Theo dõi sự vận động của kinh tế Mỹ tháng 3/2011, người ta nhận thấy đây là một nền kinh tế đặc trưng, không giống với nhiều nền kinh tế khác.
Trong khi nhiều nơi trên thế giới đang lo lắng về lạm phát tăng cao có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế thì nước Mỹ với dự toán tung 600 tỷ USD cho QE2 nhưng lạm phát lại chưa thành vấn đề phải lo lắng.
Không những vậy, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao ở Châu Âu, tại nước Mỹ thất nghiệp đang có chiều hướng giảm và giảm mạnh.
Những lĩnh vực khác như thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại... vẫn ở mức cao, vẫn là chỉ số quan trọng khi nói về kinh tế Mỹ.
Một lĩnh vực có lẽ đã được hưởng lợi từ khi thực hiện QE2 đó là giải quyết việc làm. Trong những tháng vừa qua, chỉ số thất nghiệp của Mỹ đã thay đổi theo chiều hướng rất tích cực: từ tỷ lệ rất cao 9,8% đã giảm xuống 9,4%, xuống 8,9% và hiện nay là 8,8%.
Đây là số liệu "đẹp" nhất nếu tính từ tháng 3/2009 trở lại đây. Điều này phản ánh kinh tế Mỹ đã có sự chuyển hướng tích cực và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp Mỹ đã cao hơn nhiều nếu so với thời điểm cuối năm 2010.
Giảm tỷ lệ thất nghiệp luôn là nhiệm vụ quan trọng của các chính phủ mà nước Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Thất nghiệp giảm không chỉ phản ánh kinh tế đã và đang tăng trưởng mà còn giải quyết được nhiều vấn đề xã hội. Chính quyền của Tổng thống B. Obama đã từng bước "ghi điểm" trong dư luận Mỹ.
Tuy nhiên muốn thất nghiệp giảm xuống ở mức hợp lý, Tổng thống Obama vẫn còn nhiều việc phải làm để xu hướng giảm thất nghiệp trở lên chắc chắn hơn.
Nước Mỹ và thâm hụt ngân sách luôn là câu chuyện dài, khó phân tích và giải thích được một cách thấu đáo và cặn kẽ.
Đối với nhiều nền kinh tế, đặc biệt là Châu Âu thâm hụt ngân sách trên 5% là vấn đề nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên thâm hụt ngân sách của Mỹ luôn ở mức cao khoảng 10% GDP, nhưng kinh tế Mỹ vẫn "sống khỏe". Đó là điều đặc biệt của kinh tế Mỹ.
Nếu phân tích về con số, thâm hụt ngân sách của Mỹ trong những năm gần đây đều là con số "khủng", cỡ ngàn tỷ USD. Năm 2009 thâm hụt 1.420 tỷ USD, năm 2010 có tiến bộ khi giảm xuống còn 1.290 tỷ USD, nhưng năm 2011 rất có thể thâm hụt đạt tới 9,8% GDP hay 1.450 tỷ USD.
Không phải nước Mỹ không nhận thấy nguy cơ do thâm hụt ngân sách cao mang lại. Thâm hụt ngân sách cao đặt nước Mỹ vào nhiều tình huống phức tạp khác như nợ công mà còn đặt chính quyền Mỹ vào tình thế "bị động" trước quốc hội khi ra quyết định về ngân sách.
Không chỉ một lần, các "kiến trúc sư" của kinh tế Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner và Chủ tịch FED Ben Bernanke đã yêu cầu Quốc hội nâng trần nợ công. Nếu không, nước Mỹ sẽ ngừng hoạt động.
Do vậy, không phải ngẫu nhiên ngay từ đầu năm Tổng thống Obama đã phát đi thông điệp cắt giảm thâm hụt ngân sách như là một hướng quan trọng trong điều hành kinh tế Mỹ hiện nay.
Đối với nước Mỹ hiện nay, đây là điều cần thiết.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com