Bên trong một nhà máy của Caterpillar. Trong 5 năm qua, doanh thu xuất khẩu máy móc của công ty Mỹ này sang Nga đã đạt 2 tỷ USD - Ảnh: New York Times. |
Sau gần hai thập kỷ đàm phán, Nga cuối cùng đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 22/8. Hàng rào thương mại được hạ thấp khi Nga vào WTO sẽ mở ra những cơ hội làm ăn mới ở Nga cho các công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, báo New York Times cho biết, các doanh nghiệp Mỹ không được đảm bảo những lợi thế như vậy ở Nga. Thậm chí, một số công ty Mỹ thậm chí có thể chịu mức thuế quan cao hơn so với đối thủ đến từ các nước khác.
Lý do nằm ở chỗ, do những lo ngại về sự hậu thuẫn của điện Kremlin dành cho các lực lượng đối lập với Mỹ, chẳng hạn các chính phủ Siri và Iran, Quốc hội Mỹ đã phản đối đề nghị của chính quyền Tổng thống Obama trao cho Nga địa vị quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn. Địa vị này là quan trọng vì WTO yêu cầu bất kỳ nước nào muốn được hưởng lợi ích từ tổ chức này phải áp dụng cùng quy tắc thương mại cho tất cả các quốc gia thành viên.
Các công ty lớn của Mỹ xuất khẩu hàng hóa sang Nga như Caterpillar, Deere và General Electric (GE) đều cảm thấy lo ngại về ảnh hưởng có thể xảy ra đối với hoạt động kinh doanh của họ chừng nào Quốc hội Mỹ còn chưa trao cho Nga địa vị quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn.
Trở thành thành viên WTO, Nga sẽ hạ thuế quan nhập khẩu xuống còn 7% từ mức khoảng 15% hiện nay cho tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, áp dụng đối với 155 quốc gia thành viên của tổ chức này. Mặc dù các quan chức Nga cho biết họ chưa có ý định trước mắt áp dụng thuế quan phân biệt đối xử với các công ty Mỹ, họ có thể làm vậy vào bất kỳ lúc nào.
Nga là nền kinh tế lớn cuối cùng trở thành thành viên của WTO. Địa vị thành viên WTO được kỳ vọng là sẽ giúp ích nhiều cho người tiêu dùng và các công ty của Nga. Các công ty xuất khẩu ở châu Âu, châu Á và Mỹ đều đã cùng chờ đợi đến lúc tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường 142 triệu dân, thu nhập gia tăng và tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh của xứ sở bạch dương.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, địa vị thành viên WTO sẽ bổ sung thêm 3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của Nga ngay khi các mức thuế quan mới được áp dụng.
Nga đã đàm phán gia nhập WTO suốt 18 năm, bắt đầu tư khi WTO còn được gọi là Thỏa thuận chung về Thuế quan và Thương mại. Quá trình đàm này dài hơn bất kỳ thời gian đàm phán gia nhập WTO của thành viên nào khác, bao gồm cả Trung Quốc, nước mà địa vị quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn cũng gây ra tranh cãi ở Quốc hội Mỹ. Các tổng thống Mỹ Clinton, Bush và Obama đều ủng hộ sự gia nhập của Nga vào WTO. Năm ngoái, Nga đã được vào WTO và địa vị thành viên chính thức vừa được trao cho nước này.
Sau khi Nga vào WTO, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có thể thông qua tổ chức này trong việc giải quyết tranh chấp thương mại với Nga và có thể yêu cầu mức thuế quan thấp hơn, ưu đãi hơn như đã được đàm phán trong quá trình Nga xin gia nhập WTO.
Các nghị sỹ Mỹ phản đối việc cấp cho Nga địa vị quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn cho rằng, làm vậy chẳng khác gì làm ngơ trước việc Nga hậu thuẫn các chính phủ Iran và Siri. Ngoài ra, họ cũng cho rằng, xuất khẩu sang Nga chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. Bên cạnh đó, các công ty Mỹ cũng được bảo vệ bởi một hiệp ước thương mại song phương ký hồi năm 1992 trong đó đảm bảo công ty Mỹ đối xử bình đẳng tại Nga như công ty đến từ các nước khác, mặc dù thỏa thuận này thiếu cơ chế hiệu lực của WTO.
Đối với những công ty Mỹ xuất khẩu nhiều sang Nga, sự trì hoãn của Quốc hội Mỹ có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Đầu năm nay, nhiều giám đốc điều hành ra điều trần trước Quốc hội Mỹ đã nói rằng, thị phần của họ tại Nga, việc làm tại các nhà máy, trung tâm nghiên cứu và phát triển, cũng như văn phòng tại Mỹ sẽ chịu tác động bất lợi.
Đối với một số loại hàng hóa, mức thuế quan mới của Nga sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Ở một số ngành khác, như ôtô và sản xuất công nghiệp, thuế quan sẽ giảm dần trong thời gian lên tới 7 năm.
Bà Yekaterina Y. Mayorova, Phó giám đốc bộ phận đàm phán thương mại thuộc Bộ Kinh tế Nga, đợt giảm thuế quan có hiệu lực từ tuần này sẽ không phân biệt đối xử đối với các công ty Mỹ. “Chúng tôi không chẩn bị mức thuế đặc biệt nào cho Mỹ, mặc dù về mặt luật mà nói, chúng tôi không bắt buộc phải làm thế”, bà Mayorova nói.
Tuy nhiên, theo báo New York Times, địa vị thành viên WTO rõ ràng đang đặt nhiều công ty lớn của Mỹ vào thế rủi ro khi cạnh tranh với các đối thủ châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… chừng nào Washington còn chưa trao cho Moscow địa vị quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn.
Nga, quốc gia phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực khai mỏ và năng lượng, là một trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của hãng máy công nghiệp Caterpillar. Trong 5 năm qua, doanh thu xuất khẩu máy móc của công ty Mỹ này sang Nga đã đạt 2 tỷ USD.
Khi Nga vào WTO, mức thuế đánh vào các mặt hàng xe cộ nhập khẩu sẽ giảm xuống 5% từ mức 15%. Tùy thuộc vào kích cỡ, những chiếc xe tải dùng trong ngành khai mỏ của Caterpillar có giá từ 1-7 triệu USD. Có nghĩa là, Chính phủ Nga có thể yêu cầu Caterpillar nộp thuế quan cao hơn 100.000-700.000 USD so với mức thuế mà công ty Nhật Komatsu phải nộp.
Ngoài ra, Caterpillar cũng sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ Shantui của Trung Quốc hay Leibherr của Đức tại thị trường Nga.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com