Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những dấu ấn trong năm đầu cầm quyền của đảng Dân chủ Mỹ

Người thất nghiệp xếp hàng chờ đăng ký xin  việc làm
TP New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
 Năm 2009 qua đi là  lúc sắp kết thúc năm đầu trong  nhiệm kỳ bốn năm của Chính phủ đảng Dân chủ Mỹ do Tổng thống B.Obama đứng đầu.
 
Sau tám năm trở lại  cầm quyền, Chính phủ  đảng Dân chủ  tiếp quản một đất nước đang chìm trong khủng hoảng tài chính-kinh tế và hai cuộc chiến tranh ở ngoài nước, nhưng có thuận lợi lớn trong việc hoạch định và thực thi chính sách là  đảng này nắm đa số tại cả hai viện của Quốc hội Liên bang.

Với chủ trương "thay đổi" nước Mỹ, trong một năm qua, Chính phủ của Tổng thống B.Obama đã đưa ra một số thay đổi trong chính sách đối nội và đối ngoại so với chính phủ của đảng Cộng hòa trước đây, tuy nhiên  trong những vấn đề quan trọng vẫn chưa có những chính sách khác, thậm chí còn được coi là tiếp tục chính sách cũ, như tiếp tục chi nhiều tiền để phục hồi ngành tài chính và nền kinh tế, tiếp tục đưa thêm binh sĩ tới chiến trường Afghanistan. Sự khác nhau có thể là trong việc tiếp cận và biện pháp xử lý một số vấn đề. Kết quả của các chính sách và sách lược mới chưa  được thấy rõ, song dư luận  thấy đã có những khó khăn và bất lợi mới  nảy sinh. Thí dụ,  tới thời điểm này, hàng loạt vấn đề nan giải  mà chính quyền tiền nhiệm để lại vẫn chưa được giải quyết. Tỷ lệ ủng hộ ông Obama đã giảm từ mức hơn 70% hồi ông mới bước chân vào Nhà trắng xuống còn 50%. Rạn nứt xuất hiện trong nội bộ đảng Dân chủ và những trở ngại mới phát sinh đối với vị tổng thống da mầu đầu tiên trong lịch sử Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.  Ngay sau khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ  ngày 4-11-2008 được công bố, người dân Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ sự hứng khởi và hy vọng sẽ có sự thay đổi ở cường quốc hàng đầu thế giới này. Bản thân ông B.Obama, trong đêm mừng chiến thắng của đảng Dân chủ tại Chicago, đã tuyên bố  rằng nước Mỹ đã bắt đầu thay đổi. Trong lễ nhậm chức ngày 20-1-2009, Tổng thống B.Obama  đưa ra những lời hứa hẹn và cam kết có những chính sách mới trong đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, sự hứng khởi đó dần dần bị mai một, hy vọng  bị nhạt phai.

Theo giới phân tích, ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ với quá nhiều "ván cờ lớn" mà chưa thấy cách kết thúc thắng lợi ra sao. Sáu hồ sơ lớn, đầy tham vọng của ông gồm: Trung Ðông, Triều Tiên, Afghanistan, cải tổ hệ thống y tế Mỹ, kế hoạch khắc phục suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu. Mỗi hồ sơ này đều liên quan việc cộng tác với nhiều đối tác, kiềm chế những đối thủ khác nhau, đòi hỏi không chỉ thời gian mà cả khả năng toàn diện của Mỹ trong bối cảnh nước Mỹ nay cũng đã có những hạn chế.

Cuộc khủng hoảng tài chính-ngân hàng và suy thoái kinh tế ở Mỹ tiếp tục trầm trọng và gây ra những hậu quả nặng nề và lâu dài, khiến ông Obama ngay sau khi chấp chính đã  phải đưa ra gói kích cầu kinh tế mới trị giá 787 tỷ USD. Ông tìm cách tạo ra sự lạc quan, động lực tinh thần vượt qua khủng hoảng, kêu gọi tăng cường giáo dục như một trụ cột trong nỗ lực phục hồi kinh tế.  Ông tuyên bố rằng, nền kinh tế Mỹ "đang đi đúng hướng". Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho rằng, trong quý III, nền  kinh tế Mỹ lần đầu đã có tăng trưởng, với tỷ lệ  3,5%. Tuy nhiên, Bộ này nêu rõ, tỷ lệ thất nghiệp liên tục tăng cao, sức tiêu dùng vẫn còn yếu...

