Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Venezuela và Colombia

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng  khối
UNASUR ở Ecuador. (Ảnh: AP)
Những ngày gần đây, quan hệ giữa hai nước láng giềng Venezuela và Colombia có nhiều dấu hiệu căng thẳng và phức tạp, trở thành "điểm nóng" thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.
 
Các nước Mỹ la-tinh lo ngại sâu sắc về tác động, ảnh hưởng tiêu cực của nó tới sự phát triển khá ổn định và xu thế hợp tác, liên kết khu vực.

Mâu thuẫn giữa Venezuela và Colombia bùng phát từ hồi tháng 7, khi Colombia  thỏa thuận cho Mỹ sử dụng bảy căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này để "tiến hành các chiến dịch chống buôn lậu ma túy và khủng bố". Theo đó, Mỹ sẽ được quyền triển khai 800 quân chính quy và 600 nhân viên hợp đồng tới bảy căn cứ quân sự của Colombia, trong đó, có căn cứ chiến lược Palankero trong thời hạn mười năm. Washington có kế hoạch tiến hành các hoạt động tuần tra bằng máy bay, tiếp tế, bảo dưỡng tàu chiến và công tác tình báo tại các cơ sở này. Bogota và Washington nói rằng, thỏa thuận này là bước tiếp nối mối quan hệ hợp tác song phương sẵn có trong lĩnh vực chống buôn lậu ma túy, khủng bố. Tuy nhiên, nhiều nước Mỹ la-tinh không cho là như vậy. Chính phủ Venezuela đãbác bỏ lập luận này và ra thông cáo nêu rõ Caracas "phẫn nộ" trước tinh thần thiếu trách nhiệm của Chính phủ Colombia trong việc hủy hoại những nỗ lực nhằm xây dựng quan hệ song phương vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực vào tình trạng nguy hiểm. Tổng thống Venezuela H.Chavez cho rằng, Mỹ có "kế hoạch xâm lược" Venezuela thông qua Colombia; đồng thời tuyên bố tạm ngừng quan hệ ngoại giao và thương mại với Bogota, mặc dù buôn bán hai chiều trị giá bảy tỷ USD/năm. Thỏa thuận quân sự mới giữa Mỹ và Colombia gây ra tâm lý lo ngại và làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Mỹ la-tinh. Chính phủ cánh tả ở nhiều nước và các phong trào tiến bộ Mỹ la-tinh cho rằng, hành động này làm gia tăng căng thẳng và đe dọa hòa bình, an ninh khu vực. Hơn nữa, những ngày qua, đã xảy ra xung đột tại vùng biên giới hai nước Venezuela và Colombia. Nhà cầm quyền Colombia đã điều động lực lượng vũ trang đến vùng giáp ranh và xây dựng thêm căn cứ quân sự, cho phép máy bay Mỹ tự do đi và đến bất kỳ sân bay nào của Colombia mà không cần xin phép. Ngày 20-12, máy bay do thám của quân đội Mỹ đã xâm phạm vùng trời Venezuela.

Phản ứng trước sự kiện này, Chính phủ Venezuela đã tăng cường triển khai quân đội tại bang biên giới Tachira thuộc phía tây bắc nhằm thắt chặt an ninh ở các khu vực giáp Colombia. Tổng thống Venezuela H.Chavez ra lệnh cho quân đội nước này chuẩn bị sẵn sàng ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động vũ trang của Colombia. Ngày 25-11, Venezuela đã chính thức đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ xem xét thỏa thuận quân sự nêu trên giữa Mỹ và Colombia. Ðại sứ Venezuela tại LHQ J.Valero nhấn mạnh, thỏa thuận quân sự này phải được đưa vào chương trình nghị sự của cơ quan quyền lực tối cao của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới vì đây là vấn đề nghiêm trọng, đe dọa hòa bình và an ninh tại Nam Mỹ. Quan hệ song phương Venezuela - Colombia càng trở nên tồi tệ khi Bogota quyết định không tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao các nước thuộc Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), khai mạc ngày 27-11 tại Thủ đô Kito (Ecuador) nhằm mục đích giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng đang gia tăng giữa một số nước trong khu vực. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Nicolas Maduro, sự vắng mặt của đại diện Colombia tại hội nghị là "điều khó hiểu, một sai lầm lớn và là hành động coi thường UNASUR" khiến quan hệ giữa hai nước tiếp tục bế tắc.

Quan hệ Mỹ - Mỹ la-tinh đang ngày một xấu đi, sau khi Mỹ ký thỏa thuận quân sự với Colombia, đặc biệt khi Washington công nhận cuộc bầu cử do Chính phủ tiếm quyền Honduras tổ chức ngày 29-11. Các đại biểu dự Hội nghị cấp cao Liên minh Boliva cho châu Mỹ (ALBA) lần thứ tám, tổ chức ở Thủ đô La Habana, Cuba, bày tỏ mong muốn Venezuela và Colombia bình tĩnh và giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, đồng thời lên tiếng chỉ trích chính sách đối ngoại của Washington ngăn cản bước tiến của phong trào cánh tả Mỹ la-tinh. Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố, những gì xảy ra tại Honduras cho thấy cam kết dân chủ của Mỹ với các nước đồng minh tại Mỹ la-tinh là hoàn toàn mị dân và cơ hội. Tổng thống Nicaragua D.Ortega thì nhấn mạnh, chính sách của nhà cầm quyền Washington vẫn là can dự để chống lại các nước khu vực Mỹ la-tinh.
 

(Theo BÌNH NGUYÊN/Baonhandan)