Hiện trường vụ đánh bom ở Kirkuk ngày 20-6. |
Ngày 30-6, là thời hạn chót để Mỹ rút hầu hết số quân khỏi các thành phố của Iraq và chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho các lực lượng Iraq theo thỏa thuận an ninh được ký giữa hai bên vào tháng 11-2008.
Theo Hiệp ước An ninh giữa Mỹ và Iraq, quân đội Mỹ sẽ rút khỏi các thành phố, thị trấn của Iraq trước ngày 30-6-2009 và rút toàn bộ quân khỏi nước này trước ngày 31-12-2011. Theo đó, lính Mỹ sẽ rút về các căn cứ ở bên ngoài thành phố, nhưng không quá xa để có thể sẵn sàng hỗ trợ tác chiến cho các lực lượng an ninh Iraq khi cần thiết. Hai bên thành lập một cơ quan điều phối chung các hoạt động bảo đảm an ninh tại Iraq.
Người phát ngôn quân đội Mỹ ở Iraq, tướng X.Lan-da cho biết, một số ít quân Mỹ sẽ ở lại các thành phố nhằm "cố vấn và huấn luyện" cho các đơn vị an ninh Iraq, đồng thời quân đội Mỹ tiếp tục cung cấp tin tức tình báo và hỗ trợ không quân cho các lực lượng Iraq khi cần thiết. Chính phủ Iraq cho biết, số lính Mỹ ở lại các thành phố sẽ thay đổi tùy theo nhu cầu. Quân đội Mỹ đã thực hiện việc rút khỏi các trung tâm thành phố của Iraq từ tháng 1 năm nay, trong đó 151 căn cứ quân sự Mỹ đã được chuyển giao cho các lực lượng an ninh Iraq. Hiện vẫn có hơn 130 nghìn lính Mỹ đóng tại Iraq.
Việc quân Mỹ rút khỏi các thành phố Iraq là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự khẳng định chủ quyền của Iraq kể từ khi Mỹ đưa quân vào nước này năm 2003, đồng thời là cuộc thử nghiệm lớn đối với lực lượng an ninh Iraq khi tự quyết định vận mệnh của mình. Chính phủ Iraq tuyên bố đây là Ngày quốc lễ để chào mừng sự kiện quan trọng này và Iraq sẵn sàng bảo đảm an ninh, gánh vác những trách nhiệm vốn do quân Mỹ thực hiện trong sáu năm qua. Ở những nơi lực lượng Mỹ vừa rút khỏi, người dân hân hoan đón mừng giây phút lần đầu được làm chủ sau sáu năm lực lượng Mỹ có mặt, song an ninh cũng được thắt chặt hơn khi nguy cơ đánh bom vẫn hằng ngày rình rập cuộc sống của người dân.
Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki hoan nghênh việc rút quân Mỹ khỏi các trung tâm đô thị, coi đây là một thắng lợi lớn đối với người dân nước này và là giai đoạn đầu tiên tiến tới chấm dứt sự có mặt của lực lượng nước ngoài ở Iraq. Ông trấn an rằng Iraq sẵn sàng đối phó những hành động gây mất ổn định đất nước. Mặc dù tình hình an ninh tại hầu hết các khu vực ở Thủ đô Baghdad được cải thiện đáng kể với việc giảm 90% số vụ bạo lực so với thời gian đỉnh điểm căng thẳng vào năm 2006-2007, song tại một số điểm nóng, tình hình còn hết sức phức tạp, nhất là hai TP Mosun và Bacuba, được coi là thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy và mạng lưới khủng bố Al Qaeda.
