Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế Mỹ tháng 2/2011: Thất nghiệp, lạm phát và QE2

Kinh tế Mỹ tháng 2/2011 vận động trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động bất lợi cho kinh tế thế giới cũng như kinh tế Mỹ.

Những diễn biến căng thẳng tại khu vực Bắc Phi đã đẩy giá dầu lên trên 100 USD/thùng đe dọa khả năng phục hồi của nhiều nền kinh tế, trong đó có Mỹ.

Không chỉ vậy, ngoại trừ Mỹ và Nhật Bản, lạm phát đã "tấn công" nhiều nền kinh tế từ châu Âu đến châu Á và Mỹ  Latinh.

Trong nước, ngoại trừ chỉ số thất nghiệp đã có tín hiệu đáng khích lệ khi giảm xuống còn 8,9%, các chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng khác như thâm hụt ngân sách, nợ công, thâm hụt thương mại...vẫn ở trong tình trạng nan giải và chưa có chuyển biến tích cực.

Về tổng quan, kinh tế Mỹ trong tháng Hai không có nhiều điểm sáng.

Theo các tin tức được đăng tải, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 2/2011 đã giảm xuống còn 8,9% và là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số thất nghiệp tháng sau giảm hơn tháng trước với 192.000 người có việc làm.

Mặc dù mức giảm không cao nhưng đã phản ánh xu thế tích cực trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp cũng như sự khởi sắc trong kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, tuy ngân sách năm 2011 chưa đi được nửa thời gian nhưng các dự báo về thâm hụt ngân sách của Mỹ năm 2011 đều là con số "khủng", tương đương với GDP của quốc gia phát triển cỡ Hàn Quốc hay Liên bang Nga.

Theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), 1.500 tỷ USD là số tiền thâm hụt ngân sách cho năm tài khoá 2011, trong đó bao gồm 858 tỷ USD tiền cắt giảm thuế.

Ở góc độ khác,  Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia (NABE) dự báo 1.400 tỷ USD sẽ là số tiền thâm hụt mà nước Mỹ sẽ phải gánh trong năm 2011.

Trong khi đó chính quyền của Tổng thống B.Obama có lẽ đã "lo xa" khi dự báo con số thâm hụt là 1.650 tỷ USD và chiếm 10,9% GDP.
 
Với tỷ lệ thâm hụt cao như vậy, nếu ở Châu Âu, nước Mỹ rất có thể không được xét gia nhập Eurozone.
Một vấn đề dư luận Mỹ hết sức quan tâm là chương trình kích thích kinh tế.

Tại các cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch FED Ben Bernanke luôn bảo vệ sự cần thiết phải ban hành QE2 và hiện QE2 đang đi đúng hướng và trợ kinh tế Mỹ được lợi khi thực hiện chương trình này.

Những lo lắng về lạm phát khi thực hiện QE2 dần được loại trừ, do vậy theo quan điểm của ông Ben Bernanke không những không rút QE2 mà FED sẵn sàng mua trái phiếu khi cần thiết.

"Các khoản chi để giúp nền kinh tế phục hồi có thể mang lại nhiều lợi ích hơn là ý nghĩa tài chính", phát biểu của ông Ben Bernanke. Đến nay QE2 đã đạt được 2 mục đích, ngăn được cả giảm phát và lạm phát.

Ngoài những khó khăn "kinh niên" nêu trên, thời điểm này nước Mỹ cũng cần phải làm quen với những diễn biến xấu khác nếu không muốn một sự "cộng hưởng" tồi tệ có thể diễn ra.

Dầu mỏ tăng mạnh, cắt giảm chi tiêu và hậu QE2 (vào tháng 7/2011)... là những vấn đề thực sự cấp thiết và cần quan tâm và cần được xử lý ở mức cao nhất.

(tamnhin)