Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Mỹ hồi phục mong manh

Người cao tuổi ở TP Los Angeles (Mỹ)
biểu tình phản đối chủ trương cắt giảm
trợ cấp xã hội.
- Năm tài chính 2008-2009 của Mỹ đã kết thúc hôm 30-9. Các con số thống kê sơ bộ về kinh tế Mỹ trong năm qua đều cho rằng, cuộc suy thoái kinh tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã qua giai đoạn tồi tệ nhất, song còn phải đối phó những khó khăn: tình trạng thất nghiệp cao, thâm hụt ngân sách khổng lồ và sự mong manh của hệ thống tài chính.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Ben S. Bernanke nhận định rằng, cuộc suy thoái kinh tế Mỹ "có lẽ đã kết thúc". Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, nổi cộm là tỷ lệ thất nghiệp vẫn sẽ tiếp tục tăng, hiện ở mức 9,7%, là mức cao nhất trong vòng 26 năm qua và tình trạng thâm hụt ngân sách nhiều gấp ba lần con số năm ngoái. Ông Ben S. Bernanke nhận định, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong năm tới sẽ thấp và tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm chậm. Ông nói: "Ðó là một thách thức lớn  đối với những nhà hoạch định chính sách Mỹ trong những giai đoạn tiếp theo". Nhà kinh tế học cao cấp của Westpac, ông Matthew Hassan cũng cho rằng: "Rõ ràng, việc chỉ số tăng trưởng tăng lên cho thấy nền kinh tế đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất".

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia Mỹ dự báo, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2010 sẽ chỉ ở mức trung bình, thấp hơn người dân mong đợi nếu xét về độ sâu của cuộc khủng hoảng kinh tế do tác động của những "làn gió ngược". Họ cũng cảnh báo rằng, ở Bắc Mỹ, hiện ngày càng có nhiều dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng kép có thể xảy ra. Một hiện tượng nữa là những khoản vay tín dụng không có khả năng thanh toán ở Mỹ gia tăng, tình trạng phá sản ngày một nhiều. Giám đốc điều hành của Trung tâm quốc gia nghiên cứu về phá sản của Mỹ Samuel J. Gerdano cho biết, trong chín tháng qua, đã có hơn 1,4 triệu người Mỹ nộp đơn xin phá sản, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 5% so với năm 2005, là năm được cho là có số đơn xin phá sản cao kỷ lục trong nhiều thập niên. Tuần qua, có thêm ba ngân hàng xin phá sản, nâng tổng số ngân hàng Mỹ đổ vỡ từ đầu năm đến nay lên 98 ngân hàng.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ngày 7-10 dự báo, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2008-2009 có thể lên tới 1,4 nghìn tỷ USD, mức cao kỷ lục trong 54 năm qua và tương đương 9,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ. Tính riêng tháng 9-2009, ngân sách liên bang đã thâm hụt 31 tỷ USD. Năm ngoái, con số thâm hụt  ngân sách là 459 tỷ USD. Số thâm hụt ngân sách nghiêm trọng này được cho là vì chi tiêu của chính phủ tăng quá mạnh trong khi thu nhập từ thuế lại giảm nhiều. Giới chức tài chính sẽ phải công bố mức thâm hụt chính thức vào cuối tháng 10. CBO nói việc tăng chi tiêu của chính phủ chủ yếu là cho Chương trình Cứu trợ Tài sản, gói kích cầu kinh tế 787 tỷ USD và khoản  tiền bỏ ra để giải cứu hai công ty cho vay mua nhà Fannie Mae và Freddie Mac.

