụng các tập đoàn IT tạo ra một cơ sở hạ tầng Internet mà chính phủ có thể kiểm soát đồng thời chủ động khuyến khích các tập đoàn IT lớn tham gia kiểm soát nội dung mạng.

Tháng 5/2009, Microsoft tuyên bố gỡ bỏ dịch vụ nhắn tin trực tuyến Windows Live Messenger cho các sản phẩm tại Cuba, Sirya, Iran, Sudan và Triều Tiên theo luật mới của Mỹ. Tháng 1/2010, Google – tập đoàn sở hữu các nguồn thông tin trực tuyến lớn nhất thế giới, thông báo họ buộc phải rời bỏ thị trường Trung Quốc.

Và mới đây, Thượng nghị sỹ Joseph Lieberman – Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Mỹ trình Quốc hội nước này dự luật có tên “Bảo vệ không gian mạng như là tài sản quốc gia”.

Theo đó, mỗi khi xảy ra tình huống khẩn cấp, Tổng thống Mỹ có thể ra lệnh cho Google, Yahoo và các bộ máy tìm kiếm thông tin trên mạng khác ngừng cung cấp dịch vụ. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet khác có trụ sở tại Mỹ cũng có thể bị đặt dưới sự kiểm soát của Tổng thống mỗi khi xảy ra “tình huống khẩn cấp về an ninh Internet”. Như vậy, Tổng thống Mỹ sẽ là người có quyền mở hoặc đóng cửa mạng Internet.

(Theo Nguyễn Chiến // Tin Chính phủ)

  • Nền kinh tế Mỹ bị “níu chân” bởi thị trường nhà đất
  • Món ăn Việt vào Nhà Trắng
  • Mexico sẽ trừng phạt 99 sản phẩm xuất khẩu của Mỹ
  • Mỹ lại đứng trước nguy cơ suy thoái kép
  • Hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh sắp ra đời
  • Kinh tế Mỹ vẫn còn gam màu xám
  • Những “lò” đào tạo tỷ phú của nước Mỹ
  • Án phá sản tại Mỹ leo cao kỷ lục