Một nhóm các doanh nghiệp Mỹ cho biết, các công ty nước ngoài khẳng định rằng Trung Quốc ngày càng áp dụng nhiều quy định có tính kỳ thị nhằm hạn chế các công ty nước ngoài thâm nhập thị trường rộng lớn, đồng thời thúc đẩy nền sản xuất công nghệ của họ. Các doanh nghiệp Mỹ còn phàn nàn, điều kiện dành cho các nhà đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đang trở nên tồi tệ.
Báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc đưa ra khi các công ty nói rằng Bắc Kinh đang đi ngược lại tinh thần của cam kết mở cửa thị trường bằng cách dự trữ các phân khúc của nền kinh tế cho các công ty trong nước với nỗ lựctăng cường cạnh tranh trên toàn cầu.
Cơ quan trên nhấn mạnh phàn nàn về những nỗ lực nuôi dưỡng các công ty máy tính và công nghệ Trung Quốc - chính sách mang tên “đổi mới bản địa” - bằng việc ủng hộ họ trong việc mua sắm và các lĩnh vực khác của chính phủ.
Trong một báo cáo hàng năm về các điều kiện kinh doanh, nhóm doanh nghiệp trên chỉ ra rằng, các công ty Mỹ đang “vấp phải rắc rối bởi hàng loạt trở ngại về chính sáchtừ việc thi hành luật không nhất quán cho tới các chính sách đổi mới mang tính kỳ thị của Trung Quốc và các quy định hạn chế thâm nhập vào các lĩnh vực vốn ngày càng mở rộng cho đầu tư nước ngoài trong 30 năm qua".
Báo cáo trên cho hay, kết quả cuộc khảo sát từ 388 công ty lần đầu tiên đã phát hiện ra rằng, nguyên tắc không nhất quán đã trở thành trở ngại đáng kể nhất đối với các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Trước đó họ đã dẫn chứng, việc tìm đủ nhà quản lý Trung Quốc là vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp.
Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc John D.Watkins nói, các chính sách này xuất hiện đã kìm hãm khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của các công ty nước ngoài. Phòng Thương mại Mỹ đại diện cho 1.200 công ty Mỹ tại Trung Quốc.
Báo cáo đưa ra giữa lúc có một loạt sự cố gây lo lắng cho các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm vụ tranh cãi giữa Tập đoàn Google Inc với Bắc Kinh về kiểm duyệt và vụ xét xử bốn nhân viên của Rio Tinto Ltd bị buộc tội gián điệp thương mại.
Hôm 01/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ phàn nàn về chính sách phân biệt đối xử, khẳng định Trung Quốc đối xử công bằng với cả công ty trong và ngoài nước. Ông kêu gọi các công ty nước ngoài thích ứng với môi trường thay đổi của Trung Quốc để phát triển.
"Trên thực tế, môi trường đầu tư của Trung Quốc đang ngày càng tốt lên. Trung Quốc đã gia nhập WTO. Chúng tôi xem các công ty nước ngoài như chính gia đình của mình", ông nhấn mạnh.
Báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ đặc biệt đề cập tới chính sách "đổi mới nội địa", điều mà nhiều doanh nhân cho là trở ngại lớn nhất đối với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp từ sản xuất máy tính cho tới các thiết bị nhà máy.
Theo cơ quan này, 28% công ty trong cuộc khảo sát nói rằng họ đã bị thua lỗ bởi chính sách “đổi mới bản địa” và 40% có thể sẽ chịu thua lỗ một khi các chính sách được thi hành đầy đủ.
Bắc Kinh đã đặt các công ty nước ngoài trong tình trạng cảnh báo bằng một tuyên bố hồi tháng 11 rằng, họ sẽ ủng hộ công nghệ được phát triển tại Trung Quốc khi chính phủ chi hàng tỷ đô la mỗi năm để mua máy tính và các hàng hóa khác. Chính phủ là khách hàng lớn nhất đối với nhiều loại máy tính và hàng công nghệ khác, và các công ty nước ngoài lo ngại rằng sự hạn chế này có thể cũng ảnh hưởng tới cả các công ty nhà nước.
Chính phủ Trung Quốc đã dành hẳn một thập kỷ để xúc tiến chính sách “đổi mới bản địa” và sử dụng các chính sách bảo vệ và hỗ trợ cho phát triển kinh tế Trung Quốc.
Phòng Công nghiệp Mỹ tại Trung Quốc khẳng định, 7 trong số 8 trở ngại hàng đầu được các công ty trong cuộc khảo sát trích dẫn liên quan đến các trở ngại từ Chính phủ Trung Quốc, bao gồm việc xin giấy phép, sự thiên vị đối với các công ty trong nước, tệ quan liêu hay những quy định không rõ ràng.
Cuộc khảo sát cho thấy, 74% các công ty cho biết, việc thi hành luật sở hữu trí tuệ của Trung Quốc không đem lại hiệu quả.
(Trang tin VN&QT)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com