Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hàng cứu trợ: Cung không đủ cầu

Các nhà khoa học cảnh báo Haiti và các nước láng giềng phải chuẩn bị trước nguy cơ xảy ra thêm nhiều trận động đất lớn trong thời gian tới

Nước, thực phẩm và những tia hy vọng hôm16-1 đã bắt đầu đến với người sống sót sau trận động đất ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti. Theo hãng tin AP, chính phủ đã thiết lập 14 điểm phân phối thực phẩm và hàng cứu trợ khác.


Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc phân phối thực phẩm cho cư dân tại
khu ổ chuột Cité Soleil ở Port-au-Prince hôm 16-1. Ảnh: REUTERS

Tuyệt vọng, điên cuồng

Trong khi đó, lần đầu tiên sau trận động đất, hàng chục ngàn người đã xếp hàng tại Cité Soleil, khu ổ chuột lớn nhất thành phố, để chờ nhận thực phẩm từ Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc.
 
Tuy nhiên, lượng hàng cứu trợ phân phát không thấm vào đâu so với nhu cầu. Khoảng 10.000 người vẫn còn kiên nhẫn chờ đợi dù số thực phẩm chở trên 6 chiếc xe tải không còn bao nhiêu.

Ở những nơi khác, không ít người chờ hàng cứu trợ trong tuyệt vọng. Henry Ounche, một người sống sót, cho biết: “Người ta chờ thực phẩm đã tuyệt vọng đến nỗi trở nên điên cuồng”.

Nhân viên kế toán này nằm trong số hàng trăm người tranh giành quyết liệt khi nghe thấy tiếng trực thăng chở hàng cứu trợ bên trên. Trong khi đó, tại một sân vận động, khoảng 200 thanh niên bắt đầu tranh cãi, ném đá vào nhau trong lúc giành giật hàng cứu trợ được trực thăng thả xuống.

Ngoài việc chờ cứu trợ, nhiều người dân Haiti đang tìm kiếm người thân trong tuyệt vọng. Theo AP, không ít người đứng chờ bên ngoài các đống đổ nát, nơi người thân họ từng ở trước trận động đất, để chờ xem liệu họ còn sống hay đã bị chôn vùi bên dưới.

Trong khi đó, những người Haiti sống ở nước ngoài đang dùng các website và mạng xã hội để tìm hiểu số phận của người thân trong nước. Tổ chức Chữ thập đỏ hôm 14-1 đã lập một website để người dân cung cấp danh tính những người thân hoặc bạn bè bị mất tích. Chỉ trong vòng 24 giờ, đã có 18.000 cái tên được đưa lên đó.

Còn nước còn tát

Hy vọng tìm thấy người sống sót ngày càng phai dần cho dù nhân viên cứu hộ đã tìm thấy một số người sống sót hơn 4 ngày sau trận động đất. Rạng sáng 17-1 (giờ địa phương), bà Nadine Cardoso, 62tuổi, 1 trong 2 người chủ của khách sạn Montana,đã được cứu sau khi nằm dưới đống đổ nát hơn 100 giờ.

Trước đó một ngày, 3 người khác cũng được cứu ở nơi này. Cũng trong ngày 16-1, một phụ nữ và một người đàn ông bị chôn vùi dưới các đống đổ nát đã được cứu sống. Đến cuối ngày này, các nhân viên cứu hộ còn phát hiện 3 người sống sót dưới đống đổ nát của một siêu thị và đang nỗ lực cứu họ.

Vẫn chưa rõ có bao nhiêu người chết trong trận động đất. Thủ tướng Haiti Jean-Max Bellerive cho hãng tin AP biết chỉ tính riêng chính phủ ông đã gom được 20.000 thi thể.

Ông cho rằng con số 100.000 người chết có vẻ chỉ là “tối thiểu”. Trong khi đó, Tổ chức Y tế liên Mỹ ước tính khoảng từ 50.000 đến 100.000 người đã thiệt mạng trong trận động đất.


Saint Helene Jean Louis, 28 tuổi, được đưa ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà
Trường ĐH Port-au-Prince sau 4 ngày bị mắc kẹt. Ảnh: AP

3.000 tù nhân trốn thoát

Ngoài vấn đề cứu trợ, an ninh cũng là một nỗi lo khác sau khi khoảng 3.000 tù nhân đã trốn khỏi một nhà tù lớn bị tàn phá bởi trận động đất ở Port-au-Prince.

Nhiều tù nhân từng là thành viên băng đảng được trang bị vũ khí tận răng đã quay lại khu ổ chuột Cité Soleil, nơi bọn chúng hoành hành như những lãnh chúa trước khi bị trấn áp bởi Tổng thống Rene Prevail, người lên nắm quyền năm 2006.

Diễn biến này khiến không ít người lo ngại rằng sẽ có làn sóng trả đũa chính phủ.Một sĩ quan cảnh sát giấu tên cho hãng tin Reuters biết: “Việc họ trở về Cité Soleil là điều dễ hiểu. Nơi đó từ lâu đã luôn là thành trì của bọn chúng”.

