Cuối tuần qua, cuộc đối thoại giữa đại diện của Tổng thống Ôn-đu-rát bị phế truất Ma-nu-ên Dê-lay-a và Chính phủ tiếm quyền của ông Rô-béc-tô Mi-sê-lết-ti cùng phái đoàn các nhà ngoại giao của Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS) đã kết thúc mà không ghi nhận bước đột phá nào, song các bên vẫn để ngỏ khả năng đối thoại.
Chính phủ tiếm quyền của ông R.Mi-sê-lết-ti và đại diện của Tổng thống bị phế truất M.Dê-lay-a đã không ký được thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng chính trị do cuộc đảo chính ngày 28-6 gây nên.
Ngoại trưởng Cô-xta Ri-ca, Bru-nô Xta-gnônêu rõ vấn đề khiến cuộc thương lượng này luôn bế tắc là việc phục chức cho Tổng thống M.Dê-lay-a được cộng đồng quốc tế ủng hộ, nhưng lại bị Tổng thống lâm thời R.Mi-sê-lết-ti, với sự ủng hộ của giới doanh nghiệp mạnh và quân đội bác bỏ. Mặc dù lập trường vẫn cứng rắn, nhưng đại diện của các bên vẫn hy vọng tiếp tục một phiên đàm thoại mới về những thay đổi có thể đối với Thỏa thuận Xan Hô-xê do Tổng thống Cô-xta Ri-ca, Ô-xca A-ri-át đề xuất. OAS kêu gọi Chính phủ tiếm quyền khôi phục các quyền tự do công dân để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại, đồng thời cho phép tiếp cận và tham vấn bình thường với Tổng thống M.Dê-lay-a, hiện đang tạm trú tại Đại sứ quán Bra-xin ở thủ đô Tê-gu-xi-gan-pa của Ôn-đu-rát và bị lực lượng an ninh kiểm soát nghiêm ngặt.
Ba tháng sau khi giành quyền lực sau cuộc đảo chính quân sự khiến dư luận quốc tế bất bình, Tổng thống tiếm quyền Ôn-đu-rát Mi-sê-lết-ti tuyên bố ông sẵn sàng rời bỏ nhiệm sở, nhưng chỉ với điều kiện Tổng thống bị lật đổ M.Dê-lay-a phải hủy bỏ yêu cầu phục chức. Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống tiếm quyền R.Mi-sê-lết-ti đưa ra điều kiện để từ chức. Cuối tháng 9 vừa qua, phát biểu trước báo giới, ông tuyên bố sẵn sàng rời bỏ quyền lực nếu cần thiết nhằm giải quyết khủng hoảng thể chế ở Ôn-đu-rát, song phải sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới.
Trong khi đó, M.Dê-lay-a đã gửi tối hậu thư cho Chính phủ lâm thời đòi phục chức cho ông trước ngày 15-10 để có thể hợp thức hóa tổng tuyển cử vào tháng 11 tới. Ông Dê-lay-a cũng yêu cầu Chính phủ tiếm quyền "dỡ bỏ vòng vây quân sự xung quanh Đại sứ quán Bra-xin", chấm dứt đàn áp những người ủng hộ ông cũng như phi quân sự hóa các thành phố và khu vực dân cư trong cả nước.
Đại diện của Tổng thống bị phế truất M.Dê-lay-a ấn định ngày 15-10 tới là thời hạn chót để các bên đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Mỹ này. Theo họ, việc phục chức muộn hơn cho ông M.Dê-lay-a có thể làm trì hoãn các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11 tới. Tuy nhiên, ông R.Mi-sê-lết-ti cho biết: "sẽ không có cách nào để ngừng" cuộc bầu cử dự kiến ngày 29-11, bất chấp việc cộng đồng quốc tế cảnh báo sẽ không công nhận mọi cuộc bầu cử do Chính phủ tiếm quyền Ôn-đu-rát tiến hành.
Ba tháng qua, cuộc khủng hoảng chính trị tại Ôn-đu-rát vẫn chưa tìm được lối thoát, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại sâu sắc về những tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình phát triển khá ổn định ở khu vực này những năm gần đây. Nhiều tổ chức quốc tế và các nước đã cắt hoặc ngừng viện trợ cho Ôn-đu-rát, khoản tài trợ của nước ngoài chiếm khoảng 6% tổng thu nhập quốc dân (GDP) của quốc gia Trung Mỹ này. Theo đánh giá của các nhà kinh tế, cuộc khủng hoảng chính trường Ôn-đu-rát đã làm trầm trọng thêm những khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khiến tăng trưởng kinh tế của nước này giảm thêm 2% GDP. Nền kinh tế nhỏ bé của nước này sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng.
(Theo Kim Phượng // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com