Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hai tập toàn cho vay thế chấp bất động sản lớn nhất nước Mỹ có thể bị giải thể

Mỹ sẽ không tiếp tục đổ tiền vô ích vào Fannie Mae và Freddie Mac. Chính phủ Mỹ thậm chí có thể rút hoạt động bảo lãnh chứng khoán thế chấp.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy F. Geithner sẽ trình Quốc hội 3 phương án làm giảm vai trò của Chính phủ trong hệ thống tài chính bất động sản quốc gia và có thể giải thể 2 tập đoàn cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac.

Một phương án được đưa ra là sẽ giải thể 2 công ty này cũng như hủy bỏ sự bảo hộ hoạt động thế chấp của Chính phủ dành cho họ. Tổng thống Barack Obama đã có cuộc họp với ông Geithner và các trợ lý hàng đầu khác tại Nhà Trắng ngày hôm qua để đưa ra kết luận cuối cùng về kế hoạch này.

Phương án thứ 2 là Chính phủ có thể sẽ hoàn toàn rút khỏi các hoạt động thế chấp và bảo lãnh doanh nghiệp đang bị chi phối bởi Fannie Mae và Freddie Mac.

Phương án thứ 3 là Chính phủ chấm dứt bảo lãnh chứng khoán thế chấp và chỉ tiếp tục khi thị trường rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn, và hoạt động đó được coi là cứu cánh cuối cùng của thị trường.

Các nhà lập pháp yêu cầu các nhà quản lý trình lên một kế hoạch chấm dứt việc nộp thuế hỗ trợ cho Fannie Mae và Freddie Mac. Chính phủ đã tiếp quản quyền kiểm soát 2 công ty từ tháng 9/2008 và đã sử dụng hơn 150 tỷ USD từ Kho bạc để trang trải các khoản lỗ liên quan đến thế chấp dưới chuẩn.

Trong khi đó, các nhà quản lý có thể sẽ đề xuất một phương án giải quyết không sử dụng đến pháp luật. Phương án đưa ra là sẽ thu hút vốn tư nhân trở thị trường tài chính bất động sản và làm giảm vai trò của Chính phủ trong bảo hiểm trái phiếu thế chấp.

Ý tưởng thuyết phục vốn tư nhân có thể bao gồm việc yêu cầu Fannie Mae và Freddie Mac tăng phí bảo hiểm và buộc 2 tập đoàn này phải giảm quy mô các khoản vay trong danh mục đầu tư gần 1.500 tỷ USD của mình.

(Báo điện tử Doanh Nhân Việt Nam toàn cầu)