Người này nói thêm rằng các băng đảng khét tiếng đã hiện diện tại Cité Soleil kể từ khi trận động đất xảy ra. Đã xuất hiện thông tin rằng bọn chúng đã đốt những gì còn lại của tòa nhà Bộ Tư pháp hôm 16-1 để thiêu hủy hết hồ sơ phạm tội của chúng.

Thêm một nỗi lo nữa xuất hiện sau khi các nhà khoa học cảnh báo rằng Haiti và các nước láng giềng phải chuẩn bị trước nguy cơ xảy ra thêm nhiều trận động đất lớn trong thời gian tới.

Theo hãng tin AFP, cảnh báo này đưa ra sau khi một số dư chấn mạnh trong tuần này đã làm tăng áp lực dọc một đường đứt gãy dài hàng trăm km.

Ngoại trưởng Mỹ đến Haiti


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton trả lời báo chí sau khi gặp
Tổng thống Haiti Rene Preval. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã gặp Tổng thống Haiti Rene Preval hôm 16-1 (giờ địa phương) bàn về các ưu tiên của Haiti lúc này: khôi phục các phương tiện liên lạc, điện và giao thông. Bà hứa hẹn rằng Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các viên chức địa phương để nỗ lực giảm nhẹ nỗi đau do trận động đất gây ra.

Tại cuộc họp báo ở sân bay thủ đô Port-au-Prince, bà nhấn mạnh: “Chúng tôi có mặt ở đây theo lời mời của chính phủ của các bạn để giúp đỡ các bạn. Như Tổng thống Barack Obama đã nói, chúng tôi sẽ ở đây hôm nay, ngày mai và suốt cả thời gian sau này. Về phần tôi, tôi biết người Haiti rất kiên cường và mạnh mẽ. Các bạn đã được thử thách một cách dữ dội. Nhưng tôi tin rằng Haiti có thể phục hồi mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn trong tương lai”.

Bà Clinton là giới chức cao cấp nhất của chính quyền Mỹ đến Haiti sau khi động đất xảy ra ngày 12-1. Bà bay đến đây cùng với Rajiv Shah, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ, trên chuyến bay vận tải C-130 chở theo nước đóng chai, lương thực đóng gói, xà bông và các vật dụng khác.

Ngoại trưởng Mỹ cũng gặp gỡ các viên chức Liên Hiệp Quốc và những người Mỹ đang làm việc tại đây.

Lục San

Tổng Thư ký LHQ thương tiếc nhân viên ở Haiti


Ông Hedi Annabi. Ảnh: REUTERS

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã bày tỏ sự “đau buồn sâu sắc” khi xác nhận “cái chết bi thảm” của Trưởng phái bộ ổn định Haiti của LHQ Hedi Annabi, Phó Phái bộ Luiz Carlos da Costa và quyền Ủy viên Cảnh sát Doug Coates.

Lời của ông Ban Ki-moon được ghi trong thông báo của văn phòng LHQ: “Với tất cả ý nghĩa của ngôn từ, họ đã bỏ mình cho hòa bình”. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, nhóm cứu hộ người Trung Quốc đã tìm thấy thi thể của ông Annabi dưới đống đổ nát trụ sở của LHQ tại Port-au-Prince vào chiều 16-1.

Có vẻ như ông đã tiếp phái đoàn ngoại giao cấp cao của Trung Quốc khi xảy ra động đất. Ông Annabi sinh năm 1944, mang quốc tịch Tunisia, làm việc cho LHQ từ năm 1981 và giữ nhiệm vụ ở Haiti từ năm 2007.

Cấp phó của Annabi là ông Luiz Carlos da Costa, người Brazil, được ông Ban Ki-moon nhìn nhận như “một huyền thoại từ nhiều năm nay trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ”. Còn ông Coates vốn thuộc cảnh sát kỵ binh Hoàng gia Canada, được ông Ban Ki-moon xác nhận là “thành viên từng phục vụ lâu dài trong cộng đồng thực thi luật pháp quốc tế”.

Ông Ban Ki-moon bày tỏ: “Tấm lòng của chúng ta hướng về họ, về gia đình và bạn bè của Hedi, Luiz và Doug, cùng với những anh hùng của LHQ đã hiến sinh mệnh cho Haiti và cho lý tưởng cao cả của LHQ”.

L.Nguyễn

 

(Theo Hoàng Phương // Nguoilaodong Online)

  • Nam Phi có sáng kiến mới chống săn bắn tê giác
  • Sự trỗi dậy ngọt ngào của châu Phi
  • Châu Phi: Nghèo đói trên núi vàng
  • Châu Phi bắt đầu 'ớn' đầu tư Trung Quốc?
  • Mỹ Latin bùng nổ trong khủng hoảng
  • Đổ xô đến châu Phi kinh doanh rượu bia
  • Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?
  • Trung Quốc xây “thành phố ma” giữa lòng châu Phi
  • Động đất ở Ấn Độ Dương
  • 150.000 nạn nhân đã được chôn cất
  • Nạn nhân mỏi mòn chờ hàng cứu trợ
  • Tiếp tục tìm thấy người sống sót
  • Cứu trợ chậm trễ, nỗi khổ chồng chất
  • Haiti chênh vênh
  • Haiti cần 10 tỷ USD để tái thiết trong 5 năm
  • Về trận động đất tại Haiti : Số người thiệt mạng có thể đến 200 nghìn người