Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nghịch cảnh thị trường nhà đất Mỹ

Dường như tại Mỹ đang tồn tại hai thị trường bất động sản: một thị trường cho người giàu và khách hàng ngoại quốc, một thị trường dành cho những người dân thường.
 
Tại Mỹ, bất động sản cao cấp đang là phân khúc phát triển mạnh mẽ hơn cả trên thị trường
 

Theo lẽ thường, hai phân khúc này sẽ tăng hoặc giảm cùng nhau. Song hiện giờ, chúng đang diễn biến theo hai chiều hướng trái ngược. Tại phân khúc xa xỉ, thời kỳ suy thoái giờ đã là dĩ vãng, doanh số và giá cả đều tăng lên từng ngày. Thế nhưng với phần còn lại, tình hình đang ngày một xấu đi. Ở Mỹ, giá các bất động sản từ 1 triệu USD trở lên đã tăng 0,7% kể từ tháng 2. Còn nhà đất dưới 1 triệu USD lại mất giá hơn 1,5%.

Tại khu dân cư sang trọng Birmingham, ngoại ô Detroit (bang Michigan), các ngôi biệt thự trị giá hàng triệu USD đang bán đắt như tôm tươi. Doanh số loại bất động sản này trong tháng 8 đã tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Zillow.com, thị trường của những ngôi nhà có bếp ngoài trời, khu spa trong nhà, phòng ngủ và nhà tắm có kích cỡ bằng cả một ngôi nhà nhỏ chỉ dành cho 1,5% dân số Mỹ.

Kinh tế trưởng Stan Humphries của Zillow.com nhận xét: “Hiện tại, bất động sản cao cấp là phân khúc phát triển mạnh mẽ hơn cả trên thị trường.”

Chỉ cách đó 15 dặm, tại quận Green Acres, thành phố Detroit, một ngôi nhà bằng gạch có 3 phòng ngủ xây theo phong cách Tudor gần đây chỉ được bán với giá 6.000 USD – tương đương với giá trong thời kỳ Đại Suy thoái.

Một khu chung cư xây dựng năm 2007 tại San Jose, bang California, mới đây đã được chuyển sang cho thuê do không bán được căn hộ nào. Còn ở Miami – thành phố điển hình về tình trạng tịch thu tài sản, không thiếu những ngôi nhà hai phòng ngủ có cổng chung, sân golf, bể bơi riêng, và lối đi bộ người ta có thể sở hữu với giá 25.000 USD, thấp hơn 66% so với 5 năm trước.

Trên thị trường dành cho đa số người Mỹ, giá nhà đất đã sụt giảm ít nhất 30% kể từ đỉnh điểm năm 2007. Sự trượt dốc này thậm chí còn thảm hại hơn so với thời kỳ Đại Suy thoái. Một số người đã rao bán nhà suốt một năm nay mà không có ai để mắt tới.

Kể từ Thế chiến II, sau mỗi cuộc suy thoái, bất động sản luôn là mảng dẫn đầu phục hồi kinh tế. Nhưng giờ không phải vậy. Bất động sản xa xỉ khởi sắc không đủ để kích thích thị trường lấy lại được sinh khí ban đầu.

“Trong 20 năm hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tại nam Florida, tôi chưa bao giờ chứng kiến một sự phân chia sâu sắc như vậy”, Peter Zalewski, người sáng lập hãng bất động sản Condo Vultures, cho biết.

Trên khắp nước Mỹ, giá các căn hộ cao cấp đã giảm mạnh sau khi xảy ra khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008. Giá một biệt thự 25 triệu USD đã rớt xuống 20 triệu USD, rồi 15 triệu USD. Những món hời như vậy đang khuyến khích những người lắm tiền nhiều của mua vào.

Ngoài ra, còn có những yếu tố khác chi phối sức tăng trưởng mạnh mẽ của phân khúc xa xỉ. Tại Detroit, ngành xe hơi đang phục hồi cũng thúc đẩy doanh số bán bất động sản cao cấp. Ông chủ các hãng xe hơi giúp vực dậy ngành này tại Mỹ từng phải đi thuê nhà, nay họ dùng đến số tiền thưởng cho công lao của mình để tậu bất động sản.

Sự hồi phục của phố Wall cũng đem khách hàng đến cho thị trường biệt thự tại khu Hampton trên đảo Long Island, và khu nhà ở sang trọng tại thành phố New York. Ngoài ra, nhờ sự giàu có của những người sở hữu mạng xã hội tại thung lũng Silicon mà doanh số bán các căn hộ có giá từ 5 triệu USD trở lên đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Một yếu tố đáng kể gây ra tình trạng phân chia thị trường còn là dòng tiền ngoại quốc. Đối với khách hàng nước ngoài, bất động sản Mỹ là loại tài sản giá rẻ mới, đại hạ giá. Người nước ngoài đang là khách hàng chính của phân khúc nhà đất xa xỉ. Năm ngoái, 82 tỷ USD đã được họ chi ra để mua nhà tại đây, trong khi năm 2009 mới là 66 tỷ USD. Tại những bang như Florida, người nước ngoài chiếm đến 1/3 số vụ giao dịch, tăng từ 10% năm 2007.

“Bất động sản xa xỉ đang thu hút khách hàng từ khắp nơi trên thế giới”, Mark Fleming - kinh tế trưởng của hãng phân tích CoreLogic nói.
 
(Theo Vne)

  • Cuba coi tham nhũng là “kẻ thù của đất nước”
  • Kinh tế Mỹ trước mối họa “thập kỷ mất mát”
  • Lý do Tổng thống Mỹ quyết đánh thuế nhà giàu
  • Bất chấp khó khăn, tỷ phú Mỹ ngày càng giàu
  • Kinh tế Mỹ 10 năm sau vụ khủng bố 11/9
  • Mỹ: số người nghèo lên mức cao kỷ lục
  • Cận cảnh lễ tưởng niệm vụ tấn công khủng bố 11/9
  • Những công việc “dễ chết” nhất ở Mỹ