Những tín hiệu tích cực phát ra từ Nhà trắng chưa đủ sức thuyết phục dư luận, chưa làm cử tri Mỹ lạc quan. Trên thực tế, trong nội bộ chính quyền và các giới tại Mỹ đang có những tranh luận và đánh giá khác nhau về hiện trạng của nền tài chính và kinh tế nước này. Những người lạc quan cho rằng, sự phục hồi kinh tế là rất mong manh, còn những khó khăn lớn, thậm chí cảnh báo nguy cơ suy thoái kép. Số đông người Mỹ hoài nghi về sự phục hồi bền vững của nền kinh tế. Cơ sở  là tình trạng thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức khổng lồ, tỷ lệ thất nghiệp cao, mức sống giảm sút... Tổng thống  B.Obama cho rằng, gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD đưa ra  hồi đầu năm sẽ giúp duy trì hơn một triệu việc làm. Nhưng, lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell chỉ trích, gói kích thích kinh tế lớn của Chính quyền Obama đã không kìm được tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 10% mà lại làm nhiều người mất việc làm. Người Mỹ muốn phục hồi nền kinh tế với điều kiện không có thêm thuế, không chi tiêu quá lớn và không mắc thêm nợ. Theo thông báo của Bộ Lao động, tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 10,2% hồi tháng 10, là  mức cao nhất trong vòng 26 năm qua.  Bộ Tài chính Mỹ thông báo, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã  tạo ra một kỷ lục mới trong lịch sử nước Mỹ. Năm tài khóa 2008- 2009 (kết thúc vào ngày 30-9) cũng xác lập một kỷ lục cao nhất trong 54 năm qua về mức thâm hụt ngân sách, lên tới 1.420 tỷ USD, tương đương 9,9% GDP,  tăng gấp hai lần  số thâm hụt năm 2002 và vượt mức thâm hụt ngân sách của  năm tài khóa 2007-2008  hơn 958 tỷ USD. Mức thâm hụt ngân sách năm tài chính 2009-2010 được dự báo là khoảng 1.500 tỷ USD. Bộ này cho biết, đến giữa tháng 11-2009, nợ công của nước này lên tới  12.104 tỷ USD,  lần đầu trong lịch sử đã vượt ngưỡng  cho phép  là 12 nghìn tỷ USD. Trong năm 2009, có thêm 120 ngân hàng Mỹ bị đóng cửa và phá sản, nhiều ngân hàng khác hoạt động kém hiệu quả. Chưa thấy có dấu hiệu phục hồi trong ngành tài chính-ngân hàng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tiếp tục giữ tỷ lệ lãi suất gần bằng "không" để tiếp tục kích thích sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm  tài chính 2008-2009 có tới hơn 49 triệu người Mỹ, khoảng 14,6% hộ gia đình, bị đứt bữa. Ðây là mức cao kỷ lục trong vòng 14 năm qua. Bên cạnh đó, khoảng 17,3 triệu người, tương đương với 5,7% hộ gia đình cũng đang rơi vào tình cảnh "an ninh lương thực cực thấp", nghĩa là các thành viên trong gia đình phải giảm khẩu phần ăn hằng ngày. Không chỉ vậy, khoảng 16,7 triệu trẻ em Mỹ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, nhiều hơn 4,3 triệu trẻ so với năm 2007.  Chủ tịch  FED Ben Bernanki cảnh báo, mặc dù nền kinh tế Mỹ đã có một số cải thiện, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định đây là sự phục hồi bền vững. Sẽ không có khả năng tăng trưởng nhanh chóng khi mà người dân vẫn lo ngại về vấn đề việc làm và tiếp cận hạn chế đối với tín dụng. FED đã đưa ra dự báo, có thể phải mất từ năm đến sáu năm để thị trường việc làm ở  Mỹ mới có thể quay trở lại mức bình thường. Tổng thống B.Obama coi vấn đề tạo việc làm và cải cách hệ thống y tế là những ưu tiên hàng đầu, sẽ  tổ chức một diễn đàn về lao động  vào thời gian tới để bàn biện pháp chống lại "căn bệnh thất nghiệp kinh niên".

Một số nhân vật cao cấp trong đảng Dân chủ  bày tỏ lo ngại, tình trạng thất nghiệp tăng cao, khó khăn kinh tế kéo dài, bế tắc trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan  có thể là những nhân tố khiến đảng Dân chủ  sẽ bị thua trong cuộc bầu cử Quốc hội  giữa kỳ vào tháng 11-2010. Sự lo ngại đó là có cơ sở. Trong nội bộ đảng Dân chủ đã có sự rạn nứt và bất đồng về chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ. Quá trình thành lập chính phủ đã xảy ra những trục trặc, kéo dài, thế nhưng trong những tháng qua đã có ba nhân vật cấp cao trong chính quyền  từ chức, trong đó có  cố vấn  pháp lý chủ chốt của Tổng thống Obama. Tại các cuộc bầu cử thống đốc tiểu bang hồi đầu tháng 11, đảng Cộng hòa giành ghế thống đốc tại cả hai bang Virginia  và New Jersey. Sự kiện này được báo chí Mỹ cho là "cú đấm chính trị" đối với  ông Obama, đe dọa vận mệnh của đảng Dân chủ.

