Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chính phủ Mỹ có thể phá sản không?

 Chính phủ Mỹ có thể phá sản không? Đối với nhiều người mà nói, đây là một câu hỏi không thể tưởng tượng nổi.

Trong một thời gian dài, Mỹ đều đứng trên vô số ánh hào quang: Là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, cường quốc quân sự số 1 thế giới, siêu cường quốc duy nhất thế giới.

Trái phiếu chính phủ Mỹ được cho là loại tài sản an toàn nhất và có tính thanh khoản tốt nhất thế giới, chỉ đứng sau vàng.

Có lẽ câu hỏi thỏa đáng hơn đó là: Lẽ nào chính phủ Mỹ sẽ không thể phá sản?

Hôm 18/4, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor’s tuyên bố, do thâm hụt tài chính Mỹ tăng vọt, hơn nữa gần đây hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa khó đạt được sự đồng thuận trong vấn đề cắt giảm thâm hụt ngân sách, nên cơ quan này đã hạ triển vọng nợ dài hạn của Mỹ xuống mức “tiêu cực”, đồng thời cảnh báo trong hai năm tới, khả năng xếp hạng nợ dài hạn của chính phủ Mỹ bị hạ thấp vượt hơn 30%.

Động thái của S&P khiến vấn đề tín dụng công của Mỹ lại được tiết lộ trước công chúng toàn cầu. Thông tin vừa được truyền đến, chỉ số công nghiệp Dow Jones trên thị trường chứng khoán New York ngày 18/4 sụt giảm 245 điểm, thị trường sau đó tuy có phần đảo chiều, nhưng vẫn sụt giảm mất 140 điểm.

Trên thực tế, vấn đề thâm hụt tài chính của chính phủ Mỹ đã có từ lâu, cũng xem như là “bí mật được công khai”. Cuối nhiệm kỳ chính phủ Clinton, nước Mỹ đã đạt được thặng dư tài chính, nhưng sau khi Bush con lên nắm quyền, thi hành kế hoạch giảm thuế cho người giàu, cộng thêm các chi phí khổng lồ dành cho hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, thâm hụt tài chính của chính phủ Mỹ tăng vọt theo các năm. Đến khi Tổng thống Obama lên cầm quyền, đúng vào lúc khủng hoảng kinh tế và tài chính, để kích thích kinh tế, hỗ trợ ngành ngân hàng, chi tiêu từng bước tăng vọt. Mấy năm qua, thâm hụt tài chính Mỹ đều vượt quá 1000 tỷ USD, năm 2011 có thể đạt tới con số kỷ lục 1500 tỷ USD.

Vấn đề thâm hụt ngân sách Mỹ không chỉ nghiêm trọng như vậy, mà viễn cảnh giải quyết cũng rất mù mịt. Năm 2009, tỷ lệ thâm hụt tài chính Mỹ chiếm trong GDP cao đạt 11%, bằng hai lần của 6 năm trước, gần bằng mức thâm hụt của Hy Lạp và Ireland.

Hiện giờ, Washington đang tranh cãi rất gay gắt, hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn bất đồng trong vấn đề thâm hụt tài chính, không khí hợp tác vẫn rất xấu. Vừa qua, ngân sách trong năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1/10/2010 mới được thông qua, chính phủ suýt chút nữa đứng trước mối đe dọa “đóng cửa”. Tiếp theo đó, nợ Mỹ đã gần kịch trần lên tới 14290 tỷ USD, nếu Quốc hội không nâng giới hạn nợ trần, chính phủ Mỹ nhiều nhất chỉ có thể cầm cự đến ngày 8/7/2011.

Điều quan trọng hơn, hai nguyên nhân chính khiến chính phủ Obama không dám trực diện gây thâm hụt ngân sách là vì: Chi tiêu bảo hiểm xã hội và chi phí quân sự khổng lồ. Chi tiêu bảo hiểm xã hội liên quan tới việc gia tăng lợi ích thiết thân của các cử tri, nó vốn được các chính trị gia Mỹ coi là “redline” không thể phá bỏ, nếu không chắc chắn sẽ bị các cử tri trừng phạt. Còn chi phí quân sự Mỹ từ lâu đã nhận được sự bảo hộ của các tập đoàn lợi ích và các cơ quan đầu não chính trị, cắt giảm mạnh trong thời gian ngắn là điều không thể.

Nguyên nhân cơ bản gây ra thâm hụt tài chính Mỹ là, sản xuất của toàn xã hội Mỹ không đủ đáp ứng chi tiêu của họ, chỗ thiếu hụt chỉ có thể dùng hình thức vay nợ để bù đắp. Mặc dù có người nói, việc chính phủ Mỹ thông qua giảm thuế sẽ làm giàu cho người dân sau đó lấy tín dụng chính phủ làm bảo lãnh vay nợ, giành được lãi suất huy động vốn khá thấp, có lợi cho việc nâng cao phúc lợi xã hội. Nhưng bất kỳ một xã hội nào, đều không thể mãi mãi sống dựa vào những ngày tháng đi vay nợ. Lời cảnh báo của S&P cho thấy, cho dù là Mỹ cũng không thể ngoại lệ.

Điều cần phải cảnh giác đó là, hiện nay, rủi ro nợ công của các nước phát triển đang gia tăng, Khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone vốn đang rơi vào khủng hoảng nợ công chắc không cần phải nói, Mỹ và Nhật Bản cũng đang gặp muôn vàn khó khăn. Trái phiếu chính phủ Mỹ là một tham chiếu chuẩn để đánh giá tài sản tài chính toàn cầu hiện nay, một khi nền tảng này bị lung lay, hệ thống tài chính toàn cầu ắt sẽ đứng trước sự biến động lớn hơn.

Chính phủ Mỹ không phải mãi mãi không thể phá sản, cho dù khả năng này xem ra mù mịt, nhưng không có nghĩa là không bao giờ xảy ra.

(Vitinfo)