Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Câu chuyện về trẻ em đi lính ở châu Phi: Kỳ 1: Những 'cỗ máy giết người' tuổi vị thành niên

Ishmael Beah đã bắn hạ hàng trăm tay súng phe nổi dậy trong cuộc nội chiến ở Sierra Leon. Khi đó cậu vẫn còn là một đứa bé. Mãi đến hôm nay, cậu mới kể lại câu chuyện thời niên thiếu của mình.

Một cảm giác ngòn ngọt, âm ấm

Đội trưởng giương đấm ra hiệu. "Dừng lại!". Đám trẻ ngừng di chuyển và nằm bất động trên mặt đất bùn lầy lội. Tất cả nín lặng, sợ rằng quân nổi dậy sẽ nghe được hơi thở của chúng. Mỗi tiếng động đều có thể dẫn đến cái chết. Josiah run rẩy. Thằng bé mười một tuổi không đủ sức nâng súng lên. Khẩu tiểu liên AK-47 to gần bằng người em. Nó nấp sau cậu bạn lớn tuổi hơn, tên là Ishmael.

Sự yên lặng thống trị không gian. Thậm chí những con chim cũng ngừng kêu. Đâu đó có tiếng cành lá lạo xạo. Quân nổi dậy đã đến. Chưa nhìn thấy bóng địch, nhưng cảm thấy. Đột nhiên họ ào ra từ trong rặng cây. Ishmael bắn trúng một người lính đang nhào đến. Máu từ vết thương phun ra. Bị bất ngờ, Ishmael quên không khép miệng, tự dưng cậu có cảm giác ngòn ngọt âm ấm nơi đầu lưỡi. Đằng sau, Josiah kinh hãi gào tướng lên "Maaaaaamaaaaaa!".

Dường như Josiah muốn nói gì đó, nhưng chỉ thấy đôi môi mấp máy không thành tiếng. Một trái lựu đạn quăng trúng chỗ em. Thằng bé bị hất vào một đám cây cối ngổn ngang. Những giọt nước mắt chảy dài trên má, tròng mắt em nhuốm dần màu đỏ. Ishmael cầm lấy vũ khí và lao vào trận đánh.

Nhiều tiếng sau, khi cậu trở lại, đã thấy côn trùng bắt đầu ăn xác bạn mình. Thằng bé thấy ngạc nhiên là nó không hề thấy cảm thấy sợ hãi khi đứng trước thi thể người chết. Ishmael thu nhặt súng và đạn của bạn. Ngày đầu tiên ra chiến trường, Josiah đã không qua khỏi cái chết.

Hít "nâu nâu" cho át đi nỗi sợ

Đêm Ishmael mới về đến doanh trại. Cậu lau súng cho sạch vết máu và tra dầu vào ổ đạn. Cậy uống nước và cảm thấy lòng mình trống rỗng. Ishmael bò về cái lều mà mới tối hôm qua thôi, cậu vẫn còn ngủ chung cùng với Josiah. Cậu hút cần sa và hít "nâu nâu" – một hỗn hợp của cocain và thuốc súng. Thuốc làm cậu bớt căng thẳng. Ngày mai Ishmael sẽ lại lao vào cuộc bắn giết. 

’Khi
Khi còn làm "lính trẻ em" ở Sierra Leon.

Khoảng một năm đã trôi qua, kể từ khi cuộc chiến xuất hiện và cuốn theo cuộc đời của cậu thiếu niên Ishmael vào vòng xoáy kinh hoàng của nó. Cậu bé mười hai tuổi vẫn thường ngồi trước hiên, trong một làng nhỏ ở đất nước Tây Phi Sierra Leon.

Hàng đêm, dưới những bóng xoài, em nằm nghe bà kể chuyện.

Một buổi sáng em cùng với anh trai Junior sang làng bên xem thi nhảy. Khi bước ra khỏi nhà, cả hai không hề biết được rằng, các em sẽ không bao giờ có thể quay lại đó nữa.

