Phân liệt chính trị đôi khi lại tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp... vì nếu các nghị sĩ quốc hội không thể nhất trí với nhau về chuyện gì đó, họ không thể thông qua bất cứ dự luật hay quy định nào có thể làm cho tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn.
Tình hình tương tự có vẻ như đang diễn ra sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, vì quốc hội do đảng Cộng hoà kiểm soát có thể cản trở công việc của Nhà Trắng dưới sự điều hành của một vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ.
Tuy nhiên thế giằng co giữa chính quyền Obama và đảng Cộng hòa trong quốc hội có thể chặn đứng các sáng kiến mới nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ vốn đang trì trệ và có tỷ lệ thất nghiệp cao. Quốc hội Mỹ cũng có thể làm nản lòng các nhà đầu tư và doanh nghiệp, do tranh cãi nhau về các vấn đề thuế, thâm hụt ngân sách, bảo hiểm y tế và cải cách các quy định tài chính.
Nhà phân tích Brian Gardner của công ty tài chính Keefe, Bruyette & Woods cho rằng bầu không khí bao trùm ở Washington sẽ là chia rẽ, hơn là hợp tác.
Trong trường hợp tốt nhất, sự chia rẽ mang tính đảng phái này sẽ không gây quá nhiều phiền toái. Quốc hội do đảng Cộng hoà kiểm soát đã từng đối đầu với Nhà Trắng của đảng Dân chủ trong nửa cuối thập kỷ 1990, nhưng mối bất hòa này đã không gây tổn hại gì đáng kể cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên lần này, gần một năm rưỡi đã trôi qua kể từ khi khủng hoảng chấm dứt, kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi để cắt giảm được tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức 9,6%. Nhà khoa học chính trị Jacob Hacker của Đại học Yale cho rằng nước Mỹ “đang phải đối mặt với thời kỳ phiêu dạt”.
Đảng Cộng hoà đã cam kết chống lại chương trình kích thích kinh tế bổ sung. Vì thế kế hoạch chi 50 tỷ USD cho các dự án xây dựng đường cao tốc, đường sắt và sân bay của Tổng thống Obama có thể “coi như đã chết”. Quốc hội mới có thể sẽ chống lại việc gia hạn chương trình trợ cấp cho 6,1 triệu người thất nghiệp dài hạn, nếu chính phủ không cắt giảm chi tiêu ở một chương trình nào đó. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) Ben Bernanke nói các nghị sỹ quốc hội cần phải làm nhiều hơn nữa để khởi động lại nền kinh tế, vì nếu không áp lực sẽ gia tăng và buộc FED phải tìm biện pháp tháo gỡ. Sau khi đã đẩy lãi suất ngắn hạn xuống xấp xỉ 0%, sự lựa chọn còn lại của FED là mua trái phiếu chính phủ để bơm tiền vào nền kinh tế. Thế nhưng, biện pháp này hàm chứa nhiều rủi ro và cũng chưa chắc có tác dụng.
Hạ nghị sỹ Kevin Brady, quan chức cao cấp nhất của đảng Cộng hoà tại Uỷ ban kinh tế chung của Quốc hội Mỹ tuyên bố đảng Cộng hoà sẽ thay thế “cơn bão các quy định mới ở quốc hội” mà những người Dân chủ tạo ra bằng “môi trường quy định mới ôn hoà hơn”. Những người Cộng hoà cũng đã từng tuyên bố sẽ “đảo ngược” luật bảo hiểm y tế và thu hẹp quy mô chương trình cải cách luật lệ tài chính mà chính quyền Obama và quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát phải vất vả lắm mới thông qua được trong mùa Hè vừa qua. Các cơ sở y tế, các công ty bảo hiểm và các ngân hàng sẽ hoan nghênh việc nới lỏng quy định này. Tuy nhiên, phe Cộng hòa cũng khó có thể huy động được đủ số phiếu để bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Obama. Tranh cãi xung quanh các dự luật hiện hành có thể làm cho giới chủ doanh nghiệp ngần ngại hơn trong thuê tuyển nhân công và mua trang thiết bị mới, vì chưa biết nền kinh tế Mỹ sẽ “đi đâu, về đâu”.
Giới phân tích ở Wall Street bác bỏ quan điểm cho rằng sự chia rẽ đảng phái có lợi cho thị trường chứng khoán vì thực tiễn cho thấy thị trường vẫn hoạt động bình thường, thậm chí tốt hơn, khi một đảng kiểm soát cả Quốc hội Mỹ lẫn Nhà Trắng.
Trên cơ sở phân tích thị trường từ thập niên 1950 đến nay, công ty đầu tư Fidelity Investments kết luận rằng cổ phiếu thường tăng trong năm đầu tiên sau bầu cử giữa nhiệm kỳ, bất chấp môi trường chính trị ở Washington có bị chia rẽ hay không. Kết quả nghiên cứu cho thấy cổ phiếu của các công ty nhỏ tăng 46% trong một năm sau bầu cử, nếu một đảng giành quyền kiểm soát cả Quốc hội lẫn Nhà Trắng và tăng 24%, nếu hai đảng chia nhau quyền kiểm soát ngành hành pháp và lập pháp. Cổ phiếu của các công ty lớn hầu như không bị tác động bởi bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Ông William Galston, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Brookings và nguyên là cố vấn các vấn đề chính sách trong nước cho Tổng thống Bill Clinton, cho rằng các nghị sỹ quốc hội mới hoàn toàn có thể thoả hiệp với nhau. Các nghị sỹ của hai đảng có thể ủng hộ dự luật thuế chung, nhằm cắt giảm rủi ro trong hoạt động của các tập đoàn lớn. Khi đó cả hai đảng sẽ cùng có quyền tuyên bố họ đã làm cho chính sách thuế hiệu quả hơn.
Chính quyền Obama có thể sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nghị sỹ Cộng hòa hơn là sự ủng hộ của các nghị sỹ Dân chủ về hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc.
Hai đảng dường như đang tiến gần tới thoả hiệp về kế hoạch gia hạn chương trình cắt giảm thuế được áp dụng từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống George W. Bush và sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12 năm nay. Tổng thống Obama chỉ muốn gia hạn chương trình cắt giảm thuế cho những gia đình có thu nhập dưới 250.000 USD/năm, vì cho rằng với thâm hụt ngân sách 1.300 tỷ USD trong năm tài chính vừa kết thúc, chính phủ không thể tiếp tục miễn thuế cho những gia đình khá giả. Tuy nhiên, phe Cộng hoà muốn gia hạn chính sách cắt giảm thuế cho mọi đối tượng, với lập luận rằng không thể tăng thuế khi nền kinh tế gặp khó khăn.
Ít có khả năng xảy ra đột biến trong chính sách kinh tế, nếu hai đảng “gầm ghè” nhau cho tới cuộc bầu cử tổng thống 2012. Theo báo cáo phân tích của Bank of America (BoA), sự chia rẽ theo đảng phái là có hại cho triển vọng kinh tế ngắn hạn. Báo cáo của BoA viết: “Trong môi trường đầy thách thức hiện nay, không chịu hành động là hành động nguy hiểm”.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com