Việc Mỹ leo thang chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan từ đầu năm nay khiến cuộc chiến đã kéo dài chín năm ở nước Nam Á này càng khốc liệt, số thương vong của dân thường Áp-ga-ni-xtan cũng như lực lượng binh sĩ nước ngoài tăng vọt. Chính quyền Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đang chịu sức ép ngày càng lớn từ nhiều phía đối với chiến lược ở Áp-ga-ni-xtan.
Báo cáo nửa đầu năm nay của Phái bộ LHQ hỗ trợ tại Áp-ga-ni-xtan (UNAMA) cho biết, số thương vong của dân thường Áp-ga-ni-xtan trong nửa đầu năm nay là 3.268 người (trong đó có 1.271 người chết), tăng 31% so cùng kỳ năm ngoái. Việc Mỹ đổ thêm 30 nghìn binh sĩ vào Áp-ga-ni-xtan từ đầu năm nay khiến cuộc chiến càng khốc liệt hơn, và dân thường vẫn là những nạn nhân đầu tiên và gánh chịu mất mát lớn nhất. 76% số dân thường thương vong là do các vụ tiến công của lực lượng Ta-li-ban gây ra, tăng khoảng 60% so cùng kỳ năm ngoái. Ðể đối phó, Mỹ và đồng minh leo thang chiến tranh. Trong khi đó, Ta-li-ban tăng mạnh bạo lực với dân thường, riêng số vụ ám sát tăng tới 95%, nhằm đe dọa người dân hợp tác với chính quyền Áp-ga-ni-xtan và lực lượng nước ngoài. Mục tiêu mang lại an ninh cho người dân Áp-ga-ni-xtan - một trong những lý do mà Oa-sinh-tơn đưa ra để biện hộ cho Chiến dịch Tự do bền vững từ năm 2001 và chiến lược mới từ cuối năm 2009, ngày càng xa vời.
Cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan cũng trở nên khốc liệt hơn với quân Mỹ và đồng minh. Theo thống kê của tổ chức Casualties, trong nửa đầu năm nay có 524 binh sĩ liên quân chết ở Áp-ga-ni-xtan, gấp hơn hai lần so cùng kỳ năm ngoái. Với 65 binh sĩ chết, tháng 7 vừa qua là tháng đẫm máu nhất với quân đội Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan trong chín năm qua. Cử tri ở Mỹ và các nước đồng minh ngày càng tăng sức ép chính trị đòi chính quyền rút quân về nước. Hà Lan, với 1.950 binh sĩ tại Áp-ga-ni-xtan, bắt đầu rút quân từ đầu tháng này và dự kiến rút hết trong tháng 9 tới. Việc NATO đề nghị Hà Lan tăng quân đã làm nổ ra một cuộc tranh cãi chính trị dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Hà Lan hồi tháng 2 năm nay và sau đó Hà Lan tuyên bố rút quân. Sau Hà Lan, đến lượt Ca-na-đa, I-ta-li-a, Ðan Mạch cũng đưa ra các tuyên bố về thời hạn rút quân. Thủ tướng mới Ð.Ca-mê-rôn của Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ, cũng cho biết có thể bắt đầu rút quân trong năm 2011. Trong chiến lược mới ở Áp-ga-ni-xtan công bố tháng 12-2009, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đã đặt thời hạn bắt đầu rút quân từ tháng 7-2011. Tại hội nghị quốc tế về Áp-ga-ni-xtan ở Ca-bun cuối tháng 7 vừa qua, Mỹ và Anh đã khẳng định mục tiêu tổng thể là chấm dứt sứ mệnh chiến đấu tại Áp-ga-ni-xtan vào năm 2014.
Tuy nhiên, trong tháng 7 vừa qua, Tổng Thư ký NATO A.P.Ra-xmút-xen cảnh báo, nếu phương Tây rút quân sớm khỏi Áp-ga-ni-xtan, Ta-li-ban có thể quay trở lại Áp-ga-ni-xtan. Nước này đứng trước nguy cơ một lần nữa trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố và được sử dụng làm bàn đạp cho các cuộc tiến công khủng bố ở Bắc Mỹ và châu Âu, kéo theo nguy cơ gây mất ổn định tại nước Pa-ki-xtan láng giềng có vũ khí hạt nhân cũng như toàn bộ khu vực. Tổng Thư ký NATO nêu rõ, các nước NATO không thể đưa ra bất kỳ bảo đảm nào về thời gian biểu chính xác cho việc rút quân, và chỉ nên rút quân khi người Áp-ga-ni-xtan trên thực tế có thể tự chịu trách nhiệm về an ninh của nước này.
