Nước Mỹ đã đạt đến giới hạn nợ 14.300 tỷ USD hôm thứ Hai vừa qua, đặt quốc hội nước này vào tình thế lựa chọn éo le: nâng hạn mức nợ, không thì sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính hay suy thoái khác do bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm, lãi suất tăng cao…
Trước mắt, trong khi chờ đợi Quốc hội có kết luận chính thức, Chính phủ Mỹ sẽ phải căng sức để giữ cho tổng nợ không tăng lên, nhằm tránh bị đánh tụt mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Timothy Geithner đã chính thức thông báo với Quốc hội rằng, Chính phủ sẽ tạm dừng việc bỏ tiền vào hai kế hoạch trợ cấp tiền lương nhằm tiết kiệm một khoản chi 232 tỷ USD trong trước mắt. Đây đều là các giải pháp mà Geithner gọi là "bất thường". Geithner nói rằng, Chính phủ có thể duy trì được mức nợ trong giới hạn cho đến ngày 2/8, còn sau đó, Chính phủ có thể sẽ lần đầu tiên vỡ nợ.
Geithner đã gửi cho Quốc hội một bức thư nói rằng, ông sẽ không thể bảo đảm thực hiện được đầy đủ các khoản trợ cấp như kế hoạch, đồng thời hối thúc cơ quan lập pháp nâng hạn mức nợ "để bảo vệ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ và tránh các hậu quả kinh tế thê thảm cho các công dân".
"Chúng ta cần ủng hộ cho việc nâng mức trần nợ vì hậu quả của việc không làm như vậy sẽ hết sức nghiêm trọng", Jay Carney, phát ngôn viên của Nhà Trắng nói với các nhà báo.
Một người khác là Edward Knight, người từng làm tư vấn cho Bộ Tài chính Mỹ trong suốt thời gian nợ công của nước này vượt giới hạn hồi những năm giữa thập kỷ 1990 cũng đưa ra sự so sánh để cảnh báo: "Trong lĩnh vực kinh tế, điều này tương tự như chiến tranh hạt nhân".
Nếu Quốc hội không nâng mức trần nợ trước ngày 2/8 tới hoặc bất cứ khi nào Bộ Tài chính đã làm hết cách (ngắn hạn), mọi thứ sẽ trở nên xấu đi nhanh chóng. "Khi các hóa đơn đáo hạn, chúng ta không thể thanh toán tất cả", Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban Nghĩa vụ ngân sách nói và cảnh báo: "Nếu điều đó xảy ra, bạn sẽ thấy thị trường xáo trộn chưa từng có". Chính phủ khi đó sẽ phải tìm cách bù đắp cho khoản ngân sách khoảng 738 tỷ USD và mọi thứ từ lương quân đội, phúc lợi xã hội cho đến việc trả lãi cho các khoản nợ đều sẽ bị tổn thương; ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ phải khất nợ các nhà đầu tư trái phiếu. Và khi các nhà đầu tư đoan chắc rằng Chính phủ sẽ "xù nợ", họ sẽ bán trái phiếu để tránh rủi ro. Điều đó sẽ kéo giá trái phiếu kho bạc xuống và đẩy lãi suất lên cao, làm tăng chi phí vay đối với mọi thứ, từ các khoản vay thế chấp đến vay tiêu dùng, qua đó kéo chậm nền kinh tế lại.
Các lãnh đạo Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ từng cho biết, họ sẽ không nâng hạn mức nợ trừ khi chính quyền của Obama trước hết phải đồng ý cắt giảm chi tiêu trên diện rộng hoặc có lộ trình thu hẹp nợ trong dài hạn và đã nhắc lại yêu cầu này trong một tuyên bố hôm thứ Hai vừa qua. Tuyên bố đã lờ đi cảnh báo của Geithner về những gì sẽ xảy ra nếu hạn mức nợ không được nới rộng. Các đảng viên Đảng Cộng hòa cũng bác bỏ mọi kế hoạch tăng thuế, bao gồm các kế hoạch dừng cắt giảm thuế được ban hành trong các năm 2001 và 2003.
"Người Mỹ hiểu rằng, chúng ta đơn giản là không thể cứ mãi tiêu những đồng tiền mà chúng ta không có", John Boehner, phát ngôn viên của Đảng Cộng hòa nói và khẳng định, sẽ không có chuyện nới rộng hạn mức nợ mà không có những cải cách nghiêm túc về ngân khố và sự cắt giảm đáng kể chi tiêu.
Thông thường, tại Mỹ, một sự khước từ nâng mức trần nợ không có nghĩa rằng Quốc hội đã bắt đầu giải quyết các vấn đề ngân sách quốc gia. Nó chỉ có nghĩa là các nhà làm luật đã từ chối để cho Chính phủ vay thêm tiền nhằm tài trợ cho các chương trình chi tiêu và đó là lý do dẫn đến các cuộc tranh luận căng thẳng giữa hai cơ quan này hiện nay.
Trong năm 2010, Quốc hội Mỹ đã nâng mức trần nợ của nươc này lên 14.300 tỷ USD từ mức 12.400 tỷ USD trước đó. Kể từ năm 2001, Quốc hội Mỹ đã 10 lần nâng mức trần nợ.
Nếu tới đây, Quốc hội Mỹ nâng trần nợ, nợ của Mỹ sẽ đạt tới 15.500 tỷ USD vào ngày 30/9, ngày kết thúc năm tài khóa này, trong đó có khoản 1.500 tỷ USD thâm hụt ngân sách bổ sung năm nay. Các khoản thâm hụt ngân sách và nợ khổng lồ nói trên phản ánh việc cắt giảm thuế, chiến tranh, chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ, chi phí cao hơn cho các chương trình chăm sóc y tế liên bang và suy thoái kinh tế (khiến doanh thu thuế co lại, đồng thời buộc Chính phủ chi nhiều hơn cho các chương trình xã hội).
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com