Vị thầy giáo đầu đội mũ, quấn sàrông đang ngâm nga câu kinh, phía dưới khoảng 30 học trò đang ê a đọc theo. Học trò có đứa gần 20 tuổi đã đi làm, có đứa mới ngoài 10 tuổi.
Đó là lớp học buổi sáng ở thánh đường Ehsan, xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang. Tất cả đang học tiếng Ả Rập và Chăm truyền thống, thông qua kinh sách.
![]() Một lớp học buổi sáng ở thánh đường Ehsan, xã Đa Phước, huyện An Phú, tất cả đang học tiếng Ả Rập và Chăm truyền thống, thông qua kinh sách. Ảnh: Trần Việt Đức |
Thầy không lương
Ông từ của thánh đường Ehsan tên Haji Thanijan kể, mỗi ngày, tại đây có bốn lớp học. Ban ngày chỉ một vì các em đi học phổ thông và đi làm, buổi tối có ba lớp, chia theo thứ tự cao thấp. Thầy giáo dùng kinh Coran làm giáo trình dạy chữ viết, phát âm. Học trò, nếu siêng năng chỉ mất khoảng 2-3 năm là đọc kinh được. Ở An Giang, mỗi xóm người Chăm sẽ không thể thiếu ba thứ: thánh đường, trường học và sân bóng đá. Vì vậy gặp bất kỳ người Chăm từ già đến trẻ con, dù nhiều hay ít, ai cũng có thể đọc và viết tiếng Ả Rập hoặc Mã Lai.
Ông Ahmath, vị thầy giáo và cũng là phó cả của thánh đường Mubarak (xã Châu Giang, thị xã Tân Châu) đã 50 tuổi, biết rành hai thứ tiếng Mã Lai, Campuchia, kể: lớp học mở cả ngày, dạy trẻ đang học phổ thông. Vì chỉ có các thầy mới được lên thánh đường (giáo luật cấm phụ nữ) nên ngoài lớp học ở đây, một số cô giáo tự tổ chức dạy tại nhà. Một người muốn làm thầy dạy học phải thấu hiểu kinh sách, có thể đi học nhiều năm ở nước ngoài hay trong nước. Nói đến việc học làm thầy, ông Ahmath lại nhắc tên người thầy của ông và của nhiều thầy khác ở vùng An Giang này: ông cả Musa Haji ở xã Khánh Hoà, huyện Châu Phú. Trong 50 năm đứng lớp, ông cả Musa Haji đã dạy dỗ hàng chục người thầy cho các xóm Chăm An Giang. Thầy học xong về lại địa phương giảng dạy. Theo giáo luật, thầy không có lương, dạy trò là bổn phận.
Khác với bên thánh đường Ehsan dạy tiếng Ả Rập, ở thánh đường Mubarak, ngoài tiếng Chăm, học trò được dạy chữ Mã Lai. Giải thích sự khác biệt này, theo thầy Ahmath, vì tổ tiên người theo đạo Hồi ở Châu Giang ngày nay vốn xuất phát từ Mã Lai (Java Kur), chứ không phải người Chăm từ vương quốc Chiêm Thành cổ. Mặt khác, việc học tiếng Mã Lai sẽ có nhiều cơ hội cho trẻ em, khi tốt nghiệp xong chương trình phổ thông, có thể sang du học ở Malaysia. Tương tự, người học tiếng Ả Rập như bên Đa Phước sẽ du học bên các nước Ả Rập. Sự thật, hai chữ viết, phát âm cùng một nguồn gốc nên không khác nhau lắm.
Làng du học
Có lẽ, nếu so sánh tỷ lệ người đi du học trên bình quân số đầu người, thì người Chăm đứng đầu. Các xóm người Chăm ở Châu Giang, Châu Phong, Đa Phước, Vĩnh Trường (Lama), Khánh Hoà… mỗi xóm có hàng chục trẻ du học ở Malaysia, Indonesia, Philippines và cả tận Ả Rập Saudi, Ai Cập, Nam Phi. Tỷ lệ trẻ đi học nước ngoài còn cao hơn học đại học, cao đẳng trong nước. Lý giải điều này, một vị thầy giáo cho biết, ở bên đó các nước không thi tuyển đầu vào nên đi học dễ hơn. Đã có nhiều em thi rớt đại học trong nước, nhưng vẫn đủ điều kiện du học.
