Theo giới phân tích, quyết định của Chính phủ Venezuela bãi bỏ hệ thống hối đoái kép để áp dụng một tỷ giá duy nhất sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, động thái này trước mắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những người dân Venezuela có thu nhập thấp. Năm 2010, quốc gia Nam Mỹ này là nước duy nhất có mức tăng trưởng kinh tế âm (-1,9%) và lạm phát cao nhất Mỹ Latinh (26,9%).
Từ đầu năm 2011, Chính phủ Venezuela đã bãi bỏ mức quy đổi ưu đãi 2,6 bolivar đổi được 1 USD dành cho các doanh nghiệp nhà nước và ấn định tỷ giá thông thường 4,3 bolivar/1 USD.
Theo nhà phân tích kinh tế Mario Naranjo, việc áp dụng hệ thống hối đoái kép đã gây ra nhiều "lệch lạc" trong nền kinh tế cũng như nạn đầu cơ tiền tệ tràn lan. Chính vì vậy, xét về mặt chính sách tiền tệ vĩ mô, đây là một quyết định tích cực. Song, việc hạ giá đột ngột đồng bolivar có thể tạo áp lực lạm phát mới, do cơ cấu trợ giá nhập khẩu của chính phủ được hoạch định trên cơ sở tỷ giá 2,6 bolivar/1USD và giờ phải điều chỉnh lại ở mức 4,3 bolivar/1USD. Thêm vào đó, quyết định mới sẽ có tác động nhanh và trực tiếp lên giá cả các mặt hàng thiết yếu, kéo theo tình trạng thiếu hụt trên thị trường. Hiện nhập khẩu của các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 18% tổng giá trị nhập khẩu và tập trung chủ yếu vào các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Lý giải cho quyết định vừa qua của Chính phủ, ông Miguel Barroso, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Ngoại tệ Venezuela, cho biết việc áp dụng tỷ giá hối đoái ưu đãi 2,6 bolivar ăn 1 USD trước đây có mục đích thúc đẩy quá trình phát triển của hệ thống sản xuất trong nước, trong bối cảnh Venezuela vẫn phải nhập khẩu tới 90% hàng hóa tiêu dùng và nhu yếu phẩm. Song, thay vào đó, hệ thống này lại bị các doanh nhân lớn lợi dụng, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, để tăng bất thường lợi nhuận của mình.
Giới phân tích nhận định mức độ ảnh hưởng của quyết định trên còn tùy thuộc vào tính hiệu quả của các biện pháp do Chính phủ Venezuela tiến hành, nhằm chống lại nạn đầu cơ hàng hóa, đặc biệt là lương thực và thuốc men. Theo các nhà phân tích, nhiều người vẫn đang lo ngại về những điều chỉnh tiền tệ mới, bất chấp lời trấn an ngày 3/1 của Tổng thống Hugo Chavez, rằng sẽ không có thêm biện pháp nào theo chiều hướng này nữa.
Về mặt quốc tế, mặc dù Morgan Stanley đánh giá rằng khoản nợ của Venezuela có mức rủi ro cao hàng đầu thế giới, nhưng đa số các nhà quan sát cho rằng, ít nhất trong ngắn hạn Chính phủ Venezuela vẫn sẽ thực hiện các nghĩa vụ tài chính và khó có khả năng việc phải tuyên bố vỡ nợ, khi quốc gia Nam Mỹ này vẫn đảm bảo được sản lượng dầu thô và giữ kỷ lục trong việc thanh toán nợ đúng hạn. Bên cạnh đó, còn phải kể đến mức dự trữ ngoại hối khá “mạnh” (30,2 tỷ USD), trữ lượng dầu thô lớn thứ 2 thế giới và khả năng tiếp cận nguồn tài chính từ Trung Quốc - nước năm ngoái đã đồng ý cho Venezuela vay 20 tỷ USD.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com