Đứa con thơ cứu tính mạng mẹ

Ở làng bên đang treo lủng lẳng một lời cảnh cáo sống. Trên ngực một người đàn ông, quân nổi dậy khứa bằng lưỡi lê nóng ba chữ viết tắt "RUF" (Mặt trận Cách mạng Liên minh). Chúng chặt hết các ngón tay của ông ta, trừ ngón cái. Đám nổi dậy gọi sự dã man này là "one love", một kiểu xuyên tạc, bởi những người Sierra Leon chào nhau bằng cách giơ ngón cái lên và nói "one love".

Đầu những năm 90, quân nổi dậy lên kế hoạch lật đổ vị tổng thống yếu thế Joseph Saidu Momon. Từ Liberia họ tràn sang đất nước không có vũ trang Sierra Leon. Hôm đó Ishmael nhìn thấy một người phụ nữ chạy loạn địu theo đứa con nhỏ. Súng nổ sau lưng chị.

Một viên đạn bắn trúng vào đứa bé. Đứa con thơ đã cứu tính mạng mẹ nó. Ishmael tự hỏi: "Đoàn quân tự do nào mà lại đi xả súng vào những người vô tội?" Con đường trở về làng quá nguy hiểm, cậu bé bỏ trốn vào trong rừng.

Đến bây giờ người ta vẫn không rõ, vì sao cuộc nội chiến ở Sierra Leon những năm ấy lại đẫm máu đến như vậy. Tuổi thọ trung bình của dân cả nước dừng ở con số 26, thế nên đa số các tay súng là thanh thiếu niên. "Đó là một cuộc chiến, trong đó tất cả những thước đo giá trị con người đều bị bẻ gãy", những nhà quan sát của Tổ chức ân xá quốc tế đã nhận xét như vậy.

Những con chó xâu xé xác ông thầy tu

Những cơn gió mang lời kêu gào của người chết đi khắp đất nước. Những con ruồi sung sướng đến chết chìm trong các vũng máu. Ít lâu sau, trong một cuộc tấn công bất ngờ vào làng Kamator, Ishmael bị lạc mất anh giữa đoàn người chạy loạn.

Người duy nhất kiên quyết ở lại là ông Imam, ông không muốn ngưng buổi cầu nguyện giữa chừng. Sáng hôm sau, khi Ishmael lập cập chạy về làng, đã có hai con chó tranh nhau thi thể ông thầy tu. Một con giằng tay ông, con kia ngoạm vào chân.

Một sự tĩnh lặng đáng ngờ bao phủ lên cả khu làng. Chỉ có tiếng mái tôn rung lật phật. Ishmael nhặt cam mang theo người, nhiều như có thể, và chạy. Một mình còn đáng sợ hơn. Đôi lúc cậu bé hoảng loạn chạy trốn chính cái bóng của mình trong hàng giờ liền. Nhiều khi đói đến nỗi mà cậu cảm thấy đau khi uống nước. Ishmael chỉ biết một mục tiêu duy nhất: sống qua ngày.

Cậu bé gia nhập một nhóm thiếu niên mà cậu biết mặt từ hồi đi học. Cả nhóm cùng nhau đi lạc lung tung. Chúng luôn phải mò vào một làng nào đó để trộm lương thực. Trong một vài khoảnh khắc, đám trẻ lãng quên cuộc loạn lạc.

Chúng bó những chiếc áo T-shirt lại thành một quả bóng và chơi trong những bóng râm, cho đến khi cơn đói và nỗi sợ kéo các em trở lại hiện thực. Trong lúc nguy cấp nhất, một ông lão đã giấu các em trong lều và nuôi chúng qua tuần. Ông than thở: "Ôi, bọn trẻ, đất nước này đánh mất nhân tính rồi!".

Đó cũng là điều Ishmael học được từ cuộc chạy trốn: Vẫn còn những người mạo hiểm cuộc sống của họ để cưu mang người khác. Cái tốt vẫn không chết hoàn toàn trong chiến tranh.

