Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Năm 2011: Kinh tế Mỹ sẽ hồi phục mạnh hơn

Theo Công ty nghiên cứu thị trường thế chấp và kinh tế Fannie Mae, sự cải thiện về chi tiêu và niềm tin tiêu dùng, sự gia tăng cầu về hàng hóa và dịch vụ sẽ là nhân tích cực cho triển vọng kinh tế Mỹ.

Dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2011 đã được nâng lên mức 3,4% so với mức 2,9% trước đó, nhờ sự cải thiện của thị trường lao động, dù có kết quả không mấy sáng sủa trong tháng 11 đầu năm 2010; lý do thứ hai là thị trường nhà đất sẽ tốt lên.

"Bất chấp lãi suất vay thế chấp vẫn cao, doanh số bán nhà sẽ tốt hơn dự báo trước đây, nhờ triển vọng kinh tế và thị trường lao động tốt hơn", Doug Duncan, kinh tế trưởng của Fannie Mae, công ty môi giới bất động sản lớn nhất tại Mỹ nhận định.

Irwin Kellner, kinh tế trưởng của MarketWatch cho rằng, kinh tế có hồi phục tốt hơn trong năm 2011 hay không vẫn là vấn đề tranh cãi giữa các nhà kinh tế, vì hiện cán cân "tin tốt" và "tin xấu" dường như vẫn là 50:50.

Việc tiếp tục chính sách miễn giảm thuế của Chính quyền tiền nhiệm Bush thêm 2 năm, gia tăng ích lợi xã hội, cùng với giảm thuế thu nhập, chính sách tiền tệ nới lỏng, đồng USD yếu thúc đẩy xuất khẩu…, sẽ có tác dụng tích cực đối với sự hồi phục kinh tế Mỹ.

Người tiêu dùng đang tiết kiệm và đã thanh toán được nhiều khoản nợ của họ. Kết hợp điều này với nhu cầu bị nén lại (do lo ngại suy thoái kinh tế kéo dài), nhiều khả năng sẽ có sự gia tăng mạnh về chi tiêu trong thời gian tới, trước khi tỷ lệ thất nghiệp giảm.

Với doanh nghiệp, nhu cầu đầu tư vào công nghệ mới để cắt giảm chi phí và cạnh tranh tốt hơn sẽ tạo ra những khoản lợi nhuận tốt.

Đại suy thoái đã thực sự kết thúc và kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại mức của thời kỳ trước khủng hoảng giai đoạn 2008 - 2009.

Nếu chỉ có những tin tốt này, triển vọng kinh tế sẽ là rất sáng sủa, nếu không nói là rất mạnh.

Tuy nhiên, không phải mọi người đều đã mừng. Thỏa thuận gần đây của Chính phủ Mỹ trong việc giải quyết các bất đồng về chính sách thuế đã khiến nhiều nhà kinh tế kiểm tra lại giả thiết của họ về triển vọng kinh tế năm 2011. Và kết luận của họ là kinh tế chỉ tốt hơn chút ít.

Hiện vẫn có sự khác biệt dự báo mức tăng trưởng kinh tế giữa 2,5% và 3,5% trong năm 2011 của nước Mỹ. Vài tuần trước, một nhà kinh tế cao cấp của chính phủ Mỹ dự báo tăng trưởng 2,6% cho năm sau, mức tăng là chưa đủ để khiến các bộ phận khác của nền kinh tế chuyển động.

Bây giờ, một điều tra khác đối với các nhà kinh tế được tiến hành bởi Wall Street Journal cho kết quả kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2011. Lý do của sự lạc quan hơn là thỏa thuận miễn giảm thuế sẽ giúp tầng lớp trung lưu cải thiện thu nhập, thúc đẩy chi tiêu.

Nhều người nghĩ rằng, giảm thuế sẽ làm thâm hụt ngân sách tăng lên trong dài hạn, nhưng tăng trưởng kinh tế nhanh hơn sẽ là phương thuốc tốt nhất cho vấn đề thâm hụt ngân sách (được bù đắp bởi nguồn thu nhiều hơn từ thuế).

Trong số các số liệu kinh tế vĩ mô, thất nghiệp hiện có vẻ được quan tâm hơn cả. Tin tốt là thời kỳ sa thải hàng loạt đã kết thúc. Tin xấu là rất khó để các công ty lớn có kế hoạch tuyển dụng rầm rộ trong năm 2011.

Vài tháng tới sẽ là rất quan trọng. Các công ty có xu hướng thiết lập kế hoạch vào tháng 1. Khi mà tiền mặt đang nhiều và triển vọng kinh tế sáng sủa hơn, thời điểm tăng việc làm cuối cùng rồi sẽ tới, nhưng không nên hy vọng nhiều.

Nhìn lại thập niên 1990, thất nghiệp đạt đỉnh vào tháng 6/1992 ở mức 7,8% và kết thúc năm ở 7,4%. Trong 2 năm sau đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh, nhưng vẫn đứng ở mức khoảng 5% trong vài năm trước khi giảm tiếp trong các năm cuối thập kỷ đó.

Theo "quy luật" đó, tỷ lệ thất nghiệp ngày nay có thể giảm xuống 9% (vẫn cao) vào cuối năm 2011 và 7% vào cuối năm 2013, rất khó xuống 5% trong các năm tiếp theo. Tỷ lệ thất nghiệp 7% vẫn là con số khiến tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn.

Trong khi đó, giá dầu vẫn đang từ từ tăng lên mức 90 USD/thùng những ngày gần đây, so với mức 151 USD/thùng khi khủng hoảng kinh tế xảy ra. Các nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung Quốc hay Brazil đang là những nhà tiêu thụ dầu mỏ lớn và bất cứ sự tăng lên nào về cầu có thể dẫn tới căng thẳng về cung. Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, nhu cầu dầu mỏ sẽ là 88,8 triệu thùng/ngày trong năm 2011, tăng 260.000 thùng/ngày so với dự báo gần đây.

Forecast.org dự báo, giá dầu sẽ tăng lên 106 USD/thùng vào tháng 7 tới. Nếu trở thành sự thật, người tiêu dùng và nhiều ngành công nghiệp sẽ chịu sức ép đáng kể khi giá dầu tăng thêm hơn 20% trong năm tới.

Giá dầu cao và giá các loại hàng hóa khác cao sẽ khiến sức mua giảm, làm chi phí vay thế chấp tăng. Các ngân hàng đang căng thẳng về vốn sẽ không hào hứng cho vay, khi họ vẫn đang trong quá trình hồi phục. Cuối cùng, thâm hụt ngân sách cao sẽ khiến tăng thuế và cắt giảm chi tiêu chính phủ sau này, một tin không tốt với tiêu dùng, vốn chiếm phần lớn trong tăng trưởng kinh tế Mỹ.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)