Dự luật cũng kêu gọi chính phủ phải tiến hành các biện pháp cấm vận thương mại thật nghiêm khắc nếu Trung Quốc không hành động.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox Bussine Network, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng, dự luật này cũng nhằm cho Trung Quốc thấy đối tác của họ đang cảm nhận như thế nào về vấn đề này. Ông cũng tin tưởng rằng các quan chức Trung Quốc “rồi sẽ phải hành động vì lợi ích của chính mình”. Tuy nhiên, ông Geithner tránh đề cập đến việc liệu chính quyền của Tổng thống Obama có ủng hộ dự luật hay không.
Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Schumer, một trong những người bảo trợ dự luật thì cho rằng, “khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói rằng đồng tiền của Trung Quốc sẽ không được định giá cao hơn hai ngày trước đây, đó là giọt nước làm tràn li và chúng tôi ở đây sẽ nói với họ rằng chúng tôi sẽ buộc họ làm điều đó - một cách đơn giản. Sẽ chẳng có bước đi lớn nào chúng ta có thể thực hiện để thúc đẩy tạo việc làm tại Mỹ hơn đối đầu với hành động thao túng tiền tệ của Trung Quốc”. Theo ông Schumer, Mỹ chỉ muốn gửi một thông điệp tới chính phủ Trung Quốc, rằng nếu Trung Quốc không tuân thủ luật như những người chơi khác, Mỹ sẽ phải cưỡng bức.
Lâu nay các nhà sản xuất Mỹ vẫn cho rằng đồng nội tệ của Trung Quốc đang bị ghìm thấp hơn 40% so với giá trị thực của nó và đây cũng là lý do chính khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng lớn, lên tới 226,8 tỷ USD trong năm 2009 và trở thành mức thâm hụt ngân sách lớn nhất giữa Mỹ với các nước trên thế giới.
Nếu đồng NDT mạnh hơn sẽ khiến cho hàng hóa Mỹ có giá rẻ hơn khi thâm nhập thị trường Trung Quốc, trong khi hàng hóa Trung Quốc lại đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ.
Chính quyền Obama hy vọng Trung Quốc sẽ tăng giá đồng NDT, theo đó thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, dự luật trên của Thượng viện Mỹ đã cho thấy sự căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ vẫn tiếp tục leo thang.
Ngày 14/3, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã bác bỏ yêu cầu của Mỹ đòi Trung Quốc tăng giá đồng NDT so với đồng USD, cho rằng đây là chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Tuyên bố của Thủ tướng Ôn Gia Bảo được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Obama nói rằng Trung Quốc nên có “đóng góp đặc biệt” giúp cân bằng nền kinh tế toàn cầu bằng cách đưa ra một chế độ tiền tệ theo định hướng thị trường.
Ngày 15/3, một nhóm gồm 130 nghị sỹ Hạ viện Mỹ yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong một báo cáo dự kiến được công bố vào tháng tới. Nhóm nghị sỹ này cũng kêu gọi Bộ Thương mại ban hành các lệnh cấm vận thương mại đối với Trung Quốc vì cho rằng cơ chế tiền tệ của Trung Quốc đang trở thành một thông lệ thương mại bất bình đẳng.
Khi được hỏi về bản báo cáo trên, dự kiến sẽ trình Quốc hội Mỹ vào giữa tháng Tư, Bộ trưởng Geithner cho biết vẫn chưa quyết định xem liệu có nên liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ hay không.
Động thái trên có thể dẫn đến các cuộc đối thoại mới giữa hai nước và việc áp đặt một lệnh cấm vận là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu các cuộc đối thoại này vẫn không giải quyết được vấn đề. Cho đến nay, chính quyền Obama vẫn từ chối xếp Trung Quốc vào danh sách trên và tin tưởng sẽ thuyết phục được Trung Quốc rằng nước này nên tăng giá đồng nội tệ vì lợi ích của chính họ.
Theo Bộ trưởng Geithner, Trung Quốc cần phải nhận thấy chính sách tiền tệ của họ “không chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ, mà là vấn đề của nền kinh tế thế giới”.
Đồng NDT yếu là một vấn đề gây đau đầu đối với nước Mỹ, bởi vì Trung Quốc là nước nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhất trên thế giới. Trong khi đó, Mỹ phải phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài để mua lại các trái phiếu này trong bối cảnh thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đã đạt mức kỷ lục, lên tới 1,4 nghìn tỷ USD trong năm 2009.
(Vitinfo)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com