Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giận cá chém thớt

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vừa ra một quyết định bất thường làm ngạc nhiên cộng đồng mạng Internet, đó là việc yêu cầu trang thông tin Bách khoa toàn thư điện tử mở lớn nhất thế giới Wikipedia phải tháo gỡ biểu tượng con dấu của FBI mà trang này đã đăng hơn 10 năm qua.

Giải thích quyết định của mình, người phát ngôn của FBI cho biết, theo luật Wikipedia chỉ có thể sử dụng hình ảnh con dấu với điều kiện được sự cho phép của giám đốc FBI. FBI cũng gửi lời cảnh báo nghiêm khắc đến Wikipedia rằng nếu không chấp hành đúng các luật lệ sẽ phải chịu mọi hành động trừng phạt.

Chưa thể lý giải chính xác được lý do tại sao FBI quyết định thẳng tay với Wikipedia sau gần 10 năm trang web này đăng tải thông tin, giới thiệu về con dấu cơ quan này. Trong khi đó, hiện còn rất nhiều trang web như Encyclepedia Britanica cũng có đăng hình ảnh con dấu FBI, nhưng không bị cảnh cáo gì.

Phải chăng do FBI đã có “sự nhầm lẫn” giữa Wikipedia và WikiLeaks, website đang trở thành đối tượng bị săm soi của chính phủ Mỹ, sau khi công bố chi tiết 92.000 trang tài liệu mật về hoạt động quân sự kém hiệu quả của binh sĩ Anh, Mỹ và NATO tại Afghanistan, gây phẫn uất trong dư luận thế giới, tạo thành mối lo sợ, nghi kỵ trong nội bộ chính trường Mỹ?

Dù không có tiêu chí như WikiLeaks là luôn vạch trần mặt trái, thái độ thiếu đạo đức của thế giới chính trị hay thương mại, nhưng Wikipedia, website trung lập, dường như đang nằm trong “tầm ngắm” của chính phủ Mỹ vì website này luôn có khả năng nhận, chọn lọc những bài viết, tài liệu do độc giả cung cấp trong tất cả mọi lĩnh vực. Đây có thể vừa là đòn phủ đầu của FBI và cũng có thể là hành động “giận cá chém thớt” của FBI trong thời điểm cả nước Mỹ đang sôi sục vì những tài liệu quân sự mật bị rò rỉ.

Từ trước đến nay, các cơ quan của Mỹ không đối đầu công khai với Internet như trong thời gian gần đây, họ chỉ dùng những hình thức can thiệp dạng  hacker.

Khi WikiLeaks xuất hiện, chính phủ Mỹ buộc phải cân nhắc đến khả năng tự bảo vệ trước những thông tin không có lợi, gây tổn hại đến uy tín trên chính trường thế giới. Mỹ cũng đang soạn dự thảo về việc làm tê liệt hệ thống Internet thế giới trong trường hợp khẩn cấp với lý do cần bảo vệ không gian Internet trước các cuộc tấn công mạng.

Những bước đi gấp rút trong việc chống lại thông tin mạng của chính quyền Obama cho thấy Internet, công cụ hỗ trợ đắc lực cho Tổng thống Mỹ trong vòng bầu cử năm 2008, đang gây lúng túng cho bản thân ông Obama và Nhà Trắng.

Mỹ đã cảm nhận được mặt trái của “sự tự do Internet”, điều mà họ từng ca ngợi và nâng lên thành một yếu tố của nhân quyền, trong thời đại mà chỉ cần bấm nhẹ ngón tay là hàng chục ngàn trang tài liệu hiện ra trên màn ảnh vi tính.

Do đó, tính an toàn và bảo mật trên Internet trở thành một thách thức lớn trong thời đại thông tin điện tử.

(Theo Thanh Hằng // SGGP Online)

  • Chính quyền Obama đối mặt với vấn đề thất nghiệp
  • Tổng thống Obama biện hộ cho chính sách kinh tế
  • Mỹ và Iran cùng tung đòn... gió
  • Nghĩa trang cho vật cưng
  • Google bị phản đối
  • Nước Mỹ có phá sản không?
  • Sản lượng công nghiệp Mỹ tăng cao
  • Kinh tế Mỹ không lạc quan như dự đoán