Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những nghề lương cao nhất ở Mỹ năm nay

Mức lương là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định hướng đi nghề nghiệp của mỗi người. Bằng cấp có thể quyết định mức lương và vị trí của người lao động, nhưng trong số những công việc lương cao nhất ở Mỹ năm nay, không phải công việc nào cũng đòi hỏi bằng cấp cao.

Dưới đây là 15 công việc được trả cao nhất ở Mỹ năm 2012 được trang CNBC giới thiệu dựa trên số liệu do Cục Thống kê Lao động nước này (BLS) công bố mới đây. Trong danh sách này đương nhiên không thể thiếu những nghề như luật sư, nha sĩ hay giám đốc điều hành (CEO).

15. Dược sỹ
 


Mức lương trung bình mỗi năm: 112.160 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: 272.320

Các dược sỹ không chỉ chịu trách nhiệm cung cấp thuốc theo đơn cho bệnh nhân mà còn cung cấp thông tin giúp bệnh nhân tránh được tác dụng phụ của thuốc, điều chỉnh liều dùng thuốc cho phù hợp. Phải theo học 4 năm để có bằng dược sỹ chuyên nghiệp ở Mỹ. Ngoài ra, để được cấp phép hành nghề, dược sỹ phải vượt qua hai kỳ thi. Những tiểu bang mà dược sỹ hưởng lương cao nhất ở Mỹ là những bang cư dân sống phân tán như Alaska, Maine và California.



14. Kiểm soát viên không lưu


Mức lương trung bình mỗi năm: 114.460 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: 23.580

Kiểm soát viên không lưu làm công việc điều tiết giao thông đường không, quản lý chuyển động của máy bay ở các độ cao và khu vực khác nhau, đảm bảo những yêu cầu an toàn ngặt nghèo. Để trở thành kiểm soát viên không lưu, đòi hỏi phải có bằng tương ứng từ một trường được phê chuẩn bởi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), đạt đủ điểm trong kỳ thi tuyển dụng của FAA, và hoàn thành một khóa đào tạo của Học viện FAA. Những bang có mật độ kiểm soát viên không lưu cao nhất nhất ở Mỹ là Alaska, New Hampshire và New Mexico. Tuy nhiên, Alaska lại là bang trả lương thấp nhất cho những người làm nghề này, với chỉ 96.270 USD/năm, so với mức trung bình toàn quốc là 114.460 USD/năm.



13. Quản lý bán hàng


Mức lương trung bình mỗi năm: 116.860 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: 328.230

Quản lý bán hàng là những người làm công việc lên kế hoạch, chỉ đạo và điều phối việc phân phối sản phẩm và dịch vụ tới khách hàng. Công việc này đòi hỏi sự hiểu biết thị trường, khả năng phân tích các thống kê doanh số và theo dõi những sở thích của khác hàng. Bằng cử nhân sẽ là một lợi thế cho những ai muốn trở thành quản lý bán hàng. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng đòi hỏi quản lý bán hàng phải có bằng đại học. California là bang có mật độ quản lý bán hàng cao nhất, bình quân cứ 1.000 công việc ở bang này thì có 3,79 công việc quản lý bán hàng. Tuy nhiên, New York mới là bang có lương quản lý bán hàng cao nhất, 169.710 USD/năm.



12. Phi công, phụ lái và kỹ sư phụ trách chuyến bay


Mức lương trung bình mỗi năm: 118.070 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: 68.350

Đây là những người chịu trách nhiệm về số phận của toàn bộ hành khách, phi hành đoàn và hàng hóa trên chuyến bay. Tuy được trả hậu hĩnh, nhưng đây là một trong những nghề nhiều áp lực nhất ở Mỹ, với những chuyến bay dài và trách nhiệm nặng nề. Hai thành phố có nhiều phi công, phụ lái và kỹ sư phụ trách chuyến bay nhất ở Mỹ là Anchorage, bang Alaska và Salt Lake City, bang Utah.



11. Quản lý tài chính



Mức lương trung bình mỗi năm: 120.450 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: 477.690

Quản lý tài chính có thể phải làm nhiều nhiệm vụ bao gồm lên kế hoạch, chỉ đạo, điều phối các công việc kế toán, đầu tư, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và các công việc khác tại chi nhánh, văn phòng hay bộ phận công ty. Những người làm công việc này thường phải có bằng cử nhân và 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính như nhân viên tín dụng, kế toán, kiểm toán viên, nhân viên đại lý chứng khoán, phân tích tài chính… Những bang có mật độ các nhà quản lý tài chính cao nhất ở Mỹ là District of Columbia, Connecticut, Massachusetts, New Jersey và Rhode Island.