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái  kinh tế cũng gây ra  khó khăn  và trở ngại lớn  cho Washington trong việc thực hiện các mục tiêu về an ninh và đối ngoại. Các chính quyền Washington trước đây thường đặt trọng tâm chính sách đối ngoại vào Trung Ðông, châu Âu, cuộc chiến  tranh ở Iraq và Afghanistan, rất ít khi quan tâm tới khu vực Ðông Á. Song, từ khi trở thành ông chủ Nhà trắng, ông Obama đã liên tục phát đi những tín hiệu sẽ thay đổi đường lối đối ngoại đơn phương của chính quyền G.Bush tiền nhiệm bằng chính sách ngoại giao tăng cường can dự với "quyền lực mềm", hợp tác đa phương nhằm đối phó những thách thức toàn cầu. Tổng thống Obama tuyên bố ưu tiên giải quyết vấn đề Afghanistan, rút hết quân khỏi Iraq, mang lại "làn gió mới" cho vấn đề Trung Ðông và vấn đề hạt nhân của Iran, "giang rộng cánh tay" với thế giới Hồi giáo, tìm cách mở rộng hợp tác với các nước  khu vực châu  Á - Thái Bình Dương trên những lĩnh vực có chung lợi ích, đóng cửa nhà tù ở Guantanamo chỉ trong 100 ngày...

Những tuyên bố của Tổng thống B.Obama về chính sách đối ngoại được cho là đáng quan tâm, nhưng đã và đang vấp phải sự phản kháng mạnh và khác nhau của quốc tế. Trong năm qua, ông Obama đã hai lần quyết định đưa thêm quân Mỹ tới chiến trường Afghanistan, nâng tổng số binh sĩ Mỹ tại nước này lên khoảng 100 nghìn người, nhiều gấp ba lần so với lúc ông vào Nhà trắng. Quyết định tiếp tục can dự sâu vào Afghanistan bằng giải pháp quân sự đã được chính dư luận phương Tây cho là "một canh bạc đắt giá" đối với ông Obama và gây ra sự chia rẽ trong đảng Dân chủ Mỹ. Ðể tạo điều kiện cho việc rút quân Mỹ khỏi Iraq, chính quyền Mỹ quyết định rút quân khỏi các thành phố, nhưng tình hình an ninh tại Iraq vẫn nghiêm trọng, hàng loạt vụ tiến công đẫm máu diễn ra mới đây ở ngay giữa Thủ đô Baghdad. Một số động thái ngoại giao của Washington trong nỗ lực mang lại "làn gió mới" cho cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran và cuộc xung đột giữa Palestine và Israel xem ra chưa làm giảm sức nóng ở những khu vực chiến lược này. Kế hoạch đóng cửa nhà tù của Mỹ ở Guantanamo diễn ra không như ý muốn của  người đứng đầu Nhà trắng.  Chính sách cơ bản đối với châu Á của chính quyền Obama là ưu tiên củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống, tiếp cận với Trung Quốc, tiếp xúc với CHDCND Triều Tiên, kiên trì chủ trương phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tích cực tiếp xúc với các nước Ðông - Nam Á. Bản thân Tổng thống Obama  cũng nói sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về sự can dự của Mỹ tại châu Á. Chuyến công du bốn nước châu Á, cuộc gặp cấp cao Mỹ-ASEAN lần đầu nhân Hội nghị cấp cao APEC tại Singapore của ông Obama được coi là phép thử quan trọng đối với chính sách hướng nhiều tới châu Á của Washington. 

Những phản ứng của thực tế trong nước Mỹ và quốc tế cho thấy, thời gian qua mới chỉ là những phép thử, những phản ứng ban đầu đối với chủ trương thay đổi nước Mỹ của chính quyền Obama. Nó cần nhiều thời gian và biện pháp tích cực của chính quyền Mỹ, và bản thân người đứng đầu  Nhà trắng. Ðiều quan trọng nữa  là, sự tiến triển của chủ trương này  tùy thuộc vào phản ứng của các bên đối tác, các bên liên quan và môi trường quốc tế.

Năm 2010 được dự báo sẽ vẫn là một năm thử thách đầy sóng gió đối với vị tổng thống da mầu và đảng Dân chủ cầm quyền mà phép thử lớn đối với những chính sách và vị trí của đảng này sẽ là cuộc bầu cử Quốc hội liên bang giữa kỳ vào cuối năm 2010. Khi đó, đảng Cộng hòa đối lập sẽ nhắm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, nạn thất nghiệp và sự sa lầy tại cuộc chiến tranh ở Afghanistan để cải thiện vị trí của mình trên chính trường nước Mỹ.

(Theo Bao Nhandan)

  • Sức ép trong nước đè nặng Tổng thống Obama
  • Người Mỹ lướt mạng 13 tiếng mỗi tuần
  • Tuổi thọ trung bình của dân Mỹ là gần 78 năm
  • Cuba tiếp tục chính sách tiết kiệm trong năm 2010
  • Mỹ đóng cửa 140 ngân hàng từ đầu năm đến nay
  • Kinh tế Mỹ chính thức tăng trưởng 2,2% trong quý III
  • Mỹ tăng tốc, châu Á tăng trưởng
  • Thay ngựa giữa dòng ?