Tại buổi họp báo chiều 30.10 ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh, Mỹ muốn tham gia tích cực hơn trong các hoạt động của ASEAN ở châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), để thể hiện cam kết của chính quyền Tổng thống Obama mở rộng quan hệ với khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ nói: “Chúng tôi không chỉ muốn tăng cường quan hệ song phương với Việt Nam mà còn với các nước khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vì thế chúng tôi muốn tham gia tích cực hơn trong các tổ chức của khu vực như ASEAN. Mỹ đã có quan hệ sâu sắc lâu dài ở châu Á – Thái Bình Dương, và chúng tôi muốn trở thành đối tác tốt, bạn tốt, láng giềng tốt”.
EAS cũng đem lại cơ hội để Mỹ có thể gặp gỡ trực tiếp với các nhà lãnh đạo trong cả khu vực. Bà Hillary nói: “Chúng tôi rất vui mừng vì Việt Nam với tư cách là chủ tịch ASEAN năm 2010, đã thúc đẩy sự tham gia của Mỹ, mời Mỹ với tư cách là khách mời của EAS, cùng với sự tham gia của Nga”. Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ lòng cảm ơn tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mời bà tham gia EAS – đại diện của Mỹ tham gia lần đầu tiên.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống Barack Obama trông đợi tham gia EAS tại Indonesia vào năm tới. Mỹ cam kết can dự vào EAS trong thời gian lâu dài “vì chúng tôi tin tưởng rằng đây có thể và nên trở thành một diễn đàn chính cho các vấn đề chính trị và an ninh tại châu Á- Thái Bình Dương”.
Thêm kinh phí tẩy độc dioxin ở Đà Nẵng
Mở đầu cuộc họp báo, bà Hillary cho biết: “Đây là chuyến thăm thứ hai của tôi tới Hà Nội trong năm nay. Đó là dấu hiệu quan trọng mà Mỹ cam kết trong quan hệ với Việt Nam, với ASEAN và toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
“Rõ ràng là Việt Nam và Mỹ đang tới gần mức hợp tác có thể đo đếm được trong những năm gần đây. Chúng ta đã vượt qua nỗi đau trong quá khứ, hướng tới quan hệ dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và có chung sự quan tâm, vì ổn định, an ninh và thịnh vượng chung trong khu vực”.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, năm 2011 Mỹ sẽ bắt đầu dự án trị giá 34 triệu USD để tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, điều mà hai bên cùng góp phần để xây dựng tương lai đầy hy vọng.
Bà Hillary cho biết, trong thảo luận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phó Thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, hai bên cũng khẳng định lại, chia sẻ quan tâm hợp tác vì quan hệ chiến lược, bao trùm nhiều lĩnh vực, như tăng cường an ninh hàng hải, cứu hộ và cứu trợ thảm họa...
Nhân dịp này, Ngoại trưởng Mỹ cũng gửi lời chia buồn tới những người dân ở miền Trung Việt Nam đã mất người thân, nhà cửa và tài sản do trận lụt lịch sử vừa qua.
Ngoại trưởng Mỹ cùng hai nhà lãnh đạo của Việt Nam cũng bàn bạc nhằm tăng cường hơn nữa thương mại giữa hai bên (2009 đạt hơn 15 tỷ USD), bao gồm cả hợp tác trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP). “Việt Nam, Mỹ và bảy đối tác khác đã hoàn thành vòng ba của TTP trong tháng này. Chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể kết thúc quá trình đàm phán và tuyên bố là thành viên thứ tư của TTP sớm”.
Mỹ sẽ tài trợ cho nghiên cứu hạ lưu sông Mekong
Ngoại trưởng Mỹ vui mừng thông báo về cuộc họp Sáng kiến ở hạ vùng sông Mekong, nơi Việt Nam đóng vai trò dẫn dắt.
Bà Hillary thể hiện sự quan ngại về mối nguy hại về môi trường ở khu vực này: “Chúng tôi đã thảo luận làm sao làm việc với nhau để ứng phó với thực tế là khí hậu đang thay đổi, thảo luận mang tính xây dựng về tác động tiềm ẩn của việc xây dựng các đập thủy điện ở hạ vùng sông Mekong. Mỹ muốn khuyến cáo trước khi việc xây dựng chính tiếp diễn, và chúng tôi sẽ tài trợ cho nghiên cứu về vấn đề này”.
Đề cập tới vấn đề Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, Ngoại trưởng Mỹ cho hay, Ngoại trưởng Trung Quốc nói nước này không có ý định đó. Nguồn tài nguyên này đang trở nên khan hiếm, vì thế Mỹ, cùng Nhật, châu Âu và các khu vực khác cũng đang tìm kiếm nhiều hơn nguồn cung đất hiếm. “Chúng tôi cho rằng cả thế giới đang tìm kiếm các nguồn cung khác để khai thác”.
( Theo VIỆT ANH // Báo Sài gòn tiếp thị Online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com