TP Bacuba với khoảng 400 nghìn dân, cách Baghdad gần 60 km về phía bắc, nhưng các tay súng vẫn đang nắm quyền kiểm soát và là tâm điểm bạo lực. Ðiều này chứng tỏ lực lượng khủng bố chưa hề tan rã và bất đồng tôn giáo ở Iraq vẫn còn sâu sắc. Tư lệnh quân đội Mỹ tại Iraq Ray Odierno mới đây còn đề cập khả năng quân đội Mỹ có thể phải ở lại một số điểm nóng như TP Bacuba và Mosun sau thời hạn chót ngày 30-6. Các tay súng người Hồi giáo dòng Sunni liên tục tiến hành các vụ đánh bom liều chết nhằm làm suy yếu Chính phủ của Thủ tướng Maliki, một thành viên người Hồi giáo dòng Shiite. Ngay thời điểm trước thời hạn chót Mỹ rút quân khỏi các thành phố, đã xảy ra hàng loạt vụ đánh bom đẫm máu, gây hoảng loạn trong nhân dân. Sau nhiều tháng tương đối yên tĩnh, giờ đây Iraq lại sống trong tình trạng bạo lực tái phát.
Ngày 24-6, chỉ bốn ngày sau khi quân Mỹ chính thức chuyển giao quyền kiểm soát TP Xa ở miền đông Baghdad cho lực lượng địa phương, đã xảy ra một vụ đánh bom làm ít nhất 72 người chết và 127 người bị thương. Vụ khủng bố ngày 20-6, bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo tại trung tâm Kirkuk làm 73 người chết, hơn 80 ngôi nhà bị phá hủy. Ngày 22-6, bốn vụ đánh bom ở Thủ đô Baghdad làm 15 người chết. Kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến ở Iraq, bạo lực đã làm chết hơn 4.300 lính Mỹ và khoảng 100 nghìn dân thường Iraq thiệt mạng. Quân đội Mỹ cũng cho rằng việc rút quân của Mỹ sẽ đặt Chính phủ Iraq trước nhiều thách thức. Một chỉ huy Iraq gần đây thừa nhận khoảng một phần tư nhân viên an ninh bảo vệ các trụ sở chính quyền Iraq cần đào tạo thêm. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại hy vọng việc Mỹ rút quân có thể sẽ tiến tới chấm dứt bạo lực gây ra bởi các lực lượng chống Mỹ ở Iraq và có cơ hội phục hồi nền kinh tế bị chiến tranh và xung đột tàn phá.
Theo các nhà phân tích, cả phía Mỹ và Chính phủ Iraq đều muốn thực hiện các cam kết trong thỏa thuận an ninh giữa hai bên. Trong chiến dịch tranh cử năm 2008, Tổng thống Mỹ B.Obama cam kết sẽ rút lính Mỹ ra khỏi Iraq 16 tháng sau khi vào Nhà trắng. Theo giới phân tích quân sự, sau khi rút quân khỏi Iraq, Mỹ sẽ có điều kiện để tập trung toàn lực cho chiến trường Afghanistan, nơi đang có nguy cơ rơi vào vòng kiểm soát của lực lượng Taliban. Hơn nữa, chính quyền của Tổng thống Obama đang bị sức ép từ nội bộ và những lo ngại về tài chính. Song, không muốn đánh mất thành quả mà Mỹ khó khăn lắm mới có được trong hai năm qua trong việc bảo đảm an ninh ở Iraq, mới đây, Tổng thống B.Obama đã ký một khoản ngân sách trị giá 79,9 tỷ USD để chi viện thêm cho hai chiến trường ở Iraq và Afghanistan.
Dư luận lo ngại nguy cơ tái bùng phát bạo lực sau khi quân đội Mỹ rút khỏi các thành phố của Iraq, nhất là trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc giữa những người Hồi giáo dòng Sunni và người Hồi giáo dòng Shiite, vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử QH Iraq vào tháng 1-2010. Làn sóng khủng bố đẫm máu gần đây đặt lực lượng an ninh Iraq trước những thách thức lớn, khiến nhiều người chưa tin vào khả năng bảo đảm an ninh của các lực lượng này trong việc thay thế quân Mỹ. Như vậy, triển vọng rút quân đội Mỹ hoàn toàn khỏi các thành phố của Iraq còn chưa chắc chắn, thậm chí mang tính hình thức trong bối cảnh an ninh ở Iraq còn diễn biến hết sức phức tạp.
(Theo Hồng Cầm // Báo Nhân dân điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com