Khi José Bright đến Nam Phi vào năm 1994 với vai trò là một quan chức ngoại giao khu vực cho Thống đốc bang Washington (Mỹ), anh đã được chính phủ Nam Phi tin cậy vào các dự án cải tiến trường học, cải tiến hệ thống giáo dục nhằm đưa cộng đồng 40 triệu người da đen ở đất nước này dần thoát khỏi nạn mù chữ.
Bright đã đến Nam Phi nhiều lần từ sau khi chế độ apartheid sụp đổ. Ngoài công việc của một quan chức ngoại giao, anh còn kiếm thêm một khoản thu nhập khá tốt từ nghề tư vấn.
Tại những tỉnh nghèo nhất Nam Phi, anh từng bị sốc khi tận mắt thấy một học sinh lớp 6 mà vẫn không biết đọc trôi chảy, học sinh ngồi học trong những chiếc lều và thậm chí chỉ là dưới bóng cây. Hệ thống giáo dục dưới chế độ apartheid đã không dạy cho các em nhỏ kỹ năng tư duy, phê bình… Tỷ lệ bỏ học gia tăng. Thế hệ thanh niên đầu tiên dưới chế độ “hậu apartheid” gần như không được trang bị kiến thức cơ bản. Bright quyết định chọn thêm nghề mới: dạy học. Lớp học mang tên Toboho Trust.
Tất cả bắt đầu từ tháng 2-2001 với 10 trẻ em. Bright đảm nhận việc nuôi 5 đứa trẻ, các thành viên trong gia đình và bạn bè anh nhận “tài trợ” 5 đứa trẻ khác trong năm học đầu tiên ở thành phố Soweto. Con số này chẳng bao lâu tăng lên 17, rồi đến 30 trong năm tiếp theo. Học phí ở Nam Phi chỉ 5 bảng/năm, nhưng số tiền đó vẫn là quá lớn đối với đa số gia đình, nên phần lớn trẻ em ở đây bị thất học, phải vào đời kiếm sống từ rất nhỏ. Các lớp học của Bright chỉ diễn ra vào ngày thứ bảy với các môn học như toán, tiếng Anh và khoa học.
Các giáo viên tình nguyện không ăn lương của Teboho Trust bắt đầu hiểu công việc họ đang làm khi họ thấy tận mắt không ít học sinh yếu đã bất ngờ giỏi lên. Các bậc phụ huynh coi Bright như người giúp con cái họ mở mang kiến thức và chương trình “học ngày thứ bảy” của anh cứ thế được phát triển ở thành phố này.
Tên được đặt thêm của Bright là Teboho, có nghĩa là quà tặng. Đây là “phần thưởng tình cảm” mà lớp người già ở Nam Phi đặt cho anh, với ngụ ý “cám ơn Trời đã trao cho chúng con người này”. Từ tên gọi này, tổ chức giáo dục “Teboho Trust” của anh ra đời. Ngày nay, với một đội ngũ những nhà tình nguyện làm việc cho Teboho Trust, Bright đang giúp đỡ cho 230 trẻ em và cả cha mẹ chúng học chữ. Công việc này đã ngốn rất nhiều tiền bạc và thời gian của anh.
Có một điểm khác biệt của Teboho Trust là không “giúp đỡ” một lúc nhiều học sinh yếu kém, mà giúp đỡ cẩn thận, từng em, từng em một. Cách đây 2 năm, Simphiwe Lila là học sinh lớp 10 yếu môn Toán và em đã đến Teboho Trust để tìm sự giúp đỡ. Nếu như trước khi đến trung tâm, một giáo viên trong trường em đã từng tuyên bố “Simphiwe Lila sẽ không bao giờ giỏi toán được bởi vì cậu ta quá đần”, thì hôm nay cậu bé này là học sinh giỏi toán nhất lớp và dự định sẽ vào đại học năm sau.
Ở Nam Phi, nơi có tới 35% dân số dưới 15 tuổi, nơi có 10 triệu người hoặc là công chức hoặc là mù chữ hoàn toàn. Chỉ có khoảng 30% học sinh vượt qua kỳ kiểm tra và tốt nghiệp bậc học. Đất nước này có từ 28% đến 40% dân số là thất nghiệp, và cải tiến giáo dục là một chuyện được xem là chuyện của cá nhân và rất xa vời. Tuy nhiên, thành công của Bright đã được cộng đồng người da đen nghèo khổ vinh danh. Những gì Bright đang làm đã được chính phủ Nam Phi đánh giá cao.
Hiện giờ, mặc dù rất bận rộn với vai trò là diễn giả của Trường Kinh tế và Khoa học thương mại tại Trường Đại học Witwatersrand ở Hohannesburg, nhưng anh vẫn đang đảm nhận vai trò tư vấn cải tiến hệ thống giáo dục cho Nam Phi.
(Theo Hạnh Chi/CSMonitor)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com