Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Châu Phi với bài toán việc làm

Theo Báo cáo kinh tế các nước châu Phi năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp của lục địa này vẫn ở mức cao, gây cản trở các nỗ lực giảm đói nghèo. Vì vậy, tạo việc làm, phát triển kinh tế bền vững là chính sách mà các nước châu Phi đang hướng tới, coi đây là chìa khóa giảm đói nghèo.

Chế biến nông sản tạo ra nhiều việc làmcho người dân Châu Phi

Kể từ năm 2000 đến năm 2008, thời điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nền kinh tế châu Phi tăng trưởng với tốc độ gấp đôi so với mười năm trước đó. Năm 2009, không tránh khỏi tác  động của cơn bão khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế của châu Phi giảm, nhưng vẫn là một trong hai châu lục (cùng với châu Á), đạt tăng trưởng dương. Tăng trưởng GDP trung bình ở châu Phi đã giảm từ 4,9% năm 2008 xuống 2,4% năm 2009, tuy nhiên hy vọng sẽ tăng lên 4,8% trong năm nay. Giám đốc Cơ quan Phát triển Kinh tế và Chương trình Ðối tác mới vì sự phát triển của châu Phi (NEPAD) E.Nơ-na-đô-di cho biết, trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mặc dù tăng trưởng GDP ấn tượng nhưng châu Phi vẫn luôn phải đối mặt thách thức, bởi số người thất nghiệp cao. Năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp ở châu Phi ở mức 8,2%, gần bằng con số kỷ lục (8,5%) của năm 2004, thời điểm trước khi bùng nổ kinh tế toàn cầu. Dân số châu Phi tăng 2,3% từ năm 2008 đến 2009, lên khoảng một tỷ người. Khoảng 70% số dân ở độ tuổi 30. Với nguồn nhân lực dồi dào,  châu Phi có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, song dân số cùng với tốc độ di cư ra thành thị tăng nhanh cũng là thách thức lớn đối với lục địa về bảo đảm việc làm, nhà ở và các dịch vụ xã hội. Dự báo kinh tế châu Phi năm nay sẽ khả quan hơn năm ngoái với sự phục hồi nhanh hơn mong đợi, nhưng tỷ lệ thất nghiệp không có dấu hiệu giảm và tỷ lệ những người có việc làm nhưng không chắc chắn vẫn rất cao (chiếm tới 80%). Theo Ủy ban Kinh tế châu Phi của LHQ (ECA) và Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC), tỷ lệ thất nghiệp cao đang tiếp tục cản trở nỗ lực giảm đói nghèo và đạt các mục tiêu phát triển ở châu lục này.

Theo thống kê của Liên minh châu Phi (AU), tỷ lệ người sống dưới mức nghèo khổ (1,25 USD/ngày) là 51% ở khu vực nam sa mạc Xa-ha-ra và 3% ở Bắc Phi. Tổng thống Ma-la-uy B.Mu-tha-ri-ca, người hiện giữ chức Chủ tịch AU luân phiên cho rằng, châu Phi không phải là lục địa nghèo nhưng người dân châu Phi lại nghèo. Châu Phi chưa khai thác hiệu quả tiềm năng dồi dào về nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, động vật, thủy sản, sông hồ, đất đai. AU kêu gọi chính phủ các nước châu Phi thực hiện các chính sách sử dụng "cây nhà lá vườn", người châu Phi dùng hàng châu Phi. Theo các nhà kinh tế, để giải bài toán việc làm và đạt các mục tiêu phát triển, châu Phi phải duy trì tăng trưởng cao và bền vững nhằm giảm tỷ lệ đói nghèo và thất nghiệp. Các nước châu Phi cần hạn chế phụ thuộc các nguồn tài nguyên. Tăng cường đầu tư sẽ giúp các nền kinh tế châu Phi chuyển từ khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên sang sản xuất sử dụng nhiều lao động hơn, coi đây là một giải pháp cho vấn đề việc làm. Nếu châu Phi trang bị kiến thức và đào tạo cho người lao động thì lực lượng này có thể đóng góp đáng kể trong sản xuất và tiêu dùng toàn cầu. Chính phủ các nước châu Phi cần thực hiện các chính sách tài chính và tiền tệ để cấp ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Theo các nhà phân tích, triển vọng tăng trưởng lâu dài và khả năng duy trì tỷ lệ việc làm cao, cùng với phát triển xã hội của châu Phi còn phụ thuộc thành công của sự đa dạng hóa kinh tế. Việc các nước ở châu lục đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, huy động nguồn lực trong nước, cải cách thị trường, hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân sẽ giúp tăng năng suất lao động và thu nhập cho người dân. Các nhà kinh tế cũng cảnh báo các nước châu Phi không nên phụ thuộc những động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu nguyên liệu thô, dựa vào đầu tư nước ngoài và viện trợ phát triển, vì đây là những nguồn lực "không thể dự báo trước".

(Theo THÁI AN // Nhandan Online)

  • Nam Phi có sáng kiến mới chống săn bắn tê giác
  • Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi
  • Châu Phi: Nghèo đói trên núi vàng
  • Châu Phi bắt đầu 'ớn' đầu tư Trung Quốc?
  • Mỹ Latin bùng nổ trong khủng hoảng
  • Đổ xô đến châu Phi kinh doanh rượu bia
  • Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
  • Trung Quốc xây “thành phố ma” giữa lòng châu Phi
  • Dành 67 phút làm việc vì cựu Tổng thống Mandela
  • Kinh tế Nam Phi sau World Cup liệu có khởi sắc ?
  • Thủ đô Algiers tích cực xóa các khu nhà ổ chuột
  • Tạm biệt Nam Phi, hẹn gặp Brazil 2014
  • Kinh tế Châu Phi: Triển vọng 2010 và 2011
  • Doanh nghiệp lớn Nam Phi tăng lợi nhuận từ World Cup
  • 120 triệu người Tây Phi có thể bị bệnh sốt vàng da
  • Dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của châu Phi