Hôm 3/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho biết, những thay đổi đáng được khuyến khích trong chính sách kinh tế của Trung Quốc sẽ có lợi cho tất cả các nước trên thế giới.
Phát biểu tại diễn đàn Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Trung Quốc tại Washington, ông Geithner nói: “Trong hai năm qua, chúng ta đã chứng kiến những chuyển biến trong chính sách kinh tế của Trung Quốc và những thay đổi này hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích không những cho Trung Quốc, Mỹ mà còn cho toàn bộ thế giới.”
Ông cho biết, đồng NDT của Trung Quốc đã tăng 5% kể từ khi Bắc Kinh quyết định điều chỉnh tỷ giá tiền tệ vào tháng 6 năm ngoái nhằm cho phép trao đổi giữa đồng NDT với USD được tự do hơn.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, đồng NDT vẫn bị định giá thấp đáng kể.
“Trung Quốc nên điều chỉnh tỷ giá hối đoái với tốc độ nhanh hơn nhằm khắc phụ sự định giá thấp tiền tệ,” ông nói.
Bộ trưởng Geithner sẽ dẫn đầu phía Mỹ tham dự vòng ba của cuộc hội đàm cấp cao Mỹ - Trung Quốc và tuần tới tại Washington.
Trước đó, trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 1, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã cam kết sẽ tạo một sân chơi cạnh tranh bình đẳng cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các cam kết bao gồm việc tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài có cơ hội cạnh tranh tại Trung Quốc và tăng cường bảo vệ cũng như thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
“Những thay đổi trong định hướng chính sách của Trung Quốc mang lại hy vọng đạt được nhiều lợi ích kinh tế có giá trị cho các công ty của Mỹ trong tương lai,” ông Geithner cho biết.
Theo ông, chủ đề chính trong chương trình nghị sự của cuộc đàm phán vào tuần tới là chủ đề điều chỉnh tỷ giá NDT và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Ông cho rằng, nếu Trung Quốc thành công trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế xuất khẩu sang nền kinh tế tiêu thụ trong nước, lợi nhuận cho những người tiết kiệm tại Trung Quốc sẽ được gia tăng và những rào cản đối với chi phí vốn của các doanh nghiệp nhà nước sẽ được rỡ bỏ.
(Vitinfo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com