Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thất bại có hệ thống

“Cuộc chiến chống Al-Qaeda và đồng bọn” của Mỹ có nguy cơ thất bại nếu không chỉnh đốn hệ thống cơ quan tình báo Mỹ, nhất là Trung ương Tình báo (CIA). Thất bại của CIA ở miền Nam Afghanistan và sự kiện 25-12-2009 cho thấy tình báo Mỹ “thất bại có hệ thống”, theo đánh giá của Tổng thống Obama

Sau âm mưu đánh bom hụt chuyến bay 253 Amsterdam-Detroit của Abdulmutallab, 23 tuổi, ngay ngày lễ Giáng sinh, Tổng thống Barack Obama lập tức trấn an dân chúng Mỹ bằng những lời lẽ ôn tồn rằng chính quyền của ông sẽ hành động nhanh và quyết liệt để xóa bỏ “những thất bại có hệ thống và do lỗi con người”.


Đặc vụ Dave của CIA (giữa) trò chuyện với lính biệt kích Mỹ ở Afghanistan. Nguồn: CNN

Tuy nhiên, trong cuộc họp kín với giám đốc các cơ quan tình báo Mỹ ngày 29-12-2009, ông Obama đã dùng một giọng điệu khác hẳn, rất cứng rắn. Ông cho rằng sự kiện 25-12-2009 là một thất bại “không thể chấp nhận được” của hệ thống tình báo Mỹ.

Đồ sộ, quan liêu

Ngày 30-12-2009, CIA lại tiếp tục mắc sai lầm. Al-Balawi, một cộng tác viên người Jordan - được cho là đã bị tẩy não, không còn vương vấn tư tưởng cực đoan - giăng bẫy đánh bom tự sát giết chết 7 đặc vụ CIA, làm bị thương 6 đặc vụ khác ngay trong căn cứ quân sự của Mỹ ở tỉnh Khost, miền Nam Afghanistan.

Không thấy Tổng thống Obama lên tiếng về thất bại được các chuyên gia đánh giá là rất nghiêm trọng này, bởi trên thực tế, trước mắt, lực lượng CIA ở miền Nam Afghanistan hầu như đã bị xóa sổ.

Trong cả hai trường hợp, nguyên nhân thất bại của hệ thống tình báo Mỹ, đặc biệt của CIA, không khác mấy so với sự kiện 11-9-2001: Mặc dù biết rõ đối tượng là tín đồ Hồi giáo cực đoan, là mối đe dọa tiềm ẩn, các cơ quan tình báo không chịu chia sẻ những gì mình biết cho các cơ quan bạn.

Trong một bức tranh ghép nhiều mảnh, mỗi cơ quan chỉ thấy mảnh ghép mà mình đang giữ. Mối liên kết giữa các cơ quan tình báo không bảo đảm. Ngay cơ quan được phân công đứng ra gom các mảnh ghép để có một cái nhìn toàn diện, phát hiện sớm kẻ thù là Trung tâm Quốc gia chống khủng bố (NCTC) cũng không làm tròn bổn phận.

Reuel Marc Gerecht, chuyên gia về các vấn đề khủng bố của tổ chức bảo vệ các nước dân chủ, giải thích: “NCTC cũng giống như các cơ quan tình báo khác, quá đồ sộ, quá quan liêu cho nên cũng không hiệu quả”.

Về bài học 11-9-2001, ông lưu ý: “Nếu sự kiện 11-9 không thể cải cách triệt để cách thức thực hành tình báo thì âm mưu đánh bom hụt ngày lễ Giáng sinh cũng không thể. Sức mạnh của người Mỹ là công nghệ và sản xuất bom chứ không phải thu thập thông tin tình báo”.

Xúc bằng xẻng

Nói chung, bài học thất bại của ngành tình báo Mỹ dẫn đến sự kiện 11-9-2001 vẫn còn nguyên. Jack Rice, cựu nhân viên CIA, viết trên tờ Huffington Post, về sự kiện 25-12-2009: “Chúng ta đã nắm được thông tin về một vụ tấn công tiềm ẩn. Về một gã Nigeria liên quan đến Yemen và trở thành một phần tử cực đoan. Về chiếc vé một chiều. Về việc xuất vé từ một nước thứ ba. Về chuyện gã không gửi va li trong khoang hành lý máy bay. Về chuyện gã bị chính quyền Anh từ chối cấp visa nhập cảnh. Với những món tiền lớn đã bỏ ra sau sự kiện 11-9-2001, chúng ta hy vọng rằng sẽ được an toàn hơn, rằng sự kiện 25-12-2009 không thể xảy ra. Vậy mà nó vẫn xảy ra. CIA nói đã đổi mới nhưng trông chẳng khác gì CIA cũ”.

