Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ: Nhỏ nhưng đang lớn

Hai kênh truyền thông nổi tiếng là CNNMoney và AP vừa tiến hành hai cuộc khảo sát độc lập đối với các nhà kinh tế. Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy cái nhìn khá thống nhất của các chuyên gia về triển vọng kinh tế Mỹ trong phần còn lại của năm là tương đối tiêu cực. Rủi ro suy thoái đối với nền kinh tế đầu tầu của thế giới tuy nhỏ nhưng đang lớn dần lên.

Các nhà kinh tế của cả hai nhóm khảo sát đều hạ mức dự đoán về tăng trưởng kinh tế và mức độ tạo việc làm trong nửa năm còn lại, với nguyên nhân chính là giá dầu cao. Nhóm khảo sát của AP dự đoán Mỹ sẽ chỉ tạo được 1,9 triệu việc làm trong năm nay, thấp hơn khoảng 200.000 việc làm so với dự báo cách đây 8 tuần. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp, hiện là 9,1% chỉ giảm xuống còn 8,7% vào thời điểm cuối năm (dự đoán trước đó là 8,4%).

Các chuyên gia do CNNMoney khảo sát thì dự báo GDP của Mỹ quý II sẽ chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn chút ít so với mức 1,8% của 3 tháng đầu năm. Tháng trước, các nhà kinh tế vẫn còn dự báo mức tăng trưởng 3% cho quý II.

Trong khi hầu như tất cả các nhà kinh tế còn đang dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh lên trong nửa còn lại của năm, họ cũng đã gọt bớt mức dự báo tăng trưởng GDP cả năm từ 3% của tháng trước xuống còn 2,7% (kinh tế Mỹ đã tăng 2,9% trong cả năm 2010).

Hầu hết trong số 18 chuyên gia được CNNMoney khảo sát cho rằng, xu hướng yếu đi của nền kinh tế là rõ ràng. Ngay cả những người không lo lắng về một cuộc suy thoái cũng đã cắt giảm dự đoán tăng trưởng trong quý II. Nhiều người cũng có ước tính tương tự cho cả năm. Tính toán của CNNMoney thu được từ cuộc khảo sát cho thấy khả năng kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái mới là 15%, cao gấp đôi so với kết quả khảo sát tiến hành hồi đầu năm.

“Sự hồi phục mong manh của kinh tế Mỹ có nghĩa là nền kinh tế có thể dễ bị tổn thương hơn nhiều trước những cú sốc chính trị và sự tăng giá của nhiên liệu”, Bernard Baumohl, chuyên gia của Economic Outlook Group nói. “Kể từ khi bất ổn ở Trung Đông lan rộng, rủi ro thực sự đã xuất hiện đối với kinh tế Mỹ và thế giới”.

Triển vọng u ám về suy thoái kinh tế từ cuộc khảo sát đến giữa lúc nhiều tin xấu cùng xuất hiện như số liệu việc làm hầu như đứng im, giá nhà tiếp tục giảm, chi tiêu tiêu dùng và kinh doanh chậm lại…

Giá khí đốt và thực phẩm cao đã “ngoạm” bớt niềm tin của người tiêu dùng và những lo lắng giữa các nhà kinh tế về sự đe doạ từ những cú sốc ngoại lai khác, chẳng hạn như khả năng vỡ nợ của Chính phủ Hy Lạp, có thể rúng động hệ thống tài chính thế giới.

Nhiều nhà kinh tế nói rằng, sự yếu đi của nền kinh tế trong những tháng gần đây đã làm thay đổi quan điểm của họ. “Chúng ta đã rời xa lễ nô-en cũng như những báo cáo việc làm đẹp đẽ và đến với những cơn bão, sóng thần và lốc xoáy. Ai có thể đoán được là sự phục hồi kinh tế lại xoay quanh sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo địa tầng trái đất và sự biến đổi khí hậu toàn cầu?”, Gary Rosenberger của EconoPlay nói.

Mặc dù có cái nhìn ảm đạm, 36 trong số 38 kinh tế gia được AP khảo sát vẫn phản đối bất cứ nỗ lực nào nữa của Fed để kích thích tăng trưởng. Fed vừa cắt giảm lãi suất kỳ hạn ngắn về mức gần không (%) và đang tiến đến việc kết thúc chương trình mua trái phiếu. Các chuyên gia nói, một vòng mua trái phiếu nữa sẽ không tạo ra nhiều lợi ích. Một số lo ngại nó có thể tạo ra những điều tồi tệ thông qua việc “tháo cũi” cho lạm phát cao và gây sập gãy các thị trường tài chính.

Cũng chỉ có hai nhà kinh tế thuộc nhóm khảo sát của CNNMoney nói rằng họ sẽ ủng hộ Quốc hội thông qua lượt kích thích tăng trưởng mới để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng đáng thất vọng hiện nay.

Bill Cheney, kinh tế trưởng của Manulife Asset Management nói, ông muốn thấy Quốc hội tăng cường chi tiêu cho quân đội hay các chi tiêu khác của Chính phủ. Còn Baumohl thì muốn Quốc hội sớm nâng mức trần nợ để đảm bảo cho những nhà đầu tư trái phiếu, những người có lẽ đang lo lắng về khả năng vỡ nợ chính phủ vào cuối mùa hè này.

“Lãi suất và thanh khoản không phải là nhân tố chính kìm hãm nền kinh tế hiện nay, vì vậy, hành động của Fed không chắc sẽ có tác động tích cực”, Cheney nói.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)