10. Chuyên gia tâm lý về công nghiệp-tổ chức


Mức lương trung bình mỗi năm: 124.160 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: 1.230

Công việc này tập trung vào nhiệm vụ áp dụng các quy tắc về tâm lý cho nơi làm việc,quản lý nguồn nhân lực, quản trị, quản lý, bán hàng và tiếp thị. Các nhà tâm lý dạng này giúp định hình chính sách, đào tạo nhân viên, thực hiện các phân tích về tổ chức, làm việc cùng với cấp quản lý để cải thiện năng suất lao động. Đây là nghề ít gặp ở Mỹ, và để làm được nghề này, nhà tâm lý học cần có bằng thạc sỹ, chuyên gia và bác sỹ tâm lý, đồng thời còn phải có cả giấy phép hành nghề.



9. Quản lý máy tính và hệ thống thông tin


Mức lương trung bình mỗi năm: 125.660 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: 300.830

Nhiệm vụ hàng đầu của các nhà quản lý máy tính và hệ thống thông tin là điều phối các hoạt động trong xử lý dữ liệu, hệ thống thông tin, phân tích hệ thống và lập trình máy tính. Nhìn chung, công việc này đòi hỏi bằng cử nhân khoa hoạch máy tính hoặc lĩnh vực tương tự, cộng thêm 5 năm kinh nghiệm. Lĩnh vực nơi các nhà quản lý máy tính và hệ thống thông tin được trả cao nhất là lĩnh vực video và hình ảnh động. Địa phương có mật độ tập trung cao nhất của các nhà quản lý máy tính và hệ thống thông tin tại Mỹ là Washington DC.



8. Quản lý tiếp thị



Mức lương trung bình mỗi năm: 126.190 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: 168.410

Các nhà quản lý tiếp thị có nhiệm vụ chính là tổ chức chính sách và các chương trình tiếp thị, đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm và dịch vụ của công ty. Ngoài ra, họ còn là người nhận diện khách hàng mới, phát triển chiến lược giá và tìm cách tối đa hóa lợi nhuận cũng như thị phần cho công ty. Vị trí này không đòi hòi bằng cấp, nhưng có bằng cử nhân sẽ được ưu tiên hơn. Địa phương nơi các công ty trả lương quản lý tiếp thị cao nhất ở Mỹ là Framingham thuộc Massachusetts.



7. Quản lý khoa học tự nhiên


Mức lương trung bình mỗi năm: 128.230 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: 47.510

Các nhà quản lý khoa học tự nhiên là người lên kế hoạch, chỉ đạo hoặc điều phối các hoạt động về khoa học đời sống, khoa học thể chất, toán và các lĩnh vực liên quan tới khoa học khác. Họ làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm nghiên cứu và phát triển (R&D), dược phẩm, nông nghiệp, và thậm chí là trong chính phủ. Công việc này đòi hỏi ít nhất phải có bằng cử nhân về khoa học tự nhiên hoặc lĩnh vực liên quan. Phần lớn các nhà quản lý khoa học tự nhiên đều làm công việc của nhà khoa học trước khi trở thành nhà quản lý. Hai thành phố có mật độ cao nhất người lao động làm công việc này ở Mỹ là Durham-Chapel Hill, Bắc Carolina và Olympia, Washington.



6. Quản lý kiến trúc và xây dựng


Mức lương trung bình mỗi năm: 129.350 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: 184.530

Nhà quản lý kiến trúc và xây dựng làm công việc lên kế hoạch, điều phối và chỉ đạo các hoạt động về kiến trúc và xây dựng, bao gồm cả nghiên cứu và phát triển (R&D) trong ngành này. Phần lớn công việc của họ được thực hiện trong văn phòng. Vị trí này đòi hỏi bằng cử nhân và ít nhất 5 năm kinh nghiệp. Theo dự báo của BLS, nhu cầu đối với các nhà quản lý kiến trúc và xây dựng sẽ tăng thêm 9% trong thời gian từ 2010-2010, thấp hơn mức tăng trung bình của mọi ngành nghề. Những lĩnh vực trả cao nhất cho các nhà quản lý kiến trúc và xây dựng là vận chuyển dầu thô bằng đường ống, sang chiết dầu khí. Bang Alaska là tiểu bang nơi nghề này được trả cao nhất.