Nhưng đến bao giờ quân đội Áp-ga-ni-xtan đủ sức tiếp quản trách nhiệm bảo đảm an ninh vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Yếu kém về chất lượng là thực tế của lực lượng an ninh ở Áp-ga-ni-xtan, bất chấp việc các quan chức quân sự Mỹ tuần qua tuyên bố lực lượng này đã đạt mục tiêu về số lượng trong năm nay với 134 nghìn binh sĩ quân đội và 109 nghìn sĩ quan cảnh sát. Ngày 12-8 vừa qua, Thời báo Niu Oóc đưa tin, chiến dịch độc lập của quân đội Áp-ga-ni-xtan nhằm truy quét Ta-li-ban ở miền đông nước này thất bại thảm hại với nhiều binh sĩ chết hoặc bị bắt, còn các chỉ huy phải yêu cầu lực lượng NATO tiếp viện. Cuối tuần qua, trong cuộc hội đàm qua cầu truyền hình, Tổng thống Ô-ba-ma đã phải trấn an Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai rằng, Mỹ cam kết duy trì sức ép đối với Ta-li-ban.
Mỹ hy vọng tăng đáng kể sức ép với Ta-li-ban với việc đổ thêm quân cùng chiến thuật mới là đẩy phiến quân ra khỏi những thành phố đông dân và xây dựng chính quyền địa phương mạnh để giữ những nơi này. Tuy nhiên, chiến dịch ở TP Ma-gia, được coi là cuộc thử nghiệm đầu của chiến thuật này, lâm vào bế tắc khi lính thủy đánh bộ Mỹ chiếm được thành phố nhưng vẫn chưa thể xây dựng được chính quyền của người địa phương. Việc này khiến Mỹ phải hoãn chiến dịch truy quét Ta-li-ban ở Can-đa-ha, thành phố lớn thứ hai ở Áp-ga-ni-xtan và là căn cứ tinh thần của phiến quân. Những khó khăn trong việc xúc tiến những kế hoạch quân sự cũng như dân sự ở Áp-ga-ni-xtan khiến Tổng thống Ô-ba-ma phải hạ dần mục tiêu tổng thể của Mỹ ở nước Nam Á này. Cuối tháng 7 vừa qua, trả lời phỏng vấn của truyền hình CBS, ông Ô-ba-ma cho rằng, mục tiêu của Mỹ chỉ là không cho phép các phần tử khủng bố hoạt động trong khu vực, mở rộng việc đào tạo cũng như lên kế hoạch tiến công nước Mỹ. Như vậy, Oa-sinh-tơn đã có sự điều chỉnh đáng kể so với mục tiêu là đẩy lùi, đập tan và đánh bại chủ nghĩa khủng bố, được xác định trong chiến lược công bố cuối năm 2009.
Cuối tháng 7 vừa qua, với 308 phiếu thuận và 144 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua khoản 37 tỷ USD chi cho chiến dịch tăng viện 30 nghìn binh sĩ cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan, nâng tổng số tiền QH Mỹ đã phê chuẩn cho các cuộc chiến tranh của Mỹ từ cuối năm 2001 đến nay lên hơn 1.000 tỷ USD. Ðáng chú ý là phần lớn trong số phiếu chống nói trên là của các nghị sĩ đảng Dân chủ (DC), đảng của Tổng thống Ô-ba-ma. Nhiều nghị sĩ đảng DC ngày càng nghi ngờ các cam kết và hiệu quả chiến lược mới ở Áp-ga-ni-xtan của ông Ô-ba-ma. Những mối nghi ngờ này càng tăng khi vừa qua tổ chức Wikileaks tiết lộ hàng chục nghìn tài liệu quân sự mật về cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan, trong đó có những nội dung đáng chú ý như các vụ giết hại dân thường Áp-ga-ni-xtan bị ỉm đi, những chiến dịch bí mật truy quét Ta-li-ban của quân Mỹ, và đặc biệt là việc cơ quan tình báo Pa-ki-xtan ngầm hậu thuẫn lực lượng nổi dậy ở Áp-ga-ni-xtan. Bất chấp giới chức Mỹ nỗ lực ngăn cản, Wikileaks cho biết sẽ công bố thêm các tài liệu mật. Sức ép đòi chấm dứt cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan từ chính các nghị sĩ đảng DC đối với chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma sẽ ngày càng tăng trong thời gian từ nay đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ vào tháng 11 tới. Ông Ô-ba-ma đã cam kết sẽ làm hết sức để giúp đảng DC tiếp tục nắm giữ đa số ghế tại QH, nhưng trong bối cảnh sức nóng của chiến trường Áp-ga-ni-xtan ngày càng tăng nên ngay cả những trợ lý thân cận của Tổng thống cũng gợi ý ông nên tránh xuất hiện tại các cuộc vận động tranh cử ở các địa phương của các nghị sĩ đảng này.
(Theo TÔ MINH // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com