Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cửa sổ thế giới - Hãy tự tạo cơ hội

Hầu hết người Mỹ trưởng thành đều thấm thía những thiệt hại mà họ đã và đang gánh chịu khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái từ cuối năm 2007. Đến nay, cơn bão suy thoái này đã tước mất 7,2 triệu việc làm và xóa sổ hàng ngàn tỷ USD tài sản của nước Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 vừa qua chiếm 9,5% lực lượng lao động. Tràn ngập trên các phương tiện truyền thông của nước Mỹ thời gian này là tin tức liên quan đến sự sụp đổ của các công ty, tình hình ảm đạm của nền kinh tế, những tội phạm sinh ra từ thất nghiệp…

Nhưng, trong khi hàng triệu người Mỹ thất nghiệp thụ động cảm nhận tình hình đang tồi tệ nghiêm trọng hoặc chạy vạy tìm kiếm việc làm một cách vô vọng và có người bị khủng hoảng tinh thần đến mức phải tìm đến bác sĩ tâm lý, vẫn có một số người nhận thấy cuộc khủng hoảng kinh tế ít nhiều cũng có điểm tích cực đối với bản thân mình. Đã có không ít người phát hiện ra “tia sáng cuối đường hầm” hoặc bắt đầu nhận ra rằng, những cơ hội tốt nhất chỉ đến khi ta tự tạo ra nó.

Nước Mỹ đang chứng kiến nhiều gương mặt doanh nghiệp đang nổi lên trong nhiều lĩnh vực và bước đầu đã gặt hái được thành công. Trong số này, nổi bật là trường hợp của Iris Chau và  Stephen Chen, hai người sáng lập ra công ty giày GreenSoul.

Cả 2 người này trước đó đều làm việc trong ngành tài chính. Cô I. Chau làm việc cho tập đoàn tài chính JPMorgan Chase và anh S. Chau thì làm việc cho ngân hàng Bear Stearns vừa phá sản. Sau khi thị trường tài chính Phố Wall sụp đổ, họ cũng bị mất việc. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng tận dụng “cơ hội rảnh rang”, kết hợp khả năng tự có của mình và bắt đầu công việc  kinh doanh mới: chuyển đổi vỏ xe cũ thành những đôi giày tái chế thân thiện với môi trường.

Công ty GreenSoul Shoes của họ đến nay đã bán ra thì trường Mỹ hàng ngàn đôi giày. Nhưng thực tế, họ đã cho ra thị trường gấp đôi số lượng bán ra vì cứ mỗi một đôi giày được bán ra, họ lại tặng một đôi cho trẻ em ở những nước đang phát triển. GreenSoul Shoes không thể ra đời và tồn tại được nếu không có những người thất nghiệp sinh ra từ cuộc suy thoái kinh tế như I.Chau và  S.Chen. Họ đã trở thành những nhà sáng lập với những ý tưởng mới.

“Hạt giống của sự hồi sinh đã được gieo trong những hoàn cảnh suy thoái”. Nước Mỹ có một lịch sử chứng minh cho “chân lý” này bằng sự ra đời của những tập đoàn khổng lồ. Đó là Hewlett Packard - một gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon, là Procter & Gamble, Southwest Airlines và FedEx.. Tất cả đều ra đời trong những hoàn cảnh kinh tế khắc nghiệt nhất.

Các chuyên gia dự báo đến năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp vượt quá ngưỡng 10% lực lượng lao động, tăng gấp đôi so với chỉ khoảng 5% hồi trước cuộc khủng hoảng. Những ngày này, truyền thông Mỹ tích cực kêu gọi, bằng cách này hay cách khác, từ tiền dành dụm hay tiền trợ cấp thôi việc, những người thất nghiệp có thể trở lại trường học, làm công việc tình nguyện tại địa phương có ích cho cộng đồng... chứ không chen chân chờ đợi tại những nơi hỗ trợ việc làm. Ít nhất, họ cũng có thể sống qua ngày, làm những việc phi lợi nhuận mà mình yêu thích.

Người ta động viên nhau: “Nước Mỹ đã từng có một cuộc hồi sinh hùng tráng từ những hoàn cảnh tồi tệ hơn cả những gì mà người Mỹ đang đối mặt hôm nay”.

(Theo Xuân Hạnh // SGGP online/CSMonitor)

  • Dân Mỹ không tin vào gói kích thích 787 tỷ USD
  • "Động lực của nền kinh tế Mỹ đang thay đổi"
  • Mỹ đóng cửa hơn 10 ngân hàng mỗi tháng
  • Sản xuất công nghiệp Mỹ đang trên đà phục hồi
  • FED nói kinh tế Mỹ đã kết thúc giai đoạn suy thoái
  • Tín dụng tiêu dùng Mỹ giảm kỷ lục hơn 21 tỷ USD
  • Ngân hàng Thụy Sĩ thỏa thuận với Chính phủ Mỹ
  • Tổng thống Obama: Kinh tế Mỹ đi đúng hướng