Một nhóm các nhà xuất khẩu châu Phi vừa qua đã kiến nghị Liên minh châu Âu (EU) áp dụng nguyên tắc đối xử "lá mặt, lá trái" trong việc dành ưu đãi thương mại cho các nước nghèo trên thế giới.

Theo nhóm này, Nigeria và Gabon tháng trước đã phải thừa nhận rằng họ không được hưởng lợi gì từ Hệ thống ưu đãi thuế quan chung bổ sung (GSP Plus) của EU, theo đó các nước đang phát triển được phép bán hàng hóa trên thị trường châu Âu mà không phải chịu thuế.
Tuy nhiên, để được hưởng quy chế ưu đãi này, các nước đang phát triển phải tuân thủ 27 thỏa thuận quốc tế liên quan đến nhân quyền, đặc biệt là các tiêu chuẩn về lao động.
Ủy ban châu Âu (EC) chưa cho hai nước châu Phi nói trên hưởng GSP Plus vì Nigeria chưa thực thi một thỏa thuận chống tội ác diệt chủng, còn Gabon chưa tham gia đầy đủ một công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) quy định về độ tuổi lao động tối thiểu (Hai nước này đã phê chuẩn 26 hiệp ước quốc tế).
Quyết định của EC đối với hai nước nghèo này ở châu Phi dường như trái với cách mà EC "đối xử" với Colombia. Nhóm các nhà xuất khẩu châu Phi cho rằng mặc dù nhận được nhiều khiếu kiện từ các tổ chức bảo vệ người lao động về tình trạng ngược đãi lao động một cách có hệ thống ở Colombia, EC vẫn quyết định gia hạn những ưu đãi thương mại dành cho nước Mỹ Latinh này tới năm 2011.
Ông Ken Ukaoho, người phát ngôn Hiệp hội Thương mại Quốc gia Nigeria (NANTS) cho rằng Nigeria bị "trừng phạt" vì từ chối ký thỏa thuận tự do buôn bán mà EU đã xúc tiến trong năm 2007.
Động thái này của Nigeria đã khiến sản phầm dầu thực vật làm từ cacao và rượu côca của nước này xuất khẩu sang thị trường châu Âu phải chịu mức thuế lần lượt là 4,3% và 6,3%.
Do các sản phẩm này xuất khẩu chủ yếu sang EU (chiếm 95% lượng xuất khẩu cacao của Nigeria), nên việc này đã khiến Nigeria bị thiệt tới 5 triệu USD tính đến cuối tháng 3/2008.
Ông Ukaoho cho rằng việc EU cho 16 nước ngoài châu Phi được hưởng quy chế GSP Plus mà từ chối Nigeria và Gabon là bất công và cho thấy "EU vẫn áp dụng thái độ thực dân đối với châu Phi".
Trong khi đó, một quan chức EC phụ trách vấn đề thương mại cho biết EC công bằng và nhất quán trong việc áp dụng các tiêu chuẩn đối với những nước được hưởng lợi từ GSP Plus, và khác với Nigeria và Gabon, Colombia đã tham gia toàn bộ 27 công ước quốc tế liên quan./.