Bộ Thương mại Mỹ cho biết thị trường hạt nhân dân dụng thế giới trị giá 500 tỉ USD và các nước đều muốn tranh giành phần lớn “chiếc bánh” này trong những năm tới.
Ngày 7/2, Bộ Thương mại Mỹ quyết định thành lập Ủy ban tư vấn giao dịch hạt nhân dân dụng nhằm hoạch định chính sách khuyến khích xuất khẩu kỹ thuật hạt nhân dân dụng, thúc đẩy phục hồi kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, tăng sức cạnh tranh trên thế giới… vì Mỹ là nước có ưu thế lớn nhất trong lĩnh vực này. Nga là nước cũng có nền công nghiệp hạt nhân dân dụng hiện đại, nhưng vừa qua vẫn ký hợp đồng trị giá 4,9 tỉ USD mua thiết bị nhà máy điện hạt nhân của Mỹ và hợp tác xử lý công nghệ làm giàu uranium ở Mỹ.
Ủy ban tư vấn này gồm 30 chuyên gia hàng đầu về sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục tiêu dân dụng với nhiệm vụ tư vấn có hiệu quả cho chính phủ về các chính sách giao dịch với các nước, tăng khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu trang thiết bị và xây dựng nhà máy hạt nhân trên thế giới.
Phát biểu trước Ủy ban tư vấn giao dịch hạt nhân dân dụng, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gary Locke nói: “Hiện nay về kỹ thuật và dịch vụ về lĩnh vực hạt nhân dân dụng, Mỹ đứng hàng đầu thế giới và nhận được sự ủng hộ hợp tác của nhiều nước trong lĩnh vực này. Vừa qua, Tổng thống Obama cũng khẳng định năng lượng hạt nhân là một bộ phận quan trọng cung cấp năng lượng ở Mỹ. Mỹ sẽ mở cửa và cùng các nước phát triển nguồn năng lượng sạch này”. Ông Gary Lock cho biết Mỹ hiện có 104 lò phản ứng hạt nhân và điện hạt nhân chiếm 20% tổng sản lượng điện ở Mỹ.
Tuy nhiên, ông Gary Locke cũng nhấn mạnh nguyên tắc phát triển năng lượng hạt nhân dân dụng của Mỹ phải đảm bảo hai yêu cầu là “an toàn và không phổ biến vũ khí hạt nhân”. Trên cơ sở này, tháng 10/ 2008, Mỹ và Ấn Độ đã ký Hiệp định hợp tác năng lượng hạt nhân; năm 2010 hai nước lại ký tiếp “Hiệp định xây dựng Trung tâm năng lượng hạt nhân”, đồng thời đặt việc sử dụng hạt nhân dân dụng dưới sự quản lý, giám sát của Cơ quan Năng lượng Hạt Nhân Quốc tế (IAEA).
Tình trạng ô nhiễm môi trường và khủng hoảng xăng dầu thế giới thời gian qua khiến nhiều nước chuyển sang phát triển năng lượng sạch, trong đó có năng lượng hạt nhân. Nhưng lĩnh vực này đòi hỏi có trình độ khoa học kỹ thuật cao mà chỉ có một số nước công nghiệp phát triển mới có thể làm được, trong đó Mỹ là nước đứng hàng đầu thế giới. Vì vậy các doanh nghiệp Mỹ đã nhanh chóng “đi trước, đón đầu” để đưa ra chiến lược cạnh tranh và phát triển nguồn năng lượng này thời gian tới.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com