Từ nước Bỉ, Giles Merritt, Giám đốc Công ty Tư vấn Security & Defence Agenda ở Brussels, đã có cái nhìn riêng trên bản tin Đức Deutsch Welle, về vụ “gián điệp ba mang” al-Balawi: “Cơ chế trao đổi thông tin hoạt động chưa tốt cho nên cần phải giải quyết cho tốt. Rõ ràng là thông tin đã được “xúc bằng xẻng” thảy từ cơ quan này sang cơ quan khác nhưng không được phân tích, do đó đã thất bại”.

Tại Afghanistan, Michael T. Flynn, thủ trưởng tình báo quân đội NATO và Mỹ ở Afghanistan, đã viết một bản “báo cáo khác thường” (từ của đài BBC) về công tác tình báo Mỹ ở Afghanistan. Khác thường vì ông dám nhìn thẳng vào thực trạng công tác tình báo ở Afghanistan đi từ thất bại này đến thất bại khác.
 
Trong bản báo cáo công bố chiều 4-1, ông tự kiểm điểm: “Sau 8 năm tiến hành cuộc chiến tại Afghanistan, cộng đồng tình báo Mỹ không thể trả lời những câu hỏi cơ bản về môi trường hoạt động của quân đội Mỹ và về những người mà họ muốn thu phục nhân tâm trong cuộc chiến chống Taliban”.

Theo tướng Flynn, các chuyên gia tình báo hoạt động ở Afghanistan hiểu biết rất lờ mờ về các tộc trưởng có thế lực, về cách thuyết phục những người này. Vậy khắc phục như thế nào?

“Các nhà phân tích tình báo cần phải đi thực tế như các nhà báo, tiếp cận các nguồn thông tin tại chỗ và cung cấp những thông tin đó cho các bộ chỉ huy khu vực” - tướng Flynn nhấn mạnh.

Không ai bị trảm

Không như tờ The Washington Post cho biết những tin đồn về sự từ chức của Dennis C. Blair, thủ trưởng Cơ quan - Giám đốc tình báo quốc gia (DNI), hay của bà Janet Napolitano, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa, cho tới nay đã không thành hiện thực. Theo giải thích của người phát ngôn Nhà Trắng: “Thất bại không thuộc về cá nhân hay cơ quan nào”.

Nhưng nữ nghị sĩ Jane Harman, Chủ tịch Tiểu ban Tình báo nội địa Hạ viện, không đồng tình với Nhà Trắng. Theo bà, việc cha của Abdulmutallab báo động với tòa đại sứ Mỹ ở Yemen nhưng không được quan tâm đúng mức thì “phải cách chức một người nào đó”.

Tuy không có những cải cách táo bạo, ông Obama cũng có một số động thái sửa sai: Ra lệnh rà soát lại danh sách hàng ngàn người cần theo dõi. Tăng cường kiểm tra hành khách vào nước Mỹ là công dân của 14 nước “nhạy cảm”. Thu hồi visa những trường hợp khả nghi...

Nói chung, uy tín của chính quyền ông Obama đã suy yếu đáng kể sau hai thất bại cay đắng gần đây của CIA. Các nghị sĩ Cộng hòa được dịp đã chỉ trích thỏa thích sự “yếu kém” về công tác an ninh của Tổng thống Obama.

(Theo Thảo Hương // Nguoilaodong Online)

  • Năm 2010: Người Đức sẽ thiên về tiết kiệm hơn tiêu dùng
  • Obama cam kết sẽ sửa chữa kinh tế Mỹ
  • Obama viết lại trương chình nghị sự, tăng cường quan tâm tới thị trường việc làm
  • “Thiên đường” của Al-Qaeda
  • Yemen, “Afghanistan nhỏ” của Mỹ
  • Chi Lê: Mở cửa để giữ nhà
  • Mỹ rút lại ảnh mô tả diện mạo Osama bin Laden
  • Nhà Trắng trước bộn bề thách thức