Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, giá trị các hợp đồng bán vũ khí giữa Washington và chính phủ nước ngoài tăng 4,7%, đạt mức kỷ lục 38,1 tỷ USD trong năm tài khóa vừa qua.
Tên lửa Patriot - món hàng đắt khách của Mỹ. Ảnh: Militaryphotos |
Nhiều người chỉ trích cho rằng, Tổng thống Obama nên kiểm soát các thương vụ mua bán vũ khí để tránh những cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Tuy nhiên, doanh số buôn bán ra nước ngoài của các công ty vũ khí Mỹ đang tăng nên nhằm bù đắp lại việc Lầu Năm Góc đang thực thi các biện pháp thắt lưng buộc bụng ở trong nước.
Nhiều hợp đồng, nếu không muốn nói là hầu hết, các thương vụ vũ khí được ký kết trong năm tài khóa 2009 (vừa kết thúc ngày 30 - 9 vừa qua) là một phần của sự bùng nổ mua bán các vũ khí quy ước đã bắt đầu từ thời cựu Tổng thống George W Bush.
Theo Phó Đô đốc Jeffrey Wieringa, người đứng đầu Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA), số liệu năm 2009 đã gấp bốn lần năm tài khóa 1998. Trước đó, năm 2008, doanh thu vũ khí Mỹ đạt 36,4 tỷ USD và năm 2007 đạt 23,3 tỷ USD.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, người phát ngôn của DSCA, Vanessa Murray cho biết, trong năm tài khóa 2010 (bắt đầu từ ngày 1 - 10 - 2009), ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hy vọng sẽ thu được 37,9 tỷ USD.
Những khách hàng chủ chốt của các hãng vũ khí Mỹ trong năm 2009 bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả - rập thống nhất (7,9 tỷ USD), Afaghanistan (5,4 tỷ USD), Ả-rập Xê-út (3,3 tỷ USD), Đài Loan (3,2 tỷ USD), Ai Cập (2,1 tỷ USD), Iraq (1,6 tỷ USD), khối NATO (924,5 triệu USD), Australia (818,7 triệu USD) và Hàn Quốc (716,6 triệu USD).
Bán, bán và bán
Theo tác giả Rachel Stohl của cuốn sách The International Arms Trade mới được xuất bản, có vẻ tân Tổng thống Obama đang tiếp tục điệp khúc bán dưới thời cựu Tổng thống Bush hơn là xem xét việc tiếp cận một cách thận trọng hơn.
Còn ông William Hartung thuộc Quỹ New America, một tổ chức chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại và quốc phòng Mỹ, cho rằng, Tổng thống Obama nên để tâm hơn tới những mối nguy hiểm của các cuộc chạy đua vũ trang mang tính khu vực, tình hình nhân quyền và tránh bán cho những quốc gia không đáp ứng được những tiêu chuẩn đó.
Hiện nay, các tập đoàn vũ khí hàng đầu của Mỹ như Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, General Dynamics và Raytheon đang mong muốn thúc đẩy các hợp đồng vũ khí với nước ngoài nhằm bù lại các hợp đồng với Lầu Năm Góc đang bị chậm chễ do sức ép của ngân sách.
Bùng nổ nhu cầu
Nhu cầu mua vũ khí đang bùng nổ tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó một phần được thổi lên do vấn đề hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và Triều Tiên.
Ví như tháng chín vừa qua, Lầu Năm Góc đã đề nghị Quốc hội Mỹ xem xét hợp đồng cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ loại tên lửa chống tên lửa hiện đại Patriot trong một thương vụ có giá trị lên đến 7,8 tỷ USD.
Còn theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế Alexander Vershbow, các quốc gia vùng Vịnh và Ả-rập Xê-út “đặc biệt lo ngại khả năng Iran theo đuổi tham vọng hạt nhân”.
“Họ muốn mua tên lửa Patriot và các hệ thống khác trong những năm tới. Và vì vậy, ngay lúc này, cầu đã vượt qua cung vì họ cảm thấy có mối đe dọa thực sự”, ông Vershbow nói.
Ngoài ra, những hợp đồng khổng lồ trị giá nhiều tỷ USD khác có thể đến từ các quốc gia như Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Hy Lạp, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác để nhận được những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại do Mỹ sản xuất.
Trong một báo cáo công bố hồi tháng chín, cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết, tổng giá trị thị trường vũ khí thế giới vào khoảng 55,2 tỷ USD trong năm 2008, giảm 7,6% so với năm 2007 và là mức thấp nhất kể từ năm 2005. Tiếp sau Mỹ là Italia với doanh thu khoảng 3,7 tỷ USD và xếp thứ ba là Nga với doanh thu khoảng 3,6 tỷ USD. |
(Theo Linh Huy // Tienphong Online // Reuters )
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com