Hôm 22.7, Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa ký đạo luật cải cách tài chính đi vào lịch sử, giúp hạn chế khả năng thu lợi nhuận của các ngân hàng và các hoạt động tài chính có nguy cơ rủi ro cao. Hầu hết các TGĐ nhà băng lớn đều được mời tới dự lễ ký, nhưng rất ít người trong số họ đến dự.
Thứ tư ngày 21/7/2010, Tổng thống đã kí đạo luật này tại Washington - được coi là cuộc cải tổ phố Wall mang tính toàn diện nhất kể từ thời kì khủng hoảng kinh tế từ những năm 1930 đến nay. Gần hai năm, sau khi các ngân hàng lớn của Mỹ bị lung lay và đã đẩy hệ thống tài chính thế giới tới bờ vực sụp đổ, phiên bản cuối cùng của dự thảo luật đã được thông qua thượng viện và hạ viện trong tháng sáu vừa qua.
Mục đích cơ bản của gói cải cách này là bằng việc kiểm soát ngặt nghèo hơn giới tài chính và ngân hàng nhằm ngăn chặn những cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như thời kì 2007-2009. Sau khi có chữ kí của tổng thống, dự thảo này đã chính thức trở thành luật.
Tổng thống Obama cùng sự hiện diện của các nhà lập pháp, đã sử dụng nhiều loại bút khác nhau để kí vào văn kiện. Cải cách tài chính mang tính lịch sử này được đưa thành đạo luật trong tòa nhà mang tên vị tổng thống Ronald Reagan- người đã hỗ trợ bãi bỏ quy định về kinh tế- nằm trong trung tâm thương mại quốc tế tại Washington.
Tổng thống Obama nhấn mạnh: Đạo luật cải tổ này đưa ra những bước bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Một tổ chức liên bang mới được thiết lập với mục đích duy nhất nhằm bảo vệ quyền lợi cho mọi người chứ không phải bảo vệ lợi ích cho các ngân hàng lớn, các tổ chức tín dụng hay các nhà đầu tư. „Điều này không chỉ có lợi cho người tiêu dùng, mà nó còn mang tính tích cực cho toàn bộ nền kinh tế”.
Hạn chế những hoạt động tài chính mạo hiểm
Tổng thống tuyên bố sẽ không bao giờ phải cứu một công ty lớn bằng tiền đóng thuế của dân nữa. Ông còn nói rằng các điều luật mới tạo ra sự chắc chắn đồng thời cho cả các ngân hàng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thêm nữa ông còn tuyên bố sẽ không cho phép các hoạt động giao dịch tài chính dựa trên thế chấp rủi ro.
Việc chấp thuận gói cải tổ này là kết quả của hơn một năm tranh luận kể từ tháng sáu năm 2009 khi tổng thống đưa ra ý tưởng cải tổ của mình. Tổng thống Obama mong muốn có được sự hỗ trợ của cả hai đảng- Cộng hòa và Dân chủ- nhưng không thành công. Chỉ có 3 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu thuận tại thượng viện.
Phố Wall không ưng ý
Ngoài những chính sách bảo vệ người tiêu dùng mới, một trong những cải cách bị giới nhà băng chỉ trích là các cơ quan giám sát sẽ có nhiều quyền lực hơn đối với việc thanh lý các công ty gặp khó khăn. Hơn nữa các ngân hàng sẽ bị hạn chế khả năng kiếm lời bởi các hoạt động tín dụng rủi ro.
Đây chính là một vũ khí mới của đảng Dân chủ để khuếch trương cho cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 tới, sau thành công của gói cải cách sâu sắc về y tế, luật cải tổ toàn diện về tài chính cũng được chấp thuận.
Tuy nhiên các nhà phân tích chỉ ra rằng: tất cả chưa đủ để xoay chuyển bầu không khí đang ủng hộ đảng Cộng hòa của các cử tri. Công luận thực sự lo lắng về nạn thất nghiệp cao đã kéo dài từ lâu và thâm hụt ngân sách đang tới mức khổng lồ. Uy tín của ông Obama và kinh tế nước Mỹ đang ở mức độ thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức đến nay.
Với chính sách cải cách tài chính này các đảng viên đảng Dân chủ không thể kiếm thêm bạn ở phố Wall. Những nhà tài trợ giàu có ngày càng ủng hộ các chính trị gia đảng Cộng hòa- những người phản đối cuộc cải cách tài chính này.
Tổng thống đã ký văn kiện này trước 400 đại diện. Cổng thông tin Politico lưu ý rằng hầu hết các tổng giám đốc nhà băng lớn đều được mời, nhưng có rất ít người trong số họ đến dự.
(Theo Phan Bình // Tienphong Online // Origo)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com