5. Luật sư


Mức lương trung bình mỗi năm: 130.490 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: 570.950

Để thành luật sư ở Mỹ, bạn phải theo học 7 năm và phải vượt qua một kỳ thi nghề nghiệp. Công việc của luật sư là đại diện cho khách hàng trong các vụ kiện hình sự và dân sự, soạn thảo các tài liệu và tư vấn khách hàng về các vấn đề luật pháp. Luật sư làm việc trong lĩnh tư nhân thường được trả cao hơn trong lĩnh vực công cộng. Những lĩnh vực mà luật sư ở Mỹ được trả cao nhất là khai thác năng lượng (dầu khí và than) và sản xuất ôtô. Địa phương nơi các luật sư Mỹ được hưởng lương hậu nhất là District of Columbia.



4. Kỹ sư dầu khí


Mức lương trung bình mỗi năm: 138.980 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: 30.880

Ngành dầu lửa đang phát triển mạnh và những kỹ năng đặc biệt đòi hỏi đối với kỹ sư dầu khí là lý do phía sau mức lương cao ngất của nghề này. Kỹ sư dầu khí làm công việc phát triển kế hoạch khai thác dầu khí, sản xuất, điều chỉnh công cụ, giám sát công tác khoan tìm và cung cấp tư vấn kỹ thuật. Những bang có mật độ kỹ sư dầu khí tại Mỹ là bang Texas, Oklahoma và Louisiana.



3. Giám đốc điều hành (CEO)


Mức lương trung bình mỗi năm: 176.550 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: 267.370

Đứng đầu công ty, nhưng các CEO chỉ đứng thứ ba trong bảng xếp hạng các nghề  lương cao nhất ở Mỹ. Họ là những người chịu trách nhiệm về hoạch định chính sách, điều phối các công việc kinh doanh, lên kế hoạch về đường lối chung của công ty hoặc tổ chức. Bằng cấp của CEO tùy thuộc vào kỳ vọng của từng công ty, nhưng ít nhất CEO phải có bằng cử nhân và nhiều kinh nghiệm làm việc. Những thành phố Mỹ nơi CEO được trả cao nhất là Stamford bang Connecticut, Columbus bang Indiana và Medford bang Oregon.



2. Nha sỹ


Mức lương trung bình mỗi năm: 161.750 USD - 204.670 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: 101.400

Nhu cầu cao đối với các dịch vụ thăm khám và điều trị các vấn đề về răng và nướu đã đưa nha sỹ trở thành nghề có lương cao thứ nhì ở Mỹ năm nay. Tiểu bang mà các nha sỹ được trả lương cao nhất năm nay là bang New Hampshire, tiếp đó là bang Deleware.



1. Bác sỹ và chuyên gia phẫu thuật


Mức lương trung bình mỗi năm: 168.650 USD - 234.950 USD
Số lao động được sử dụng hiện tại: hơn 618.000

Bác sỹ và chuyên gia phẫu thuật thường xuyên đứng đầu bảng danh sách những nghề lương cao nhất ở Mỹ. Nghề này đòi hỏi thời gian đào tạo kéo dài. Mỗi bác sỹ phải theo học 8 năm, thực tập trong thời gian 3-8 năm tùy thuộc lĩnh vực chuyên môn. Trong số các bác sỹ, thì bác sỹ gây mê là những người được trả cao nhất, với mức lương 234.950 USD/năm. Các bang mà bác sỹ được trả cao nhất ở Mỹ là Arkansas, Iowa và Nevada.

(Theo Vneconomy)

  • 25 dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ không phải quốc gia số 1 thế giới
  • Khu chợ kỳ quặc nhất thế giới: Mua đồ ăn bằng... rác
  • Người Mỹ ngày càng chuộng hàng 'Made in China'
  • Venezuela chính thức là nước nhiều dầu nhất thế giới
  • Dân Mỹ “đánh rơi” 39% tài sản vì suy thoái
  • Đối thủ của Obama nói gì về chính sách đối ngoại Mỹ?
  • Vì sao Nga tập trung đối nội?
  • Mỹ: Những ngành kinh doanh thất thế