Tiếp chuyện tại thánh đường Mubarak, thầy Ahmath nhẩm tính, hiện ở xóm có 28 em đi du học, hầu hết ở Malaysia. Đại đa số trẻ đi du học được nhận học bổng của cộng đồng Hồi giáo. Điều kiện để được chọn đi du học Malaysia cũng rất căng: trẻ phải tốt nghiệp 12 từ 45 điểm trở lên (bình quân 7,5 điểm mỗi môn), trong khi theo vị thầy ở xóm Chăm Châu Phong, điều kiện du học sang trường Đại học Islam Al-Madinah, ẢRập Saudi chỉ cần tốt nghiệp lớp 12. Tất nhiên, một điều kiện tiên quyết để được du học phải là người Hồi giáo. Với nhóm du học ở Malaysia, tỷ lệ học truyền giáo ít, sinh viên Chăm học nhiều ngành nghề (về kinh tế, xã hội) để khi tốt nghiệp, có thể về nước hoặc ở lại kiếm sống. Tính đến nay, thầy Ahmath ước số sinh viên về làm việc cho các công ty của quốc gia Hồi giáo ở TP.HCM, Đồng Nai… phải đến hàng trăm, chưa kể người ở lại Malaysia. Ngoài thứ ngôn ngữ của người Hồi giáo, trẻ còn biết thêm tiếng Anh, cần cho việc kiếm sống. Với nhóm du học ở Ả Rập, chủ yếu học truyền giáo, quay về nước thường đi làm phiên dịch. Số ở lại làm thầy giáo ở xóm ấp rất ít. Theo xu hướng, trẻ sang học ở các quốc gia như Malaysia sẽ nhiều lên bởi sẽ được học nghề kiếm sống chứ không chỉ học truyền giáo.
![]() Vị thầy giáo đầu đội mũ, quấn sàrông đang ngâm nga câu kinh, phía dưới khoảng 30 học trò đang ê a đọc theo. Ảnh: Trần Việt Đức |
Nỗi lo người thầy
Một thực tế, tỷ lệ trẻ em Chăm học hết phổ thông không cao, trừ một số xóm ở ven đô thị như Châu Giang, Châu Phong… Nhiều xóm ở vùng sâu, vùng xa, có năm không trẻ nào tốt nghiệp lớp 12. Nhiều nơi, chỉ cần đọc biết chữ, trẻ đã phải theo cha mẹ đi kiếm sống xa nhà. Trước nay, theo thầy Ahmath, nhà nước có chính sách cử tuyển, đưa trẻ tốt nghiệp đi học đại học. Nhưng nay, chính sách đó chỉ áp dụng cho vùng sâu vùng xa. Một nghịch lý, vùng được ưu tiên lại không có người đi học, vùng có người đi học lại không được ưu tiên!
Hơn 20 năm làm thầy dạy “ngoại ngữ” ở xứ Châu Giang, thầy Ahmath luôn tâm niệm với học trò, học vừa là tự nguyện, vừa là bổn phận. Từng ấy năm đứng lớp không công, trong ông có nhiều nỗi lo khi ở vùng đất cửa ngõ đô thị nhiều cám dỗ, thấy những đứa trẻ ngồi uống cà phê nói tiếng Việt, có thể chúng không còn nhớ tiếng mẹ đẻ. Lên bảng, ông luôn phải dịch sang ba thứ tiếng Malaysia – Chăm – Việt, bọn trẻ mới hiểu được. Bây giờ cũng không còn mấy người đi học về chịu làm ông thầy giáo xóm, nhiều người hầu hết lên đô thị kiếm việc sinh sống. Ông biết đó là hợp đạo lý nhưng thi thoảng, trong ông vẫn tìm một người kế nhiệm mỗi khi ngoảnh lại phía sau.
Một chương trình dạy tiếng Chăm phổ thông cũng là niềm mơ ước của những người làm thầy các xóm Chăm. Nếu có, chỉ cần một vài tiết mỗi tuần, trẻ sẽ được học xuyên suốt phổ thông, sẽ bớt gánh nặng lên mỗi cộng đồng và mở cửa rộng hơn đến các quốc gia Hồi giáo có nền giáo dục tốt. Trẻ Chăm học tiếng mẹ đẻ sẽ dễ tiếp cận với ngôn ngữ của các nước Hồi giáo vì từ một gốc. Trước nay, ông cả Musa Haji đã từng biên soạn một bộ giáo khoa dạy tiếng Chăm cho trẻ, nhưng chỉ dùng được ở giờ học tại các thánh đường. Nghe đâu Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang cũng đã tính đến, sau khi nghe cử tri phản ánh, nhưng các bước để chữ Chăm trở vào lớp học, vẫn còn phải chờ.
(Theo nguyễn trọng tín - doãn khởi // SGTT Online)
>>> Bài 1: Bí ẩn những “thế giới” bé nhỏ
>>> Bài 2: Ông cả - người của mỗi người
>>> Bài 3: Xứ sở “digan”
>>> Bài 4: Giáo luật ở xóm Chăm
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com