Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mỹ xin lỗi vụ cố tình lây bệnh giang mai cho người Guatemala

Hôm 1-10, (sáng 2-10 giờ VN), chính quyền Mỹ đã lên tiếng xin lỗi Guatemala về xìcăngđan các bác sĩ Mỹ cố tình truyền bệnh giang mai cho khoảng 1.600 người Guatemala để nghiên cứu y học trong thập niên 1940.
 

 
Tổng thống Barack Obaam đã gọi điện cho Tổng thống Guatemala
Alvaro Colom để xin lỗi và cam kết sẽ mở cuộc điều tra vụ việc - Ảnh: CNN

Hãng tin CNN đưa tin người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs mô tả vụ việc “gây sốc nặng” và là một “bi kịch lớn”.
Trong một tuyên bố chung, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Y tế Kathleen Sebelius khẳng định đó là một nghiên cứu ghê tởm, và nói lời xin lỗi các nạn nhân dù 64 năm đã trôi qua.
CNN cho biết trước đó Tổng thống Barack Obama đã gọi điện cho Tổng thống Guatemala Alvaro Colom để xin lỗi và cam kết sẽ mở cuộc điều tra vụ việc. Ông Colom mô tả nghiên cứu gây sốc này là “tội ác chống lại loài người” và là “sự xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng”. 
  

 
Tổng thống Guatemala Alvaro Colom mô tả nghiên cứu của Mỹ là
"tội ác chống lại loài người" - Ảnh: Getty Images

Trong các năm 1946-1948, các chuyên gia y tế Mỹ đã cố tình truyền bệnh giang mai và bệnh lậu cho hơn 1.600 người Guatemala, trong đó có nhiều tù nhân và bệnh nhân tâm thần, để nghiên cứu khả năng kháng bệnh của penicillin, một loại thuốc mới hồi đó.
Theo BBC, vụ việc bị đưa ra ánh sáng trong thời gian gần đây khi nhà nghiên cứu Đại học Wellesley là Susan Reverby tìm thấy các tài liệu liên quan đến cuộc nghiên cứu khi bà đang tìm hiểu một nghiên cứu tương tự ở Alabama, được thực hiện từ năm 1932-1972.
Bà Reverby khẳng định các bằng chứng cho thấy Viện Y tế quốc gia Mỹ đã cung cấp vốn cho nghiên cứu  này, và chính quyền Guatemala thời đó đã cho phép các bác sĩ Mỹ biến người dân Guatemala thành chuột thí nghiệm.
 

 

(Theo HIẾU TRUNG /Tuổi Trẻ)

  • Thị trường việc làm Mỹ vẫn còn u ám
  • Nhà Trắng thành Nhà “xanh”
  • Nhà Trắng che chắn thông tin
  • Hàng triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng ở Trung Mỹ
  • Brazil sắp có cảng biển tầm cỡ thế giới
  • Ba tháng hay bốn tháng?
  • Sản xuất của Mỹ giảm lần đầu sau 1 năm
  • Mỹ ra mắt thiết bị kiểm tra an ninh sân bay mới