Đa số lính trẻ em tập trung ở các nước châu Phi, 40% trong số các em là nữ
Đa số lính trẻ em tập trung ở các nước châu Phi, 40% trong số các em là nữ.

Đám trẻ chạy tới Yele, nơi quân trung thành với Chính phủ nắm quyền kiểm soát. Vài ngày sau, một viên thiếu tá gọi tất cả thanh thiếu niên lại và nói: "Giờ chính là lúc các cậu có thể trả thù cho gia đình!" Ông ta kể lại chuyện quân nổi dậy đã chặt đầu những người vô tội trước mặt người thân họ như thế nào, ép buộc những đứa con trai phải ngủ với mẹ mình ra sao. Sau cuộc nói chuyện tất cả bọn trẻ đều sẵn sàng chiến đấu.

Những viên thuốc trắng giúp giết người dễ dàng

Trong đội của cậu, đứa trẻ nhất mới có 7 tuổi, già nhất mười sáu. Ngày đầu tiên tất cả được phát áo phông màu xanh ôliu, để phân biệt với quân nổi dậy. Tất cả những người không mặc áo màu xanh là địch. Bọn trẻ tập bắn súng trong mấy ngày, sau đó tiến thân vào vũng lầy của đời mình.

Ishmael thảm sát đám nổi dậy, nhiều đến nỗi mà cứ tối đến tai cậu lại văng vẳng tiếng súng nổ, nhiều đến nỗi mà ngón tay trỏ sưng lên vì bóp cò. Nhưng cậu không thoát ra nổi cái vòng tròn của tức giận và trả thù. Thiếu tá Jabati gọi cậu là “rắn xanh”: “Chú mày trông thì không nguy hiểm, nhưng chú mày có tài lẩn trong rừng như con rắn vậy, và chú mày sẽ là sát thủ, nếu chú mày muốn”.

Họ chiến đấu giành giật từng ngôi làng, từng mái lều, từng túi sắn. Ishmael hít “nâu nâu” và nuốt những viên thuốc trắng hàng ngày, mặc dù cậu chẳng biết trong đó có chứa những gì. Giết người cũng nhờ thế mà nhẹ nhàng như nạp đạn vậy. Đội quân trở thành gia đình của Ishmael, khẩu AK-47 thành vị thần hộ mệnh.

Hơn hai năm đã trôi qua kể từ ngày cậu bé trở thành lính chiến. Cho đến một buổi sáng, có chiếc xe tải chở bốn người đàn ông tiến vào doanh trại. Họ mặc những chiếc quần bò sạch sẽ và áo phông trắng in dòng chữ xanh: Unicef. “Tôi rất tự hào vì đã được phục vụ đất nước cùng các cậu”, Jabati nói lời chia tay. Sau đó đám trẻ giao nộp vũ khí và trèo lên xe.

(Theo Vietnamnet)

  • Nam Phi có sáng kiến mới chống săn bắn tê giác
  • Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi
  • Châu Phi: Nghèo đói trên núi vàng
  • Châu Phi bắt đầu 'ớn' đầu tư Trung Quốc?
  • Mỹ Latin bùng nổ trong khủng hoảng
  • Đổ xô đến châu Phi kinh doanh rượu bia
  • Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
  • Trung Quốc xây “thành phố ma” giữa lòng châu Phi
  • Thảm sát tại Nigeria
  • Châu Phi kỳ vọng vào "sự bùng nổ du lịch"
  • Con đường hòa bình ở Darfur (Sudan) còn khúc khuỷu
  • Haiti: Động đất 30 giây, thiệt hại 60% GDP
  • Xômali: Thách thức vẫn hiện hữu
  • Phép mầu ở Haiti
  • Kỳ tích sống sót mới chấn động Haiti
  • Thế giới chuyển từ 'tìm kiếm' sang 'tái thiết' Haiti