Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quốc hội Mỹ làm căng với Trung Quốc về tỷ giá

Theo các nhà kinh tế Mỹ, định giá thấp đồng nhân dân tệ để giành lợi thế cho hàng xuất khẩu là chiến lược của Trung Quốc. Ảnh Reuters

Các nhà lập pháp Mỹ đã chỉ trích Tổng thống Barrack Obama đã không gây áp lực đủ mạnh với Trung Quốc về vấn đề đồng tiền, trong lúc họ chuẩn bị luật áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc.

Theo hãng tin AFP, khi ông Obama trở về mà không có bất kỳ cam kết nào của Trung Quốc về việc để cho đồng nhân dân tệ được linh hoạt hơn, các nhà lập pháp của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã gửi một bức thư tới Bộ Thương mại để yêu cầu tiến hành điều tra việc “Trung Quốc thao túng đồng tiền.”

Thượng nghị sĩ Charles Schumer của đảng Dân Chủ, đồng tác giả của bức thư trên với Thương nghị sĩ Lindsey Graham của đảng Cộng Hòa cho biết, đây là “bước đi cần thiết đầu tiên để tiến tới việc áp thuế nhập khẩu đáng kể lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Chính quyền Obama, cũng như chính quyền Bush trước đây, đã từ chối xem Trung Quốc là có hành động thao túng đồng tiền.

Theo ông Schumer “nếu cơ quan này xác định rằng việc thực thi chính sách tiền tệ của Trung Quốc có việc trợ cấp vi phạm các cam kết thương mại quốc tế, Trung Quốc có thể phải chịu những hình phạt nghiêm khắc”.

Các nhà lập pháp và một số tập đoàn sản xuất phê phán Bắc Kinh cố tình làm yếu đồng nhân dân tệ để nâng cao sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, yếu tố dẫn tới mức thâm hụt thương mại kỷ lục 268 tỉ đô la của Mỹ với Trung Quốc trong năm ngoái

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner hôm thứ Năm đã bị các nhà lập pháp chất vấn gay gắt về vấn đề đồng nhân dân tệ trong một phiên điều trần của Ủy ban kinh tế hỗn hợp, một trong những hoạt động lập pháp hiếm hoi có sự tham gia của thành viên cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ.

Cũng hôm thứ Năm vừa rồi, Ủy ban Xem xét Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, một cơ chế tham vấn cho Quốc hội, đã kêu gọi các nhà lập pháp xem xét các điều khoản pháp lý “có tác dụng bù đắp cho những tác hại mà nền kinh tế Mỹ phải gánh chịu do việc Trung Quốc thao túng đồng tiền.”

Ông Geithner cam đoan với các nhà lập pháp rằng ông tin tưởng Trung Quốc sẽ để cho đồng tiền của mình linh hoạt hơn khi dẫn lời một cam kết của Bắc Kinh hứa sẽ cho phép đồng nhân dân tệ có sự biến động.

Ông nói “như tôi đã đề cập nhiều lần, Trung Quốc cam kết sẽ có sự thay đổi. Họ hiểu là họ cần phải làm như vậy. Tôi nghĩ là họ muốn như thế. Và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng họ sẽ làm điều này.”

Geithner thừa nhận rằng Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác đã có sự can thiệp vào thị trường ngoại hối để kiềm chế sự tăng giá của đồng tiền các nước này. Nhưng theo ông Geithner, “Mức độ can thiệp đã giảm đáng kể so với giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng. Nhưng tình trạng này đã tăng trở lại ở Trung Quốc và vài nước khác trên thế giới”.

Tổng thống Obama, trong chuyến thăm lần đầu tiên đến Trung Quốc, cũng đã khéo léo bày tỏ mối quan ngại của Mỹ về việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang bị cố tình làm yếu đi để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của nước này.

Trước đó, trong chuyến đi đến Trung Quốc, Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế, Dominique Strauss-Kahn cũng kêu gọi Bắc Kinh nâng giá đồng nhân dân tệ “càng sớm càng tốt” vì lợi ích của cả Trung Quốc và thế giới.

Tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ đã gần như được giữ cố định từ khi đồng đô la Mỹ yếu đi từ tháng 7-2008, ba năm sau khi Bắc Kinh quyết định chấm dứt tình trạng định giá đồng tiền theo đô la Mỹ suốt một thập niên trước đó.

Theo báo cáo của Ủy ban Mỹ-Trung, trong giai đoạn từ năm 2005 đến mùa hè năm 2008, đồng nhân dân tệ đã tăng giá khoảng 21%, lên mức 6,8 nhân dân tệ ăn 1 đô la Mỹ. Tuy nhiên theo báo cáo của Ủy ban này, “đồng nhân dân tệ vẫn bị định giá thấp” và khó mà ước lượng được độ chênh lệch giá trị vì đồng tiền Trung Quốc chưa bao giờ được trao đổi tự do.

(Theo Hải Long // Thời báo kinh tế Sài Gòn)