Ðơn cử, Tiểu bang  California là một trong những tiểu bang bị thiệt hại nặng nề nhất vì suy thoái kinh tế. Nền kinh tế tiểu bang này tạo ra gần 13% GDP của Mỹ. Những năm gần đây, California luôn phải vật lộn để cân bằng ngân sách và năm nay, tình hình trở nên đặc biệt khó khăn.  Tình trạng này có nghĩa những gì diễn ra tại đây sẽ tác động tới các tiểu bang  còn lại của Mỹ. Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về tài chính của tiểu bang  trong nỗ lực giải quyết khoản thâm hụt ngân sách khoảng 24,3 tỷ USD. Thống đốc bang California ra lệnh cho nhiều văn phòng tiểu bang phải đóng cửa ba ngày mỗi tháng cho tới tháng 6-2010 và nhân viên sẽ không được trả lương trong những ngày này. Ông  tuyên bố, mặc dù cơ quan lập pháp của tiểu bang đã không giải quyết được các vấn đề về ngân sách, chuyện "giải quyết toàn bộ thâm hụt ngân sách vẫn là ưu tiên số một và duy nhất" của ông. Thượng viện California không nhất trí được về các đề xuất của đảng Dân chủ muốn cắt bớt 3,3 tỷ USD từ giáo dục và các chương trình khắc khổ khác làm biện pháp giải quyết thâm hụt ngân sách hiện nay. Phe Cộng hòa và Thống đốc bang này cũng bác bỏ khả năng sẽ tăng thuế.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Ét Mác Ken-vây thuộc Tập đoàn Goldman Sachs (Mỹ) nhận định, lần đầu  trong ba mươi năm qua, cuộc suy thoái kinh tế Mỹ đã xóa hết mọi việc làm được tạo ra trong thời kỳ tăng trưởng trước đó. Cựu Chủ tịch FED Greenspan cũng bày tỏ quan ngại về khoản nợ Nhà nước đang ngày càng "phình to", điều mà theo ông cuối cùng sẽ tác động tới tỷ lệ lãi suất và tiềm năng phát triển kinh tế của đất nước. Theo tính toán của các nhà kinh tế, chương trình bán đấu giá tài sản độc hại, chương trình tài trợ các quỹ công và chương trình cho vay thế chấp (TALF) đã và sẽ tiêu tốn hai nghìn tỷ USD, cộng thêm 700 tỷ USD tiền cho chương trình giải cứu các tài sản có vấn đề (TARP) và 787 tỷ USD cho chương trình kích cầu.

Chính quyền của Tổng thống B.Obama cũng đang lúng túng trong cải cách y tế, theo hướng cắt giảm các khoản chi tiêu, khiến những người nghèo, thất nghiệp và hưu trí bị thiệt thòi.  Ðài truyền hình CNN của Mỹ ngày 6-10 cho biết, hệ thống  bảo hiểm xã hội dành cho người trên 65 tuổi hoặc người tàn tật dưới 65 tuổi ở Mỹ (Medicare) sẽ cắt giảm 16 tỷ USD tiền trợ cấp cho các nhà dưỡng lão trong 10 năm tới, khiến những cơ sở này phải giảm nhân viên cũng như các dịch vụ dành cho người già. Các nhà dưỡng lão còn bị giảm nguồn tài chính từ chính quyền tiểu bang. Trong năm nay, 24 bang ở Mỹ đã giảm tiền trợ cấp cho các nhà dưỡng lão cũng như những dịch vụ y tế cho những đối tượng có thu nhập thấp và người tàn tật. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ cũng đang tranh luận việc cắt giảm thêm hàng tỷ USD trong ngân sách dành cho hệ thống Medicare như một phần của nỗ lực cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế. Ông David Hebert, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc sức khỏe Mỹ, cảnh báo, các nhà dưỡng lão nước này đang phải chịu sức ép về ngân sách. Quy mô hệ thống nhà dưỡng lão thu hẹp dần, trong khi số người trên 65 tuổi ngày càng tăng. Tính đến năm 2008, có đến 1,85 triệu người già ở Mỹ  đang sống trong 16 nghìn nhà dưỡng lão.

Ngày 7-10, Tổng thống Mỹ B.Obama đã  có cuộc thảo luận với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid  nhằm tìm biện pháp tiếp tục kích thích kinh tế  và tạo việc làm mới. Ông B.Obama thừa nhận, tình trạng thất nghiệp cao có thể kéo dài trong một số năm nữa, thậm chí trong năm 2010 có thể nhiều hơn con số hiện nay. Trong năm tới, số thâm hụt ngân sách và số nợ Nhà nước cũng sẽ nhiều hơn năm nay.

(Theo TRỊNH MINH PHƯƠNG// Báo Nhân dân điện tử)

  • Vai trò của Mỹ trong cuộc “đảo chính mềm” ở Honduras
  • NASA buộc phải tìm đối tác
  • Nước Mỹ được ngưỡng mộ nhất
  • Mỹ sắp xuất xưởng bom "xuyên phá hầm bunker"
  • Mỹ-Ấn tập trận quy mô lớn
  • Ghế của 'Sư tử' Thượng viện Mỹ đã có chủ
  • Kinh tế Mỹ - Chặng đường hồi phục còn gian nan
  • Phong trào trồng rau xanh ở Mỹ