Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ sẽ lắng nghe thế giới

Đại diện cho chính quyền mới công du châu Âu, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo những thay đổi trong chính sách của Washington đối với phần còn lại của thế giới. 

Lính Mỹ ở Iraq

 

“Chúng tôi sẽ tham gia. Chúng tôi sẽ lắng nghe. Chúng tôi sẽ tham vấn. Mỹ cần thế giới như chúng tôi tin rằng thế giới cần nước Mỹ”, Phó Tổng thống Binden phát biểu tại hội nghị an ninh ở Munich (Đức) ngày 7/2.

Ông Biden cũng nỗ lực mở trang mới trong quan hệ đối ngoại sau chiến dịch xâm lấn Iraq của năm 2003 và thái độ của chính quyền Bush trước đây đối với vấn đề biến đổi khí hậu khiến nhiều đồng minh châu Âu xa lánh.

Tuy nhiên, ông Biden khẳng định Mỹ sẽ không thay đổi trong việc sẵn sàng sử dụng lực lượng quân đội để bảo đảm an ninh quốc gia. Trong khi cam kết Washington sẽ thảo luận và lắng nghe nhiều hơn nữa, ông Biden cũng đặt ra nhiều yêu cầu hơn cho các đồng minh bởi vì: “Mối đe dọa mà chúng ta đối mặt là không có biên giới. Một quốc gia nào dù hùng mạnh đến mấy cũng không thể một mình đối mặt”.

Cuối ngày 8/2, ông Biden có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Nga Sergei Ivanov để thảo luận về các vấn đề đối ngoại. Các quan chức Nga từng bày tỏ mong muốn tân Tổng thống Obama không theo đuổi chính sách của người tiền nhiệm George Bush trong kế hoạch phát triển lá chắn tên lửa ở Đông Âu.

Điện Kremlin phát thông điệp rõ ràng để có thể cải thiện quan hệ: Trước hết Mỹ phải ngừng triển khai lá chắn tên lửa ở Ba Lan và sau đó đóng cửa căn cứ quân sự ở Kyrgyzstan.

Giới phân tích cho rằng việc Phó Tổng thống Mỹ xuất hiện tại hội nghị an ninh, thường chỉ cấp bộ trưởng quốc phòng tham dự, phát đi tín hiệu quan trọng với châu Âu rằng chính quyền của ông Barack Obama mong muốn cải thiện mối quan hệ vốn căng thẳng với nhiều quốc gia.

Một số chuyên gia trước đó dự báo Phó Tổng thống Biden sẽ thông báo việc tạm hoãn hoặc xem xét lại kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu của chính quyền cựu Tổng thống Bush đang khiến Nga tức giận. Trên thực tế, ông Biden tuyên bố Mỹ vẫn tiếp tục phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Iran.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng thống Biden, Mỹ sẽ sớm thảo luận với các đồng minh Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và Nga xung quanh vấn đề lá chắn tên lửa. Ông Biden cũng bày tỏ việc Mỹ muốn “nhấn nút cài đặt lại” mối quan hệ với Nga.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, tướng James Jones, tiết lộ kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu sẽ được thảo luận rộng rãi. Theo một quan chức cấp cao NATO, tân Tổng thống Mỹ Obama không quá nóng lòng trong việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu và họ đang chờ phản ứng của Nga.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện quan hệ với Matxcơva, hai năm sau khi lãnh đạo Nga tại một hội nghị an ninh cáo buộc chính quyền Bush muốn thống trị thế giới và cảnh báo về cuộc chiến tranh lạnh mới.

Các nhà ngoại giao cho rằng vấn đề hạt nhân Iran là thách thức lớn nhất của chính quyền Tổng thống Obama cùng với cuộc chiến ở Afghanistan. Theo ông Biden, Mỹ sẵn sàng đàm phán với Tehran và đề xuất lựa chọn khá cụ thể:  Tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và sẽ bị gây sức ép, bị cô lập; từ bỏ chương trình hạt nhân, ngừng tài trợ cho khủng bố để nhận được sự ủng hộ đầy ý nghĩa.

Ali Larihiani, cựu trưởng đoàn đàm phán hạt nhân và hiện là Chủ tịch Quốc hội Iran, cho biết hiện chưa có bất kỳ lời nói hay mối liên hệ nào phía sau hậu trường giữa quan chức Mỹ và Iran.

(theo báo tiền phong)

  • Mỹ công bố chính sách ngoại giao
  • Mỹ hoãn công bố kế hoạch cứu trợ ngân hàng
  • Kế hoạch kích thích kinh tế Mỹ “qua cửa” Thượng viện
  • Hưu muộn - giải pháp của Mỹ thời khủng hoảng
  • Mỹ: Một số thành phố lớn có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm
  • Mỹ muốn tạo "âm hưởng mới" trong quan hệ với các nước
  • Thượng viện Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế 780 tỷ USD
  • Thượng viện Mỹ sửa điều khoản "Người Mỹ dùng hàng Mỹ"