Qua một cuộc thăm dò của tờ Newsweek hồi tháng 9, cho thấy 63% người Mỹ nói rằng họ không nghĩ có thể duy trì được mức sống như hiện tại.
Dân Mỹ có những lý do chính đáng để lo ngại. Họ vừa vượt qua thời kỳ suy thoái trầm trọng nhất kể từ thời khủng hoảng kinh tế thế giới cho đến nay. Trong 16 tháng phục hồi, tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao hơn và nền kinh tế tiếp tục bộc lộ những dấu hiệu suy yếu mới.
Những công ty lớn của Mỹ, như IBM, Coca-Cola, PepsiCo, Google, Mirosoft, Apple, Intel và Caterpillar vẫn hoạt động thịnh vượng và trở thành khuôn mẫu của sự thành công. Các công ty đã phát triển trên toàn cầu, họ có 46% lợi nhuận ngoài nước Mỹ. Đơn cử như công ty Coca-Cola đang có mặt tại 206 quốc gia, với gần 80% lợi nhuận của công ty đến từ ngoài Hoa Kỳ. Đa phần công nhân của hãng là người nước ngoài. Những thành quả này có được là nhờ các yếu tố như uy tín, công nghệ mới và nguồn lao động chất lượng cao với giá thù lao hạ. Có nhiều công ty phải cắt giảm số công nhân tại quê nhà, nơi nhu cầu tiêu dùng yếu kém, đồng thời lại tuyển dụng thêm công nhân tại những thị trường nổi bật đang bùng nổ.
Trong khi những doanh nghiệp đang tìm đường phát triển với những thay đổi công nghiệp mới và toàn cầu hóa, thì ngược lại những người lao động bình thường ở Mỹ lại không được như thế. Nghĩa là vốn đầu tư và công nghệ đều đang chuyển động, nhưng nhân lực lao động thì không. Người lao động thường chỉ định cư ở Mỹ, vì đây là một trong những quốc gia trả thù lao cao nhất thế giới. Điều này gây khó khăn hơn cho tầng lớp lao động trung lưu ở Mỹ.
Trung Quốc và Ấn Độ đã và đang tăng cường thêm hàng trăm triệu công nhân mới vào thị trường lao động toàn cầu, sản xuất ra những hàng hóa và dịch vụ, so với các công nhân phương Tây, đồng lương của họ chỉ là một phần nhỏ so với thù lao của công nhân phương Tây. Những khác biệt này cho thấy sự cạnh tranh toàn cầu đang tạo nên chấn động lớn trong đời sống của dân Mỹ.
Mới đây, Tata Motors, công ty xe hơi khổng lồ của Ấn Độ vừa tung ra loại xe hơi Nano, có ngoại hình rất giống chiếc Smart của Mercedes-Benz có giá thành 22.000USD, nhưng xe Nano giá chỉ 2.400 USD/xe, lắp ráp thêm các phụ kiện an toàn và túi hơi, dự trù giá bán lẻ là 7.000 USD/xe ở Mỹ. Sự kiện này tạo nên áp lực về giảm giá đối với các công ty sản xuất xe hơi của Mỹ. Chẳng qua vì tuy Nano là một thương hiệu xe hơi toàn cầu, nhưng các bộ phận lắp ráp của nó đều được làm ở Ấn Độ với chi phí chỉ bằng 1/10 so với ở Mỹ. Sắp tới khi hãng Ford muốn làm những bộ phận xe hơi, liệu họ sẽ chọn Michigan hay ở Mumbai?
Vào những năm đầu thập niên 1950, nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ chiếm khoảng 60% tới 65% GDP. Nhưng bắt đầu từ đầu thập niên 1980, đối diện với mức phát triển kinh tế chậm hơn, tiêu dùng cá nhân của dân Mỹ vẫn tiếp tục tăng lên 70% GDP vào năm 2001, rồi dừng lại cho đến nay. Điều đáng tiếc là mức gia tăng tiêu dùng này không bắt nguồn từ sự gia tăng nguồn thu nhập, mà đúng hơn là do sự gia tăng tín dụng. Hiện nay một gia đình trung bình ở Mỹ có không ít hơn 13 thẻ tín dụng. Số nợ từ những hộ gia đình từ 680 tỷ USD năm 1974 đã leo tới 14 ngàn tỷ USD vào năm 2008. Khuôn mẫu này tự nó cũng được lập lại trong chính phủ, ở một mức độ lớn hơn nhiều. Nói chung, dân Mỹ muốn được giảm các sắc thuế nhưng phía chính phủ lại muốn tăng thêm.
Trong quyển Thiên anh hùng ca của Hoa Kỳ, xuất bản năm 1931, sử gia James Trulow Adams viết: “Kể từ ngày chúng ta trở thành một quốc gia độc lập cho đến nay, mỗi thế hệ đều chứng kiến sự vươn lên từ những người Mỹ bình thường để cứu vãn “giấc mơ Mỹ” trước những thế lực đe dọa lấn át nó”. Ngày nay, những thế lực đó đang thực sự tạo nên nhiều sức ép. Hy vọng lần này người Mỹ cũng sẽ vượt qua.
(Báo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com