Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Mỹ vẫn còn gam màu xám

Tổng thống Mỹ ban hành luật hỗ trợ các bang

Lo ngại trước tốc độ phục hồi kinh tế chậm, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa có một bước đi quan trọng trong chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm tạo đòn bẩy hỗ trợ kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn.

Tuyên bố sau khi kết thúc cuộc họp ngày 11-8, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, cho biết FED sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ lãi suất ở mức thấp kỷ lục (0,25%) thêm một thời gian nữa, đồng thời sẽ kéo dài các khoản đầu tư thời kỳ hậu khủng hoảng như tiếp tục tái đầu tư các khoản lợi nhuận thu được từ hơn 1,3 ngàn tỷ trong các khoản nợ liên quan đến thế chấp (như tái đầu tư vào các khoản vay chứng khoán thế chấp nhà đất trong dài hạn, mua lại các khoản nợ và trái phiếu này).

Ngoài ra, FED còn cam kết bơm tiền vào nền kinh tế để tiếp tục thực hiện các khoản chi tiêu kích thích nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế đang có chiều hướng chậm lại trong những tháng gần đây.

Nhiều người Mỹ vẫn còn chờ việc.

Kế hoạch mua lại các trái phiếu chính phủ cho thấy FED tiếp tục lo ngại về tình trạng kinh tế mà theo FED sự phục hồi sẽ khó khăn hơn dự kiến. Đây là một sự thay đổi chính sách quan trọng bởi chỉ cách đây vài tháng, chính FED vẫn còn tranh luận về một chiến lược “thoái lui” khỏi các chương trình kích thích kinh tế khổng lồ được đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế.

FED cho biết họ sẽ chi một lượng tiền tương đối nhỏ - theo tính toán của các nhà kinh tế là vào khoảng 10 tỷ USD/tháng - để mua các món nợ của chính phủ. Động thái này nhằm giảm lãi suất đối với các khoản cầm cố và vay mượn của doanh nghiệp giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.

Tuy nhiên, giới kinh tế cho rằng FED không thể làm được gì nhiều để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế. Kể từ cuộc họp lần trước của FED diễn ra hồi cuối tháng 6, các dữ liệu kinh tế đều yếu. Tỷ lệ chi tiêu nội địa đã chậm lại và lĩnh vực sản xuất cũng mất động lực, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ ở mức cao 9,5%.

Theo tin công bố từ Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đến tháng 7 vẫn ở mức 9,5% tương đương 14,6 triệu người, không thay đổi so với trước. Một báo cáo của FED khu vực San Francisco công bố ngày 9-8 cho biết có thể xảy ra nguy cơ kinh tế Mỹ trở lại suy thoái trong vòng hai năm tới.

Trong một diễn biến có liên quan, với 247 phiếu thuận và 161 phiếu chống trong một phiên họp bất thường ngày 11-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng vừa ký ban hành luật trị giá 26 tỷ USD hỗ trợ các bang đối phó với tình trạng thiếu hụt ngân sách cho các chương trình phúc lợi xã hội và ngành giáo dục.

Theo Hãng tin CNBC, trong số tiền này, 10 tỷ USD sẽ dùng để giúp các bang chấm dứt việc sa thải khoảng 300.000 giáo viên và kêu gọi những giáo viên đã bị sa thải trở lại làm việc trước khi năm học mới bắt đầu. Bộ giáo dục ước tính, sẽ có khoảng 160.000 việc làm trong ngành giáo dục. Phần 16 tỷ USD còn lại được chi cho chương trình bảo hiểm y tế người nghèo trong vòng 6 tháng và ngăn chặn việc sa thải hơn 150.000 cảnh sát, nhân viên công cộng.

Kế hoạch hỗ trợ thông qua luật này là một phần bổ sung vào khoản hỗ trợ trị giá hơn 200 tỷ USD dành cho các bang vào năm ngoái trong khuôn khổ gói kích thích kinh tế trị giá 862 tỷ USD của chính quyền Obama.

Mặc dù được hỗ trợ, hơn một nửa trong số 50 bang của nước Mỹ vẫn không đủ tiền chi trả cho chương trình hỗ trợ y tế cho người nghèo trong năm 2011 do nền kinh tế phát triển chậm kèm theo nhu cầu của nhóm người thất nghiệp ngày càng tăng.

Theo Tổ chức Hội nghị quốc gia của Quốc hội các bang, số tiền mà các bang cần bổ sung cho chương trình hỗ trợ y tế cho người nghèo sẽ lên tới 84 tỷ USD. 

(Theo H.CHI // SGGP Online)

  • Những “lò” đào tạo tỷ phú của nước Mỹ
  • Án phá sản tại Mỹ leo cao kỷ lục
  • Mỹ: Florida mở cửa bãi biển sau thảm họa tràn dầu
  • Giận cá chém thớt
  • Chính quyền Obama đối mặt với vấn đề thất nghiệp
  • Tổng thống Obama biện hộ cho chính sách kinh tế
  • Mỹ và Iran cùng tung đòn... gió
  • Nghĩa trang cho vật cưng