Những hình ảnh động đất đến với thế giới bên ngoài thật khủng khiếp và đau lòng: khắp nơi trở thành bình địa; người bị mắc kẹt, người chết, người bị thương, người sững sờ điên dại, người hát thánh ca (đa số người dân Haiti theo đạo Thiên Chúa)...
Hàng ngàn, hàng vạn số phận như vậy- từ trong những đống đổ nát, trên đường phố, ở công viên, trong bệnh viện- cùng với những âm thanh của nỗi thống khổ và tuyệt vọng. Không gian bàng bạc tử khí.
Ai cũng trông mong có nhiều người sống sót. Chỉ sợ rằng trận động đất này là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất từ sau trận động đất ở Kashmir năm 2005 làm 86.000 người chết và cơn sóng thần ở Ấn Độ Dươngnăm 2004 cướp đi sinh mạng của 230.000 người.
Người dân Haiti nghèo quá. Đất nước này thiếu cả những phương tiện tối thiểu để giải quyết hậu quả tại chỗ như một hình thức “sơ cứu”. Một phần vì trận động đất đánh ngay vào thủ đô Port-au-Prince, phá đổ những trụ sở thuộc những thiết chế quan trọng.
Đó là tòa nhà quốc hội, dinh tổng thống, thánh đường, cả 2 trạm cứu hỏa, các bệnh viện và trường học, văn phòng thuế, trại giam và trụ sở phái bộ Liên Hiệp Quốc. Vậy nên người dân Haiti phụ thuộc hoàn toàn vào những gì mà thế giới bên ngoài có thể giúp. Ưu tiên trong những giờ vàng sắp tới là nhiệm vụ cứu nạn, chăm sóc y tế và cứu đói. Cũng may là sân bay của Haiti vẫn hoạt động và Haiti lại ở sát Mỹ.
Nhưng Haiti không chỉ có thiên tai. Vùng đất này từng là trung tâm của tập đoàn sản xuất đường giàu nhất thế giới, mang về cho Pháp 1/4 sự giàu có của nó vào cuối thế kỷ thứ 18. Sự thịnh vượng thời bấy giờ được tạo ra từ bàn tay của 700.000 người nô lệ châu Phi-chiếm 85% dân số.
Cuộc chiến đấu chống Pháp của nhân dân Haiti đã giành được độc lập năm 1804. Nhưng di sản nô lệ đã tạo ra vết sẹo lớn. Đó là nền nông nghiệp tự cung tự cấp, nơi sản sinh 80% là người nghèo và một ít là những kẻ giàu sụ.
Trong tình trạng quản lý yếu kém kéo dài, Mỹ đã nhảy vào-thường với những dự định tốt đẹp nhưng lại cho kết quả tệ hại. Cuộc can thiệp mới nhất từ bên ngoài diễn ra năm 2004 với việc phế truất Jean Bertrand Arristide- một tổng thống được bầu trở thành bạo chúa.
Kể từ đó, với sự hiện diện của Liên Hiệp Quốc, Haiti đã tạo ra được những tiến bộ vừa phải. Sứ mệnh gìn giữ hòabình do Brazil đứng đầu cũng chỉ đủ thiết lập một nền an ninh mỏng manh. Nhưng với cú đánh tàn bạo của thiên nhiên, tất cả những kết quả nhỏ bé kia đã trở thành mây khói.
Giờ đây, hàng triệu người cần sự giúp đỡ. Một số chỉ trích từ bên ngoài cho rằng nguồn viện trợ trong nhiều thập niên mang lại ít hiệu quả ngoài việc làm giàu cho một số ít chính trị gia.
Nhưng viện trợ vẫn tiếp tục chảy vào Haiti, và theo tạp chí The Economist, có hai nguyên nhân để nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và người bạn láng giềng Cộng hòaDominica, muốn làm càng nhiều càng tốt để giúp khôi phục một Haiti chênh vênh và mình đầy thương tích.
Một là lòng nhân đạo thông thường. Hai là lợi riêng. Một đất nước 9 triệu dân nghèo khổ là mối nguy đối với các nước láng giềng. Haiti là nguồn xuất phát của tình trạng di dân bất hợp pháp và là giao điểm của các hoạt động buôn lậu ma túy.
Hai vấn đề này sẽ trở nên tồi tệ hơn trừ khi một chính phủ mạnh và một nền kinh tế hiện đại sớm được hình thành. Điều đó có nghĩa là nỗ lực viện trợ quy mô lớn, sẽ tập trung vào nơi ăn chốn ở căn cơ, rồi bệnh viện và trường học. Sự giúp đỡ từ cộng đồng 1 triệu dân Haiti ở Mỹ cũng được coi là quan trọng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hứa dành cho Haiti “sự ủng hộ mạnh mẽ” và đã tạm ngưng việc trục xuất những người Haiti đang sống bất hợp pháp ở Mỹ. Các cuộc bầu cử ở Haiti được dự kiến trong năm nay sẽ phải hoãn lại. Và không ai khác, Rene Preval, vị tổng thống còn chiếm được cảm tình của nhiều người dân, sẽ nhận lãnh sứ mệnh lãnh đạo tái thiết nước nhà. Một nhiệm vụ quá nặng nề.
(Theo Cao Tuấn // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com