Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Niềm tin đảo chiều

 24h ngày 3-11 (giờ Việt Nam), sau một ngày bỏ phiếu, cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ của nước Mỹ đã tới hồi kết khi các kênh truyền hình và internet đồng loạt đưa tin đảng Cộng hòa đã giành được 240 ghế Hạ viện, vượt quá 218 ghế cần thiết để nắm đa số, qua đó chắc chắn giành quyền kiểm soát Hạ viện lần đầu tiên kể từ năm 2006.

Đảng Dân chủ chỉ giành được 184 ghế, mất 51 ghế so với trước bầu cử. Ngoài ra, dù để mất ít nhất 6 ghế tại Thượng viện vào tay đảng Cộng hòa (giành được 46 ghế), đảng Dân chủ (với 51 ghế) vẫn giữ được đa số tại cơ quan lập pháp này nhờ thắng lớn tại bang California và Virginia. Kết quả cho thấy đảng Dân chủ vẫn giành quyền kiểm soát tại Thượng viện. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1930 Quốc hội Mỹ chia đều cho 2 đảng. Việc đảng Cộng hòa "soán ngôi" của đảng Dân chủ trong Hạ viện đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp làm Chủ tịch Hạ viện của bà Nancy Pelosi và người thế chân bà Pelosi sẽ là Hạ nghị sĩ John Boehner sau khi Quốc hội mới nhóm họp vào năm tới. Rõ ràng, chiến thắng của đảng Con Voi (biểu tượng của đảng Cộng hòa) là một thất bại nghiêm trọng của đảng Con Lừa (đảng Dân chủ) và là cú đòn đau cho Tổng thống Mỹ Barack Obama. Bởi lẽ, giờ đây đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện, đồng nghĩa rằng khó khăn sẽ chồng chất đối với chính quyền của Tổng thống B.Obama. Nửa nhiệm kỳ còn lại của ông B.Obama sẽ là sự giằng co trong tiến trình lập pháp, là sự xáo trộn trong chương trình nghị sự, đặc biệt là trong chính sách đối nội.

Sự đảo chiều lần này cũng không phải là trường hợp duy nhất trong lịch sử gần đây của chính trường Mỹ. Theo truyền thống, các cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ thường gây khó khăn cho đảng nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng. Còn nhớ, với những sai lầm chiến lược do chính quyền Bush và đảng Cộng hòa gây ra sau 2 nhiệm kỳ khi đưa nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, cộng với việc sa lầy trong các cuộc chiến tranh tốn kém tại Iraq và Afghanistan, người dân Mỹ đã chán ngán đảng Cộng hòa. Đó cũng là thời điểm họ đặt trọn niềm tin vào đảng Dân chủ và người đại diện là Tổng thống B.Obama. Nhờ đó, 2 năm trước, đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát hai viện Quốc hội. Tuy nhiên, sau gần 2 năm kiểm soát Quốc hội của đảng Dân chủ và lễ nhậm chức của Tổng thống B.Obama, những hứa hẹn chính trị về sự phục hồi kinh tế đã không trở thành hiện thực như mong đợi của cử tri. Cương lĩnh "Thay đổi, chúng ta có thể" đã từng mang lại chiến thắng vang dội cho vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ hai năm trước xem ra chưa "thay đổi" được gì cho người dân xứ Cờ hoa. Hào quang chiến thắng rực rỡ năm 2008 đến nay đã nhạt dần, động lực ban đầu của đảng Dân chủ đã bị hụt hơi đâu đó. Cuộc thăm dò dư luận của Viện Gallup công bố gần đây cho hay đại đa số người Mỹ không hài lòng với tổng thống và bộ máy lập pháp. Hiện nay, tình hình kinh tế phục hồi chậm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao (9,6%), lạm phát leo thang, thâm hụt ngân sách lớn và những thất bại trong triển khai các chính sách đối ngoại như cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan, hay bế tắc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên... đã khiến cho cử tri Mỹ mất dần niềm tin vào chính quyền Obama. Lên nhậm chức khi chỉ số tín nhiệm luôn đạt mức hơn 70% và mang kỳ vọng của nước Mỹ nhưng giờ đây, tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho ông B.Obama chỉ còn 47%. Người Mỹ vốn thực dụng, họ chỉ nhìn vào túi tiền của chính họ. Khi những người thất nghiệp chưa tìm được việc làm, những người có việc làm vẫn nơm nớp nỗi lo trả nợ chứ chưa dám tính chuyện tiêu pha, thì nền kinh tế vẫn còn trì trệ. Cử tri Mỹ bầu chọn cho đảng Dân chủ và Tổng thống B.Obama vì niềm tin vào sự thay đổi đúng như khẩu hiệu tranh cử nhấn mạnh cần có. Tuy nhiên, chính những cái đầu thực dụng đó đã quay trở lại ủng hộ đảng Cộng hòa khi đã mất niềm tin vào những lời hứa của Tổng thống B.Obama và đảng Dân chủ.

Có thể thấy, kết quả bầu cử Hạ viện với phần thắng thuộc về đảng Cộng hòa thì tương lai của Tổng thống B.Obama và của nước Mỹ sẽ vô cùng khó khăn. Đảng Dân chủ đã mất khả năng thông qua các đạo luật theo ý muốn chủ quan của lãnh đạo đảng này tại Hạ viện. Tổng thống B.Obama đương nhiên sẽ gặp khó khăn rất nhiều trong việc giành được sự ủng hộ của Quốc hội đối với các văn bản luật từ Nhà Trắng. Nhìn lại những khó khăn mà Tổng thống B.Obama gặp phải lúc thông qua luật về cải cách y tế, khi đảng Dân chủ đang chiếm đa số tại cả hai viện, thì rõ ràng là từ nay, Tổng thống càng rất cần sự đồng thuận của đảng Cộng hòa. Có thể nói, bất cứ đạo luật nào được thông qua, đó sẽ là kết quả "mặc cả" giữa Tổng thống và các lãnh đạo của đảng Cộng hòa trong Quốc hội. Hơn thế, với các tín chỉ tương đối thấp sau bầu cử giữa nhiệm kỳ, tương lai về một nhiệm kỳ thứ hai cho Tổng thống B.Obama đang trở nên khó đoán định hơn.

Điều này làm cho người ta lo ngại về tương lai của nước Mỹ có thể sẽ tiếp tục suy yếu khi tập trung vào tranh đấu đảng phái chính trị mà không đưa ra được những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn. Tương lai của nước Mỹ lúc này trông chờ vào sự "thỏa hiệp" mang tính sống còn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Kết quả của sự "thỏa hiệp" ấy hy vọng sẽ mang lại một chiến lược phục hồi hiệu quả, duy trì vị trí số một của Mỹ trên thế giới.

( Theo Thùy Dương // Báo Hà nội mới Online )

  • Chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ tăng cao nhất 5 tháng
  • Mỹ - Hàn hủy tập trận
  • Giấc mơ Mỹ... tàn phai?
  • Các tập đoàn lớn của Mỹ đạt lãi lớn trong quý III
  • Mã hạt nhân của Tổng thống Mỹ từng mất trong nhiều tháng
  • QE2 và tỷ lệ thất nghiệp cao ở Mỹ
  • 9 nghề đang sa sút ở Mỹ
  • Canada thắt chặt quy định đầu tư nước ngoài